Năm 2018, một từ mới được đưa vào từ vựng của Thung lũng Silicon: "Techlash", ám chỉ phản ứng tiêu cực của người dùng đối với sức mạnh ngày càng tăng cũng như ảnh hưởng của các đại gia công nghệ, đặc biệt là những công ty có trụ sở tại Thung lũng Silicon.
Thế nhưng bất chấp thực tế đó cùng việc các nhà quản lý thường xuyên thảo luận quy tắc mới hay các nhà hoạt động vẫn luôn băn khoăn về quyền riêng tư của người dùng, cổ phiếu của 5 công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ đã tăng mạnh trong 12 tháng qua, trung bình 52%. Alphabet, Amazon, Apple và Microsoft hiện đều có vốn hóa thị trường hơn 1.000 tỷ USD trong khi Facebook trị giá khoảng 620 tỷ USD.
Sự tăng vọt của giá cổ phiếu của 5 gã khổng lồ này làm gia tăng 2 mối lo ngại. Một là liệu các nhà đầu tư có đang châm ngòi cho bong bóng đầu cơ bởi 5 công ty trên đang chiếm gần 1/5 giá trị của chỉ số S&P 500. Lần cuối thị trường có tình trạng tập trung như vậy là cách đây 20 năm, trước khi một sự cố xảy ra gây suy thoái lan rộng.
Mặt khác, mối quan tâm ngược lại là các nhà đầu tư có thể đúng: 5 ông lớn công nghệ với định giá siêu "khủng" trên cho thấy lợi nhuận của họ có thể tăng gấp đôi trong thập kỷ tới, gây ra nhiều tác động kinh tế ở các nước giàu và sự tập trung đáng báo động của sức mạnh kinh tế và chính trị.
Băn khoăn về bong bóng là một băn khoăn có cơ sở: Chu kỳ công nghệ là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế hiện đại. Những năm 1980 chứng kiến sự bùng nổ của chất bán dẫn. Đến những năm 1990 là sự xuất hiện của máy tính và internet.
Sau đó, chu kỳ mới bắt đầu từ năm 2007 với sự ra mắt của iPhone. Đến năm 2018, chu kỳ này đã cho thấy sự xuống dốc của mình. Doanh số smartphone đình trệ, những vụ bê bối dữ liệu của Facebook khiến người dùng tức giận về cách tiếp cận riêng tư của gã khổng lồ công nghệ. Các cơ quan quản lý chống độc quyền toàn cầu đã đưa ra cảnh báo và kết quả hoạt động tồi tệ của những "kỳ lân" như Uber hay WeWork cũng khiến người ta không khỏi lo lắng.
Người dùng nói rằng họ quan tâm đến quyền riêng tư nhưng lại hành động như thể họ quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng miễn phí. Kể từ cuối năm 2018, số người dùng dịch vụ của Facebook (bao gồm Instagram, Messenger và WhatsApp) đã tăng 11%, lên 2,3 tỷ.
Các nhà quản lý đã trừng phạt nhiều công ty công nghệ lớn về vấn đề thuế, quyền riêng tư và hành vi sai trái trong cạnh tranh. Tuy nhiên đến nay, nỗ lực của họ dường như không "thấm" vào đâu so với giá trị thị trường khổng lồ của các công ty này.
Trong khi đó, nhiều phần của nền kinh tế vẫn chưa được số hóa. Ở phương Tây, mới chỉ có một phần mười doanh số bán lẻ là trực tuyến và có lẽ một phần năm khối lượng công việc điện toán sử dụng đám mây của Amazon và Microsoft.
Dù có thể họ sẽ đa dạng hóa vào nhiều ngành công nghiệp hơn, từ chăm sóc sức khỏe đến nông nghiệp nhưng phản ứng chống lại họ có thể không biến mất, thậm chí còn ngày càng lớn. Khi các ông lớn công nghệ mở rộng, lợi nhuận của nhiều công ty phi công nghệ sẽ bị ảnh hưởng và nhân viên của họ sẽ cảm thấy bất bình.
Alphabet, Amazon, Apple, Microsoft và Facebook đang sử dụng 1,2 triệu lao động và hiện là những nhà đầu tư lớn nhất ở Mỹ, tiêu tốn gần 200 tỷ USD mỗi năm. Quyết định của họ về việc có nên siết chặt các nhà cung cấp, cắt giảm đầu tư hay tấn công các đối thủ yếu hơn sẽ gây ra không ít tranh cãi. Còn Trung Quốc, nước này luôn muốn giữ những gã khổng lồ internet dưới sự kiểm soát của nhà nước và ít phụ thuộc vào Thung lũng Silicon.
Ít nhất 27 quốc gia đã hoặc đang xem xét về thuế kỹ thuật số. Liên minh châu Âu (EU) muốn mọi cá nhân sở hữu và kiểm soát dữ liệu của riêng mình mặc dù điều này có thể mất nhiều năm để đổi mới. Hay ngay cả ở Mỹ, các nhóm chống độc quyền đều đang hoạt động tích cực để hạn chế việc startup nhỏ bị những đại gia công nghệ nuốt chửng, phương thức góp phần dẫn tới thành công của Alphabet và Facebook.
Giá trị thị trường hơn 5.000 tỷ USD của 5 ông lớn công nghệ của Thung lũng Silicon là minh chứng cho những công ty thành công nhất về mặt thương mại từng được tạo ra và không loại trừ khả năng họ sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện tại dù thế giới có tìm cách giám sát chặt chẽ ra sao.