Thuật ngữ "mô hình phục hồi hình chữ K" trở nên phổ biến vào năm 2020, khi một số ngành phục hồi hoàn toàn trái ngược với các ngành khác trong giai đoạn khủng hoảng. Trong đó, nét sổ thẳng của chữ K được dùng để chỉ tình hình kinh tế suy thoái đột ngột. Hai nét xiên ngắn của chữ K cho thấy tình trạng phục hồi trái ngược nhau, tùy từng lĩnh vực và doanh nghiệp liên quan.
Hai nét trái ngược của chữ K: Những ngành thuộc 'nét xiên đi lên'
Ngành công nghiệp sản xuất, bao gồm cả chất bán dẫn và ô tô, đang phục hồi nhanh chóng và thậm chí trở nên quá nóng, khi cung không đáp ứng được cầu. Song với ngành dịch vụ, điển hình như du lịch và nhà hàng vẫn đang phải chịu những tác động vô cùng lớn.
Tăng trưởng chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) theo tháng. Nguồn: GSO, Phòng Phân tích CTCK Mirae Asset Việt Nam.
Một ví dụ điển hình có thể kể đến là các doanh nghiệp lớn trong ngành chip đang ngày càng chú ý nhiều hơn đến lĩnh vực kinh doanh chip ô tô. Kể từ đầu năm nay, đơn vị kinh doanh Samsung System LSI của Samsung Electronics đã cung cấp cho Volkswagen hệ thống tự phát triển trên chip Exynos Auto.
Đây là dòng chip ô tô thuộc thương hiệu chip Exynos do Samsung tự phát triển, chính thức ra mắt vào tháng 10/2018. Hiện tại tất cả các dòng xe mới nhất của Audi đều được trang bị chip Exynos Auto mới nhất.
Ngoài Samsung, Intel, Qualcomm và Nvidia cũng đang tăng tốc kinh doanh chip ô tô. Trước đây, Intel tập trung vào mảng kinh doanh máy tính cá nhân và chip tiêu dùng được thiết kế và phát triển khác biệt về quy trình sản xuất cũng như phương pháp tích hợp so với chip cấp dành cho ô tô. Nhu cầu về chất bán dẫn cho ngành công nghiệp ô tô cũng đã phục hồi nhanh chóng kể từ mùa thu năm ngoái.
Trong lĩnh vực ô tô, tại Việt Nam, mặc dù số lượng xe bán ra trong tháng 7/2021 giảm 32% so với tháng 6, song tính chung 7 tháng đầu năm 2021, các đơn vị thành viên Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 166.516 xe các loại, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu đã phục hồi và các nhà sản xuất ô tô đang nhanh chóng tăng sản lượng.
Những ngành thuộc 'nét xiên đi xuống'
Tuy nhiên, xu hướng phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp này chỉ là một khía cạnh của nền kinh tế giữa đại dịch. Trên thực tế, tình hình trong lĩnh vực như dịch vụ, hay vận tải vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Tại Việt Nam, tháng 7/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 339,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng 6 và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu: Tổng cục Thống kê
Cùng với đó, vận tải hành khách tháng 7/2021 ước đạt 146,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa ước đạt 111,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã 2 tháng liên tiếp ở mức dưới 50 điểm. Những lo lắng về ảnh hưởng hiện nay của đại dịch khiến niềm tin kinh doanh trong tháng 7 vẫn ở mức thấp hơn trung bình của lịch sử chỉ số, mặc dù các công ty vẫn lạc quan về khả năng tăng trưởng sản lượng trong năm tới.
Nguồn: IHS Markit
Vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng hấp dẫn?
Trong khi nền kinh tế thực đang đối mặt với những thách thức mới do làn sóng dịch lần thứ 4, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam lại được giới chuyên gia đánh giá đang ở mức khá hấp dẫn. Theo ước tính của Bloomberg, P/E (hệ số giá/thu nhập) dự báo năm 2022 là 12,96, đạt mức tăng trưởng là tương đối hấp dẫn nếu so với các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của VNDIRECT cũng cho rằng định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn. Theo tính toán của VNDIRECT, P/E của chỉ số VN-INDEX đang ở mức 16,5 lần và tương đương với mức bình quân 5 năm lịch sử đồng thời thấp hơn tới 25,7% so với mức định giá tại đỉnh năm 2018 là 22,2 lần.
Báo cáo của VNDIRECT cũng nêu rõ, trên góc độ tăng trưởng lợi nhuận và định giá thị trường, Việt Nam là thị trường có mức định giá rất hấp dẫn xét trên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2023.
Lý giải về điều này, ông Fumio Matsumoto, chiến lược gia trưởng tại Okasan Securities cho hay: "Trong nhiều trường hợp, nền kinh tế càng suy giảm, giá cổ phiếu lại càng tăng bởi các nhà đầu tư kỳ vọng vào những biện pháp kích thích kinh tế".
Tính đến đầu năm 2021, số tiền các biện pháp kích thích mà các chính phủ trên thế giới thực hiện đã lên tới khoảng 12,5 nghìn tỷ USD. Nhìn chung, nhóm lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch phần lớn là công nhân bán thời gian, hoặc những người làm việc trong ngành công nghiệp du lịch, vận tải. Các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ là điều cần thiết, song chi tiêu tài khóa lớn và nới lỏng tiền tệ lại khiến thị trường tài chính trở nên quá nóng.
Mặt khác, nếu rủi ro lạm phát gia tăng do giá tài sản tăng cao và khu vực sản xuất bùng nổ, thị trường tài chính sẽ có nhiều khả năng chứng kiến việc thắt chặt chính sách bởi ngân hàng trung ước, từ đó có thể dẫn đến giá cổ phiếu giảm mạnh.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Một số mô hình phục hồi kinh tế khác:
Phục hồi hình chữ V: là kịch bản phục hồi lạc quan nhất. Kinh tế suy giảm nhanh rồi phục hồi cũng nhanh khi phong tỏa kết thúc. Chính phủ ban hành các biện pháp đủ để bù đắp cho khủng hoảng và đại dịch không bùng phát trở lại.
Phục hồi hình chữ U: là kịch bản ít thuận lợi hơn nhưng vẫn lạc quan. Kinh tế suy thoái kéo dài lâu hơn rồi sau đó phục hồi chậm.
Phục hồi hình chữ W: là kịch bản phục hồi 2 lần. Kinh tế tăng tốc rồi xuống dốc trở lại, sau đó lại tăng tốc. Nguyên nhân do các biện pháp ngăn chặn Covid-19 được dỡ bỏ quá nhanh hoặc không ngăn chặn, sau đó dịch bùng phát lần hai.
Phục hồi hình chữ L: là kịch bản u ám nhất. Các biện pháp vực dậy kinh tế quá khiêm tốn dẫn đến nguy cơ suy thoái mạnh. Các công ty phá sản hàng loạt khiến kinh tế trì trệ.