Theo BCTC hợp nhất quý III/2017 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố, mặc dù ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng gấp 2,5 lần cùng kỳ song kết quả lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 528 tỷ đồng, gấp đôi quý III/2016.
Điều này là nhờ vào sự đóng góp rất lớn từ các hoạt động kinh doanh phi tín dụng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng SHB trong quý III đạt 716 tỷ đồng, không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Các hoạt động kinh doanh khác có sự tăng trưởng đột biến. Cụ thể, mua bán chứng khoán và kinh doanh ngoại hối đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ là 844 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ và vượt cả thu nhập lãi thuần. Đây là con số kỷ lục của toàn hệ thống ngân hàng. Bởi lẽ, tính riêng hoạt động này tại 3 ngân hàng quốc doanh có quy mô lớn nhất như BIDV, hoạt động dịch vụ trong quý III lãi 729 tỷ, tại Vietcombank là 650 tỷ và Vietinbank mới chỉ là 374 tỷ.
Đây cũng là điều khác lạ bởi lợi nhuận ngân hàng Việt Nam lâu nay vẫn phụ thuộc quá lớn vào tín dụng, kể cả nhà băng lớn. Theo thống kê trước đó của chúng tôi, thu nhập của hàng loạt ngân hàng đang phải lệ thuộc trên 70% vào hoạt động tín dụng. Do đó, đây sẽ tín hiệu tích cực.
Trao đổi thêm với chúng tôi về hiện tượng lạ này, lãnh đạo ngân hàng SHB cho biết trong quý III hoạt động dịch vụ của ngân hàng tăng thu nhờ nhiều khoản mục, trong đó nổi trội nhất là về bảo hiểm. Riêng về bảo hiểm, vào đầu tháng 10 vừa qua, Dai-ichi Life Việt Nam và SHB đã ký kết hợp tác chiến lược dài hạn 15 năm. Trước đó, SHB cũng đã liên kết với nhiều bên bảo hiểm khác - theo xu hướng phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).
Tuy nhiên, vị lãnh đạo ngân hàng này cũng chia sẻ thêm, xét hoạt động của ngân hàng không chỉ căn cứ vào thời điểm mà nó còn là cả một tiến trình và con số đạt được như trên không phải tự nhiên mà có, đó là cả một quá trình nỗ lực.
Thực tế, bancassurance đang ngày một nở rộ ở Việt Nam khi liên tiếp xuất hiện thông tin các hãng bảo hiểm lớn ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền cho nhà băng, thời hạn hợp tác có thể là 5, thậm chí 15 năm, 20 năm.
Hợp tác độc quyền với hãng bảo hiểm sẽ giúp các ngân hàng cải thiện đáng kể lãi từ mảng dịch vụ. Thông thường, khi hợp tác độc quyền, họ được hưởng hoa hồng khá ổn định theo số năm ký kết. Nguồn thu từ khoản hoa hồng này có thể đóng góp 15-20% tổng thu phí dịch vụ của nhà băng. Thậm chí, theo lãnh đạo của một ngân hàng đang triển khai bancassuance, sau 5 năm hợp tác độc quyền, doanh thu từ phí hoa hồng có thể lên tới 30% và đóng góp đáng kể vào mảng dịch vụ.