Thị trường TP.HCM đã thiết lập một mức giá sàn mới – cao gấp 10 lần giá tại vườn trong vài tháng qua
Tôi có một người bạn đã tham gia giải cứu nông sản trong suốt 3 tháng cao trào của bệnh dịch vừa qua tại TP.HCM. Cho tới thời điểm này, anh đã giúp người nông dân trồng dứa (thơm, khóm) tại xã Tân Phước – tỉnh Tiền Giang tiêu thụ được khoảng 100 tấn sản phẩm.
Theo chia sẻ của anh, thì giá mua dứa tại vườn khoảng 4.000 đồng/1kg, tính cả cước phí xe tải và hao hụt, khi lên tới TP.HCM lên khoảng 8.000 đồng/1kg. Anh bỏ sỉ với giá 10.000 đồng/trái và 1 trái tầm khoảng gần 1kg. Sau đó, rất nhiều người lấy dứa từ anh và rao bán trên Facebook cá nhân với giá khoảng 30.000 đồng/kg đến 40.000 đồng/kg. Dù biết là cao, nhưng đó là quyền của họ, anh không thể can thiệp.
Tuy nhiên, người bán hàng nói trên không phải là trường hợp cá biệt trong mùa dịch này – đặc biệt trong 3 tháng vừa qua tại TP.HCM. Khoảng 2 tháng gần đây, giá nông sản bán tại TP.HCM – nhất là trên các sàn TMĐT như Grab và phần nào đó là Tiki-Lazada, đã thiết lập một mặt bằng mới: gấp 10 lần giá tại vườn; trong khi trước kia chỉ gấp 5 lần.
Giá khoai lang nhật trên GrabMart.
Giá khoai lang Nhật trên Coop.
Giá khoai lang Nhật trên Bách Hóa Xanh
Những người dân sống ở vùng đỏ như tôi (quận 8 – TP.HCM), trong khoảng 2 tháng gần đây, sẽ mua hàng thực phẩm với 2 mức giá: cao nhất là từ GrabMart, đến siêu thị - các chị tiểu thương gần nhà; ví dụ: 1 kg khoai lang Nhật bán trên GrabMart sẽ vào khoảng từ 40.000 đồng/kg – 50.000 đồng/kg, siêu thị - vài chị tiểu thương trên địa bàn sẽ bán giá giao động từ khoảng 30.000 đồng/kg đến 35.000 đồng/1kg. Phần Tiki hoặc Lazada thì tùy nhà cung cấp, mức giá giao động từ 30.000 đồng/1kg đến 60.000 đồng/kg.
Tất nhiên, không chỉ là khoai lang Nhật mà tất cả các loại rau củ đều thế, siêu thị tăng khoảng 1/3 giá đến gần gấp đôi còn nhiều nhà bán hàng trên GrabMart hay Lazada - Tiki sẽ tăng gần gấp đôi hoặc gần gấp 3 so với giá trước giai đoạn cao trào.
Mặc dù hiện tại xã hội đã được nới lỏng giãn cách phần nào, song giá nông sản vẫn chưa xuống và vẫn cao chót vót như giai đoạn đỉnh dịch. Còn sắp tới, khi miền Nam bước vào giai đoạn bình thường mới, giá rau củ quả có tụt xuống bằng với trước đỉnh dịch hay không thì không ai biết.
Trong khi, theo Bản Tin tháng 8 từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, thị trường khoai lang Nhật tại Vĩnh Long đã giảm mạnh xuống mức giá thấp nhất trong tháng 7/2021, chỉ còn khoảng 400 đồng/kg.
Giá khoai lang Nhật đang rớt thê thảm tại vườn.
Giá gà công nghiệp cũng thế.
Đến tháng 8/2021, với sự nỗ lực của các hoạt động xúc tiến thương mại, nhu cầu gia tăng, giá khoai lang tăng mạnh và có thời điểm đạt mức 2.000 đồng/kg. Mặc dù vậy, gần đây, do sản lượng thu hoạch gia tăng, giá lại giảm mạnh xuống còn mức 1.000 đồng/kg. Ngoài ra, một vài nơi ở miền Tây thậm chí còn kêu gọi giải cứu các loại khoai lang và rau củ quả khác nhau.
Ở khía cạnh khác, trước kia, khi mua hàng, người dân còn có thể chọn lựa những nhà phân phối có uy tín để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như trong siêu thị - các doanh nghiệp có thương hiệu; nhưng nay do các chỉ thị 16 và 16 , người dân hầu như không có nhiều sự chọn lựa. Hơn nữa, với những doanh nghiệp phân phối có thương hiệu, không phải muốn lên giá bao nhiêu vẫn được - như cách thị trường phẫn nộ vì đợt tăng giá thiếu cân nhắc của Bách Hóa Xanh hồi tháng 8 vừa qua là biết.
Hoặc nếu có quan tâm, mà trong khu vực quận mình hoặc nhà mình không có cửa hàng bán đồ chất lượng, organic hoặc có uy tín thì cũng đành chịu. Miễn sao có thể mua được nông sản đã tốt chứ không thể quan tâm đến chất lượng hoặc an toàn như có VietGap hay GlobalGap hay không. Mặc dù biết rằng, như thế là không tốt, nhưng vì dịch bệnh người tiêu dùng không còn sự lựa chọn khác.
Cũng như thế, trên các sàn TMĐT, trừ các doanh nghiệp phân phối nông sản có thương hiệu, phần lớn các hộ kinh doanh nhỏ lẻ bán hàng không hề có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Có lẽ, dựa vào tâm lý tiêu dùng, thế mạnh 'vô danh' và tình trạng khó khăn của thị trường do dịch bệnh, nhiều thương nhân đã mạnh dạn tăng giá mà không lo sợ hàng bị ế hoặc bị phản ứng tiêu cực.
Có thể, mỗi người bán hàng mỗi khác – như về chất lượng hàng hóa, về chỗ đứng trong chuỗi cung ứng hay khoảng cách với nguồn hàng; nên tất nhiên không phải tất cả thương nhân nhỏ lẻ đều lợi dụng cơ hội tăng giá trục lợi; tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, số lượng thương nhân có tâm địa bất chính là không ít.
Vì sao lại thế?
Còn theo chị Đỗ Phan Hoàng Sương – Founder kiêm CEO của chuỗi thực phẩm organic DalatFoodie, thì vừa qua đúng là có không ít người đã làm giàu từ buôn rau củ.
"Với rau củ quả thường, giá tại vườn ở Đà Lạt 1 số món trong vài tháng qua như sau: bắp cải, cải dưa... cỡ 3.000 đồng đến 3.500/kg, khoai tây Trung Quốc 8.000/kg.
Nếu giá nông sản khoảng 4.000/kg, đi xe tải đầu tấn thì phí vận chuyển không quá cao, vì nhà xe sẽ tính từ vài trăm đồng 1kg - tính chuyến chứ không tính trọng lượng. Nếu tỷ lệ hao hụt cho là 20%, trực tiếp tới tay nhà bán lẻ luôn sẽ có giá cỡ 8.000 đồng/kg, giá bán ra từ 12.000-20.000 là quá hợp lý rồi! Còn nếu đội lên tới 40.000 đến 50.000 đồng/kg, quả là quá đáng. Vậy mới nói, đợt này nhiều người giàu lên nhờ buôn rau củ.
Tóm lại, việc nhập giá nông sản 3.000 đồng/kg mà bán 30.000 đén 40.000 thậm chí là 50.000 vẫn có nhiều trên thị trường hoặc không ít thổi phồng chất lượng để bán giá cao!", chị Đỗ Phan Hoàng Sương nhận định.
Ngoài ra, chị còn kể thêm một vài nguyên do khác khiến giá nông sản tăng cao đột biến, ví dụ như đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến giá logistic và tỷ lệ hư héo của nông sản cũng cao hơn bình thường vài lần.
Ví dụ cụ thể: khi các chợ đầu mối bị đóng cửa hàng loạt, hàng sẽ không thể tập kết phần lớn về đó, mà buộc chia nhỏ để đánh lẻ bằng cách gửi qua nhiều nhà xe. Nếu nhà xe trước đó không đi chuyên hàng rau củ quả, hàng sẽ rất dễ hư hỏng nhiều, thời gian kéo càng dài thì tỷ lệ hao hụt tăng, làm giá bán lẻ đầu cuối cũng tăng cao theo.
Hoặc việc di chuyển không thuận lợi do những quy định khắc khe trong thời gian vừa qua của các cấp chính quyền ở miền Nam, đã kéo dài thời gian giao hàng đến TP.HCM, cũng khiến tỷ lệ hao hụt của rau củ quả nhiều hơn trước đây.
Bên cạnh đó, giá tăng cao bất thường một phần cũng do đội giá từ phía các nhà buôn ở Đà Lạt.
"Chúng ta để ý mà xem, mùa này có rất nhiều tân binh bắt đầu gia nhập thị trường bán rau củ quả online, bởi tìm mối không khó trong khi thấy làm ăn dễ quá. Minh chứng: nếu muốn bán, chúng ta chỉ cần lên mạng search là có thể thấy rất nhiều mối bỏ sỉ. Vài tháng qua, cứ 15 phút lướt Facebook của mình, tôi thấy cứ 3 post thường là 1 post quảng cáo rau củ quả.
Nếu người mới gia nhập thị trường thì sẽ không biết giá thế nào là hợp lý, mà lại chủ yếu lấy hàng online qua các nhà buôn ở Đà Lạt, thấy vậy nhiều nhà buôn đã tự tăng giá lên nhiều lần so với trước kia.
Ví dụ, nhà buôn Đà Lạt mua giá khoai tại vườn chỉ khoảng 5.000 đồng đến 10.000 đồng/1kg, song bán giá sỉ với mức 30.000 đồng/kg, thì người nhập xuống, họ cộng vận chuyển hiện tại đang cao khoảng 5.000/kg (đi xe tải nhỏ lẻ) là 35.000/kg.
Theo đó, nếu kể cả họ tính bỏ công làm lời đi nữa, vẫn phải bán lại với giá 50.000 đồng/kg đến 55.000 đồng/kg trên các sàn TMĐT. Vì các sàn TMĐT còn lấy hoa hồng từ người bán khoảng từ 17-20% - ví dụ Grab là 17% còn Lazada 20%", Founder DalatFoodie cho biết.
Bảng giá của một vựa rao bán rau củ Đà Lạt sỉ và lẻ trên FB ở quận Tân Phú - TP.HCM vào 10/9/2021.
Cuối cùng, không thể không kể đến một số một số nhà buôn đầu cơ, đã đi trữ lạnh nông sản, gây khan hiếm hàng hóa để lên giá.
Còn đối với mảng rau hữu cơ mà DalatFoodie đang kinh doanh, thì giá trả tại vườn (số kg cân tại vườn) đã tầm 35.000 – 40.000 đồng/kg cho rau ăn lá thông thường. Thêm hao hụt tự nhiên 5-10% (hư dập, bốc hơi) và phí vận chuyển bị đội lên tầm 6.000 - 10.000 đồng/kg đến cửa hàng; thì giá bán ra thị trường tầm 64.000 - 80.000 đồng/kg rau ăn lá. Tức ước chừng, giá hàng organic trong thời gian qua gấp đôi so với giá trả tại vườn.
Do đặc thù mảng kinh doanh, phí vận chuyển của DalatFoodie khá cao. Trong giai đoạn 23/8 - tầm tuần trước nữa, thậm chí giá logistic còn đội lên cỡ 15.000 đồng/kg cho tới tận tay người dùng; hiện tại đã giảm hơn xíu, chỉ tính cho hàng từ Đà Lạt xuống TP.HCM.
Ngoài ra, nếu tính thêm các chi phí như bán hàng, quản lý, thuế má, mặt bằng và marketing – PR, thì với mức giá nói trên, DalatFoodie vẫn đang bù lỗ; vậy nên, theo Hoàng Sương, đa phần làm hữu cơ lỗ nhiều là vì vậy! Hơn nữa, với những nhà phân phối có thương hiệu như startup này, không phải cứ muốn lên giá thì lên, bởi tăng giá cao trong giai đoạn nhạy cảm này sẽ ảnh hưởng uy tín thương hiệu.
Ví dụ: tùy công ty và giai đoạn, hiện tại DalatFoodie đang duy trì mức 5% doanh thu cho quảng cáo ở thị trường TP.HCM; còn lúc mới đầu mở ở thị trường Hà Nội, thì phải dành khoảng 30%-40% doanh thu cho mảng marketing - PR để thu hút khách hàng, đó là còn chưa tính chi phí ưu đãi giảm giá cho khách hàng.
"Trong Covid-19 – nhất là ở giai đoạn vừa qua, mảng organic được hưởng chút lợi ích là bởi vì thị trường ngoài kia kéo hàng thường lên mức giá cao quá, nên nhiều người không còn cảm thấy mức giá của hàng organic khó chấp nhận như trước. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người tiêu dùng vì thu nhập sụt giảm nên không còn tiếp tục tiêu dùng hàng oragnic", chị Hoàng Sương chia sẻ.