Theo báo cáo của Adsota, ngày nay, 90% người mua hàng khi được hỏi cho rằng Influencer (người ảnh hưởng) đáng tin hơn quảng cáo từ các thương hiệu (33%). Lý giải cho điều này, trước hết phải kể tới tình trạng khó chịu khi tiếp nhận quảng cáo từ các thương hiệu trong năm qua của người tiêu dùng. Trung bình, một người sử dụng Internet tiếp nhận từ 4.000 - 10.000 quảng cáo trực tuyến mỗi ngày.
Đây là con số không hề nhỏ. Nghiên cứu từ YouGov Việt Nam cho thấy, người tiêu dùng nước ta năm qua không hứng thú với quảng cáo trực tuyến. 43% trong số đó thấy khó chịu khi xem chúng. Đồng thời, 47% người được hỏi cho biết họ luôn bỏ qua hoặc muốn bỏ qua quảng cáo trực tuyến, đặc biệt là giới trẻ hiện nay - thế hệ được cho là sống nhanh và vội vã.
Trước tình cảnh người tiêu dùng số đang ngày càng "lạnh nhạt" hơn với các thương hiệu, kết hợp cùng Influencer (người ảnh hưởng) trong các hoạt động truyền thông phủ sóng và điều hướng hành động là giải pháp đang được các thương hiệu cân nhắc triển khai. Nhờ đó, có không ít những người trẻ cơ hội kiếm bộn tiền từ những việc trước đây từng tưởng chừng không thể: chơi game và nói về việc chơi game, tức là Game Streaming.
Với Game Streaming, các Gaming Creators (nhà sáng tạo nội dung game) trực tiếp chơi và bình luận, tương tác với khán giả thông qua một nền tảng phát sóng thứ ba. Ngược lại khán giả tương tác và tạo ra lượt xem (view) cũng như để lại bình luận, ủng hộ bằng quyên góp (donate) từ đó giúp kênh stream có mức độ tăng trưởng tốt hơn.
Trong năm qua, nhiều thương hiệu lớn đã gặt hái thành công với tệp khách hàng trẻ nhờ ứng dụng Gaming Influencer trong các chiến dịch tiếp thị, quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, các thương hiệu cũng triển khai các hình thức kết hợp hiệu quả khác như: Quảng cáo Instream Banner hay quảng cáo hiển thị chủ động. Đây được xem là 2 hình thức mới, tuy nhiên mang lại hiệu quả rất lớn nhờ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để hiển thị quảng cáo một cách tự nhiên, giúp người xem nội dung không cảm thấy khó chịu.
Các nhà sáng tạo nội dung này được cho là có nguồn thu nhập "khủng" mỗi tháng. Điều đó có thật không?
Theo báo cáo “Tổng quan Creator Việt Nam” của Appota, các nhà sáng tạo nội dung khi livestream trên các nền tảng ngoài việc nhận được lương stream cố định, có thể nhận được phần doanh thu chia sẻ từ các quảng cáo ad-break chạy trên livestream.
Mô hình hoạt động của các Creator trên nền tảng livestream
Có đến 40% nhà sáng tạo trả lời rằng họ đã nhận được doanh thu cộng hưởng từ công việc và danh tiếng từ việc làm nhà sáng tạo. Nguồn doanh thu đó có thể đến từ các hợp đồng quảng cáo, tham gia sự kiện hoặc nguồn thu từ các nhà tài trợ.
Nhìn vào lượng người theo dõi trên lên đến hàng trăm, hàng triệu của các nhà sáng tạo nội dung này trên mạng xã hội, không thể phủ nhận rằng công việc này đang ngày càng có sức hút lớn đối với giới trẻ Việt Nam.
Báo cáo của Appota đã khảo sát thu nhập từ việc quảng cáo của các nhà sáng tạo nội dung. Kết quả cho thấy, họ thậm chí có thể kiếm được hàng nghìn USD mỗi lần thực hiện các hoạt động kể trên. Và với tần suất xuất hiện lớn thì việc có thể kiếm được triệu USD trong một vài năm là hoàn toàn khả thi.
Những rào cản cho ngành “Gaming Creator” tại Việt Nam
Song, ngành Gaming Creator cũng có những rào cản nhất định. Tuy đã được phổ biến nhưng nghề Gaming Creators mới chỉ thực sự được nhìn nhận đúng đắn trong giới trẻ và những người làm việc trong ngành Gaming và Esports. Một phần do những định kiến chung của xã hội về ngành game nói chung vẫn chưa hoàn toàn tích cực.
Tiếp đến là môi trường cạnh tranh và chi phí đầu tư ban đầu. Sự bùng nổ và phát triển của Internet và Gaming/Esports tại Việt Nam nói chung đã khiến cho sự cạnh tranh trong ngành Gaming Creators ngày một cao hơn, ngày càng có nhiều creator hơn nhưng để tồn tại được trong nghề không hề dễ. Nếu có thể dùng số lượng follower làm thước đo thì chỉ có vỏn vẹn 11% số lượng Creators tại Việt Nam có trên 1 triệu follower/nền tảng (theo khảo sát của Appota thực hiện), và họ cũng sẽ là nhóm Creators nhận được phần lớn doanh thu ngành cũng như được săn đón bởi các đơn vị tài trợ.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cũng là 1 thách thức lớn khi 1 creator phải bỏ ít nhất 30-40 triệu để đầu tư tiền thiết bị, các chi phí sẽ còn phát sinh thêm ở các khoản đầu tư hình ảnh, quảng cáo và marketing cá nhân. Tuỳ thuộc vào lượng follow hiện có mà Creators có thể đầu tư từ 500.000+ đồng đến vài triệu đồng cho mỗi phiên livestream để tiếp cận tệp người dùng phù hợp.
Vì là một nghề mới phát triển nên tại Việt Nam chưa thực sự có những quy chuẩn về đào tạo và dạy nghề mà các studio, streaming agency phát triển các Creators của mình bằng cách vừa làm vừa học.
Mặt khác, để một Creators hiện đạt được sự thành công thì yếu tố khác biệt trong phong cách stream của mỗi Creators và sự sáng tạo trong nội dung đang là yếu tố được đặt nặng hơn cả. Do đó, gần như không có một quy chuẩn nào để làm thước đo phục vụ cho việc đào tạo và định hướng các Creators trẻ.
Dù hiện nay cũng có rất nhiều chương trình tuyển dụng và đào tạo tài năng trẻ, thế nhưng cách đào tạo giữa các agency chưa thống nhất và phụ thuộc vào nội tại của từng tổ chức, vì vậy nhu cầu tạo ra một quy chuẩn chung về dạy và đào tạo nghề sáng tạo nội dung game vẫn sẽ là một bài toán cần đặt ra trong tương lai.