Bức tranh kinh doanh ngành điện 9 tháng đầu năm 2021
Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống lũy kế 9 tháng đạt 192,55 tỷ kWh, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng điện tiêu thụ khu vực miền Trung, miền Bắc vẫn đang tăng trưởng rất cao do xuất hiện các đợt nắng nóng. Ngược lại, miền Nam lại có xu hướng giảm do giãn cách xã hội từ tháng 7. Tính đến hết tháng 9, công suất tiêu thụ điện ở miền Nam trong quý III năm nay đã giảm đến 23% so với quý trước.
Xét về doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2021, sự phân hóa giữa các doanh nghiệp ngành điện ngày càng được thể hiện rõ nét. Có những doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận vượt kế hoạch ngay trong 6 tháng đầu năm nhưng cũng có không ít rơi vào tình trạng thua lỗ.
Nổi bật trong đó là tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - POW), theo thông tin từ lãnh đạo của PV Power, với lợi thế là doanh nghiệp sở hữu đa dạng các loại hình nhà máy điện, PV Power đã ghi nhận doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 4.687 tỷ đồng trong quý III. Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu của PV Power cũng ước đạt đến 21.187 tỷ đồng, bằng 101% KH 9 tháng đầu năm và bằng 95% so với cùng kỳ năm 2020.
Về phía các công ty thủy điện, nhờ tình hình thủy văn thuận lợi, CTCP Thủy điện Hủa Na (HNA) ghi nhận doanh thu quý III/2021 đạt 204,5 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ 2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm, HNA đạt 491,5 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 99% kế hoạch 9 tháng. Thủy điện Miền Trung (CHP) cũng báo lãi trong quý II với doanh thu thuần đạt 147,8 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tăng chi phí vốn thấp dẫn đến lợi nhuận gộp từ cung cấp dịch vụ tăng đến 67% so với cùng kỳ 2020.
Bên cạnh những doanh nghiệp báo lãi, có không ít doanh nghiệp ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận. Do tình hình thủy văn thuận lợi và thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc ưu tiên tối đa huy động nguồn điện năng lượng tái tạo, các nhà máy nhiệt điện buộc phải nhường chỗ và giảm sản lượng huy động. Theo đó, công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) ghi nhận sản lượng điện tháng 7 và tháng 8 giảm 38% so với cùng kỳ. Dự kiến lợi nhuận quý III sẽ tiếp tục suy giảm do năng suất phát điện giảm. Nhiệt điện Hải Phòng (HND) cũng ghi nhận doanh thu quý III đạt 2.195 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt chỉ đạt hơn 6 tỷ đồng, giảm mạnh 96,5%.
Dù có sự phân hóa trong kết quả kinh doanh nhưng nhìn chung từ cuối tháng 9/2021, trong bối cảnh thị trường chứng khoán giằng co, dòng tiền hướng đến lĩnh vực mang tính chất đầu tư giá trị, thì nhóm cổ phiếu ngành điện trở thành tâm điểm khi nhiều cổ phiếu thuộc ngành này đã có mức tăng đáng chú ý trong những phiên giao dịch gần đây.
Tiêu biểu, tính đến ngày 12/10/2021, cổ phiếu POW ghi nhận mức tăng đến 12,1%, VSH của Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh tăng 12,9%, CHP của Thủy điện miền Trung tăng đến 14,9%; GEG của Điện Gia Lai và NT2 của Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 tăng lần lượt là 12,7% và 6,8%.
Theo đánh giá từ các chuyên gia, giá cổ phiếu điện tăng trở lại là do kỳ vọng về việc ngành điện sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới khi kinh tế phục hồi, dịch bệnh được kiểm soát và nhiều cơ sở sản xuất hàng hóa được khôi phục sản xuất trong quý IV/2021. Bên cạnh đó là sự kì vọng về làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế vào Việt Nam trước những bất ổn liên quan đến khủng hoảng điện ở Trung Quốc.
Những ẩn số được chờ đợi
Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích Công ty chứng khoán Dầu khí (PSI), trong ngắn hạn, thủy điện sẽ tiếp tục hoạt động tốt nhờ hiện tượng La Nina kết hợp với yếu tố mùa (nửa cuối năm là thời điểm mùa mưa tập trung ở miền Trung), sản lượng nước nhiều khiến cho thủy điện được ưu tiên huy động sản lượng cao. Trong khi đó, do hạn chót cho các dự án điện gió được hưởng giá FIT là 31/10/2021 nên các dự án còn lại đang chạy đua hết sức để kịp hoàn thành và ký hợp đồng COD với EVN trước thời hạn. PSI đánh giá triển vọng tích cực đối với các doanh nghiệp có dự án điện sắp hoàn thiện và đã ký kết được hợp đồng COD với EVN như REE, PC1, TV2.
Tuy nhiên, năng lượng tái tạo có đặc điểm là khó có thể tích trữ như các nguồn phát truyền thống khác, gây ra không ít khó khăn trong công tác điều độ vận hành. Cùng với đó, hệ thống điện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt điện (~70% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống), nên theo đánh giá từ các chuyên gia thì các nhà máy điện vẫn sẽ duy trì được doanh thu tương đương cùng kỳ nhờ giá bán cao và được giao sản lượng cao hơn do nhu cầu tiêu thụ điện phục hồi trong quý IV. Một số cổ phiếu được các chuyên gia đánh giá tốt như là Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW).
Tại NT2, sản lượng điện lũy kế 9 tháng đạt 2.369,9 triệu kWh, ứng với gần 60% kế hoạch năm. Doanh thu bán điện cũng đạt hơn 4.460,8 tỷ đồng, tương đương 67,1% kế hoạch năm. Dự kiến tình hình sản xuất điện của NT2 sẽ có cơ hội phục hồi khi nhu cầu tiêu thụ điện phục hồi và sau khi La Nina kết thúc.
Trong khi đó, đối với POW – đây là doanh nghiệp có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển của ngành điện. Ở mảng thủy điện, các nhà máy thủy điện của PV Power được hưởng lợi từ các yếu tố thời tiết và yếu tố mùa nên sản lượng huy động khá tốt. Bên cạnh đó, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các nguồn năng lượng sạch như điện khí LNG sẽ được khuyến khích phát triển.
PV Power đón đầu xu thế năng lượng sạch bằng việc xúc tiến đầu tư các dự án sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu, tiêu biểu là dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4. Với việc đã hoàn thành khoản nợ vay cho dự án Nhơn Trạch 2, PV Power sẽ có thể tập trung tối đa nguồn lực cho Dự án Nhơn Trạch 3&4. Song song với đó, PV Power cũng đang xúc tiến đầu tư các dự án điện sử dụng LNG khác như Cà Mau 3, Nhà máy điện Quảng Ninh…Ngoài ra, với việc đã thống nhất phương án điều chỉnh PPA Cà Mau 1&2 với EVN, PV Power dự kiến sẽ có thể thu hồi công nợ sớm và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.