Trong phiên giao dịch hôm qua (9/3) (tại thị trường Mỹ là kéo dài đến rạng sáng nay theo giờ Việt Nam), tất cả các thị trường từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ đều đã đồng loạt lao dốc. Nguyên nhân là do sự kết hợp giữa đà giảm giá mạnh nhất kể từ 1971 của giá dầu và những diễn biến mới phức tạp của dịch Covid-19.
Sau cuộc họp ngày 8/3 tại Vienna, nhóm các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới OPEC đã không thể đạt được thỏa thuận với các đồng minh về việc cắt giảm sản lượng. Điều này dẫn đến Saudi Arabia – nước quyền lực hàng đầu OPEC – tuyên bố giảm giá bán chính thức trong tháng 4 và nước này cũng được cho là đang chuẩn bị tăng sản lượng.
Động thái gây sốc này xảy ra sau khi Nga từ chối lời đề nghị cắt giảm khoảng 1,5 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 4 cho dến cuối năm nay để hỗ trợ giá năng lượng. Sở dĩ OPEC đưa ra lời đề nghị này là do thị trường toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch bệnh bùng nổ khiến nhu cầu năng lượng sụt giảm.
Quyết định của điện Kremlin không chỉ ảnh hưởng đến nỗ lực của OPEC mà còn có thể ảnh hưởng đến cả những nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ.
Nỗi lo chiến tranh về giá sẽ bùng nổ giữa OPEC và Nga khiến giá dầu giảm hơn 25% ở thời điểm cuối phiên giao dịch 8/3.
Trong khi đó, số liệu mới nhất từ WHO cho thấy số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu đã vượt quá 110.000 người, với hơn 3.800 người tử vong. Ở Ý, số ca tử vong tăng gấp rưỡi trong ngày cuối tuần, và hiện đã có hơn 9.000 người nhiễm bệnh. Anh, Pháp, Đức cũng báo cáo những số liệu tiêu cực.
Khi thị trường châu Á Thái Bình Dương sắp đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và Topix của Hàn Quốc đều giảm hơn 5%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 4,23%, chứng khoán Trung Quốc mất hơn 3% trong khi Australia mất hơn 7%.
Chứng khoán châu Âu cũng sụt mạnh với chỉ số Stoxx 600 mất hơn 7% và đã chính thức bước vào thị trường con gấu (tức giảm 20% so với đỉnh gần nhất). Thị trường Italy đóng cửa giảm hơn 11%, chứng khoán Đức giảm gần 8%. Chứng khoán Pháp mất 8,4%.
Chứng khoán Mỹ không nằm ngoài làn sóng giảm giá, chứng kiến phiên giao dịch tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008 với chỉ số Dow Jones giảm 2.000 điểm. Ngay đầu phiên cơ chế ngắt mạch tự động đã được kích hoạt sau khi S&P 500 giảm 7%, khiến thị trường ngừng giao dịch trong 15 phút.
Mở cửa phiên sáng nay (10/3), sắc đỏ tiếp tục bao trùm thị trường châu Á dù mức giảm đã được thu hẹp.
Các nhà đầu tư hoảng sợ đổ xô đến các tài sản an toàn truyền thống như trái phiếu, khiến lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc rơi xuống mức thấp kỷ lục 0,318%. Loại kỳ hạn 30 năm xuống dưới 0,71%.
Suy thoái chứ không phải đình trệ?
So sánh tình trạng hiện nay với khủng hoảng tài chính 2008, Neil Shearing, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, nhấn mạnh trong khi khủng hoảng năm 2008 được các chuyên gia kinh tế định nghĩa là suy thoái "bảng cân đối kế toán", tác động mạnh đến tổng cầu thì cú sốc kinh tế hiện nay tác động đến cả hai yếu tố cung và cầu.
"Các nhà máy đóng cửa, hoạt động di chuyển bị hạn chế đáng kể, chuỗi cung ứng gián đoạn, trường học đóng cửa gây nên cú sốc cung, làm giảm khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế", ông nói.
"Nhưng người dân cũng không tới các siêu thị, nhà hàng và rạp chiếu phim, chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh, gây ra cú sốc cầu. TTCK giảm mạnh cũng là do tài sản của các hộ gia đình suy giảm, ảnh hưởng đến lực cầu trên thị trường".
Theo ông, kịch bản tệ nhất cho hiện tại sẽ khác xa so với 2008, khi cú sụp đổ giá tài sản bị thổi phồng bởi tỷ lệ đòn bẩy cao và trạng thái mong manh của hệ thống tài chính. Hiện tại có rất nhiều rủi ro, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp, và ngành năng lượng bị ảnh hưởng nặng khi giá dầu giảm sốc, nhưng "chúng tôi không nghĩ rằng những rủi ro này đã đủ lớn để kích hoạt 1 cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu".
"Tất cả những điều này có nghĩa là trong kịch bản xấu nhất, kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào 1 cuộc suy thoái diễn biến rất nhanh nhưng nhiều khả năng sẽ là ngắn hạn, chứ không phải là rơi vào tình trạng đình trệ hoàn toàn.