Vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư tổng lực, tận dụng từng giờ, xác định chi tiết khó khăn, vướng mắc của từng dự án, kèm theo giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu đặt ra nhằm đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt trên 95%.
Trước đó, ngày 11/10/2021, theo văn bản gửi các sở, ngành, chủ đầu tư dự án cấp Thành phố nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh đến ngày 30/9, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 toàn TP đạt 30,04% kế hoạch giao đầu năm, đạt 33,3% kế hoạch TP giao sau điều chỉnh và chỉ bằng 36,8% kế hoạch Thủ tướng giao.
Văn bản đánh giá, đây là mức giải ngân thấp, không đạt yêu cầu của Chính phủ, Thành ủy, HĐND Thành phố và UBND Thành phố.
Sau đó, trong khuôn khổ cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành, ban quản lý các dự án, Chủ tịch TP. Hà Nội nhận định, quý 2 năm nay, Hà Nội có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khoảng 40-45%. Song, đến quý 3, tỷ lệ giải ngân thấp hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. "Điều này đặt ra cho Hà Nội nhiệm vụ phải nỗ lực vượt bậc trong quý 4".
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cũng thông tin, đến ngày 11/10, toàn thành phố giải ngân được hơn 15.779 tỷ đồng. Đáng chú ý, những lĩnh vực đạt tỷ lệ giải ngân tốt bao gồm: Quốc phòng (70,67%), thể dục thể thao (78,34%), tòa án (69,73%).
Trong khi đó, các lĩnh vực giải ngân thấp dưới 25% là: Giao thông (23,18%), hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước (23,18%), kiểm sát (22,13%), bảo vệ môi trường (9,87%), văn hóa thông tin (2,43%), phát thanh truyền hình (0%).
Một số sở, ngành, quận, huyện đạt tỷ lệ giải ngân tốt như: Thanh Trì đạt 100%, Đống Đa 93%, Đan Phượng 82,5%, Bộ Tư lệnh Thủ đô 70,7%, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Văn hóa - Xã hội 46%, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 47,3% kế hoạch giao đầu năm.
Có 7 quận, huyện, thị xã thực hiện các dự án nhiệm vụ chi có tỷ lệ giải ngân dưới 10%: Nam Từ Liêm (0%), Ba Đình (0%), Hoàng Mai (0%), Ứng Hòa (0,4%); Sơn Tây (3,3%), Mỹ Đức (3,9%), Thạch Thất (4,7%)…
Lý giải về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án chậm, Sở KH&ĐT cho biết, có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là do giãn cách xã hội nên hầu hết các dự án phải dừng thi công khoảng gần 3 tháng. Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành xây dựng và tiến độ thực hiện.
Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách xác định nguồn gốc đất, tái định cư; một số dự án còn tình trạng người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường… làm chậm quá trình thi công, giải ngân dự án.
Một số dự án ODA đang triển khai tại Hà Nội cũng gặp khó khăn vướng mắc, như do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên các chuyên gia sang Việt Nam gặp khó khăn; các thiết bị phải nhập khẩu đều bị chậm tiến độ sản xuất và giao hàng; vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án chưa thực hiện xong; vướng mắc về điều chỉnh thời gian và kinh phí của các gói thầu do tiến độ thực hiện dự án kéo dài…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, các nguyên nhân Sở KH&ĐT nêu đều chính xác. Vì vậy, trong quý 4 đòi hỏi khả năng tổng lực của Hà Nội, tập trung cao để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, TP đã có 6 tổ công tác để rà soát, nhận diện cụ thể khó khăn, vướng mắc của từng dự án và tháo gỡ. Ngoài ra, TP cũng tiến hành các cuộc họp chuyên đề để tháo gỡ cho các dự án PP, dự án công trình giao thông hoặc tháo gỡ về giải phóng mặt bằng gắn với từng dự án đầu tư…