Nổi lên như một hiện tượng vào những năm 2015-2017, GTNfoods đã đẩy mạnh hoạt động M&A hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng tiêu dùng và thực phẩm. GTNfoods đã huy động được lượng vốn lớn thông qua 2 đợt phát hành riêng lẻ cho nhiều quỹ đầu tư lớn như TAEL, PENM Partners, Hanil Feed…
Công ty đã mua và nắm được quyền kiểm soát được nhiều doanh nghiệp tiềm năng như Tổng Công ty Chăn nuôi (Vilico), Mộc Châu Milk, Vinatea. Những thương vụ M&A này giúp GTNfoods ghi điểm trong mắt giới đầu tư.
Cổ phiếu càng giảm mạnh, nhà đầu tư càng ra sức săn hàng "sale off"
Mua lại công ty Nhà nước đồng nghĩa với việc cần thời gian để tái cơ cấu. Mà thời gian để biến một doanh nghiệp mấy chục năm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước thành một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tiên tiến, hiện đại là quãng thời gian không thể đếm bằng ngày, bằng tháng. 3 năm vừa qua, dù ban lãnh đạo GTNfoods liên tục cập nhật tình hình tái cơ cấu, từng % hoàn thành lộ trình một được đưa ra, lý giải cặn kẽ những con số lợi nhuận "không như mơ" cho nhà đầu tư nhưng không tránh khỏi cảnh nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu, tìm cơ hội đầu tư khác. Giá cổ phiếu GTN từ ~25.000 đồng những ngày công bố M&A thành công về mệnh giá tính đến cuối năm 2018 vừa qua.
Trái ngược với những nhà đầu tư không thể bền gan với cổ phiếu GTN là ban lãnh đạo công ty, những cổ đông tổ chức. Theo số liệu chúng tôi có được, trong thời điểm GTNfoods chưa nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" thì những cổ đông lớn đồng hành lâu năm cùng công ty như Invest Tây Đại Dương, Tael Two Partners, PENM Partners, Hanil Feed…đều không bán ra cổ phiếu. Thậm chí, Invest Tây Đại Dương vẫn liên tục mua vào khi các nhà đầu tư khác bán ra.
Ban lãnh đạo của GTNfoods cũng liên tục mua cổ phiếu kể cả khi giá cổ phiếu GTN đang trên đường đi tìm đáy.
Trên thị trường chứng khoán, những người thạo tin cũng hành động. Mỗi một biến động nhỏ của cổ phiếu GTN đều khiến họ liên tưởng đến viễn cảnh công ty tái cấu trúc xong và sớm trở thành bluechips trên thị trường. Chính vì thế, mỗi lần GTN bứt phá, cổ phiếu GTN lại thành tâm điểm và những con sóng gập ghềnh cũng được tạo ra.
Bất ngờ với cú tăng sốc 50% trong 1 tháng
Sau nhiều năm giảm dần đều, đi ngang và nhiều cú sốc giá nhỏ, cổ phiếu GTNfoods bất ngờ tăng mạnh với sóng tăng khá dài từ sau tết Kỷ Hợi. Từ mức giá xoay quanh mệnh giá, cổ phiếu GTNfoods đã liên tục chinh phục đỉnh cao mới và đạt ngưỡng giá trên 16.000 đồng hiện tại. Mức tăng giá đạt ~50% chỉ trong một tháng.
Kèm với việc giá tăng mạnh, thanh khoản cổ phiếu GTN cũng mạnh mẽ với hàng triệu cổ phiếu giao dịch mỗi phiên.
Khối ngoại "nhả" bớt hàng, ẩn số đằng sau sự gia nhập của Công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam
Đặc biệt, sau chuỗi ngày tăng nóng nói trên là chuỗi ngày khối ngoại "nhả" bớt hàng chục triệu cổ phiếu. Theo thống kê của CafeF, khi cổ phiếu GTN đạt ngưỡng hơn 14.000 đồng/cổ phiếu thì khối ngoại đã có 2 giao dịch lớn vào ngày 27 và 28/2/2018. Cụ thể:
-Ngày 27/2/2018, khối ngoại bán ròng 5.822.590 cổ phiếu giá trị gần 76 tỷ đồng, mức giá bán bình quân đạt hơn 13.000 đồng/cổ phiếu.
-Ngày 28/2/2018, khối ngoại bán ròng 6.561.570 cổ phiếu trị giá gần 90 tỷ đồng, mức giá bình quân đạt hơn 13.500 đồng/cổ phiếu.
Điều đáng nói là, sau 2 giao dịch này, giá cổ phiếu GTN tiếp tục tìm đỉnh cao mới, lên ngưỡng trên 15.000 đồng với nhiều phiên dư mua trần lượng lớn.
Phiên giao dịch cuối tuần qua, VnIndex giảm gần 9 điểm với số mã giảm áp đảo thì cổ phiếu GTN vẫn tăng mạnh mẽ, lên ngưỡng 16.200 đồng/cổ phiếu.
Trong lúc nhiều nhà đầu tư còn chần chừ khi thấy khối ngoại bán ròng lượng lớn cổ phiếu thì Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) bất ngờ công bố đã mua gom thành công hơn 20 triệu cổ phiếu và thành cổ đông lớn thứ 3 của GTNfoods, sở hữu hơn 8% cổ phần.
Cơ cấu cổ đông của GTNfoods với sự góp mặt của cổ đông lớn HSC
HSC chưa từng đầu tư lớn vào GTNfoods và đây là lần đầu tiên chi hàng trăm tỷ để sở hữu cổ phiếu. Nếu nhìn vào cơ cấu danh mục tự doanh của HSC thì có thể thấy, HSC không quá chú trọng vào mảng tự doanh mà tập trung vào cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn…Khoản đầu tư lớn nhất của HSC tính đến cuối năm 2018 là vào cổ phiếu MWG của Thế giới di động với giá trị trên 100 tỷ đồng, tiếp đến là VPB của VPBank với giá trị 75 tỷ. Để sở hữu hơn 20 triệu cổ phiếu GTN, công ty chứng khoán HSC phải chi ra khoảng 280 tỷ đồng. Tức, khoản đầu tư vào GTN thành khoản đầu tư lớn nhất của HSC.
Theo bình luận của nhiều nhà đầu tư, sự gia nhập của HSC có nhiều ẩn số:
-HSC đầu tư tự doanh cổ phiếu GTN? Có lẽ không đúng khi mà từ trước đến nay, HSC vẫn nổi danh là công ty chứng khoán khá thận trọng trong hoạt động tự doanh. GTN có thể có rất nhiều lợi thế về sở hữu cùng lúc 3 thương hiệu mạnh, sở hữu vùng nuôi trồng hàng ngàn héc ta, quá trình tái cấu trúc đã đi đến giai đoạn cuối nhưng, GTN không phải bluechips và vẫn đang thua lỗ. Với HSC, để quyết định rót mấy trăm tỷ tự doanh cổ phiếu GTN có lẽ sẽ rất khó khăn.
-HSC đang "làm deal" hộ cho "ông lớn" khác? Như chúng tôi đã đưa tin khoảng nửa năm trước đây, trên thị trường chứng khoán xuất hiện tin đồn GTNfoods đang là tâm điểm M&A của ít nhất 2 "ông lớn" khác. Đặc biệt, trên một số diễn đàn có tin đồn nhiều nhà đầu tư trong ngoài nước muốn mua 51% vốn GTNfoods với mức giá lên đến 30.000 đồng/cp, tức gần gấp 3 so với thị giá lúc bấy giờ. Mặc dù tất cả những tin đồn kể trên đều không được kiểm chứng nhưng dựa trên những gì nhà đầu tư từng biết về GTNfoods thì đa phần đều có căn cứ.
Một tuần kể từ ngày HSC thành cổ đông lớn, thông tin liên quan đến thương vụ rót vốn bí ẩn này vẫn đang là ẩn số. Cổ phiếu GTN vẫn không ngừng tăng.
Biến động giá cổ phiếu GTN 6 tháng qua