Lợi dụng chính sách miễn thuế với hàng giá trị nhỏ để tuồn hàng giá rẻ vài Việt Nam
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), thị trường bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023 và tiếp tục tăng trong những năm tới. Lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến đã vượt 61 triệu người, cùng giá trị mua sắm khoảng 336 USD/người.
Số liệu từ báo cáo vừa được nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric công bố cho biết, từ đầu năm đến nay, người Việt đã chi số tiền gần 9 tỷ USD để mua hàng trên các sàn thương mại điện tử. Như vậy, trung bình mỗi tháng, người dân chi 1 tỷ USD mua hàng online. Được biết, Metric thống kê bao phủ 5 sàn lớn nhất hiện tại là Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo...
Cụ thể, theo thống kê của Metric, 9 tháng năm 2024, tổng doanh số giao dịch qua các sàn thương mại điện tử Việt Nam đạt 227.700 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, Metric cũng dự báo, quý IV là thời điểm có nhiều ngày lễ, mùa mua sắm sôi động nhất trong năm. Cùng với đó, Tết âm 2025 đến sớm hơn so với năm ngoái nên mua sắm chuẩn bị Tết sẽ rơi mạnh nhất vào cuối tháng 11 và tháng 12 tới. Do đó, tăng trưởng thương mại điện tử trong tháng 10, 11, 12 lần lượt đạt khoảng 10%, 20% và 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này giúp đưa doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam sẽ cán mốc 80,6 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên VTVTimes, chuyên gia thương mại Trần Mạnh Hùng nhận định, người Việt có tốc độ mua sắm trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á và sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Đây là lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến vô cùng béo bở của nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, nhất là Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, điều đáng lưu tâm trong báo cáo thương mại điện tử của Metric chính là các sản phẩm dưới 200.000 đồng đang chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường thương mại điện tử nước ta. "Chúng ta đều biết, Việt Nam có chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử quy định trong Quyết định 78/2010. Vì vậy, trong thời gian qua, rất nhiều sàn thương mại điện tử của nước ngoài đang tận dụng việc miễn thuế với hàng giá trị nhỏ để bán hàng giá rẻ vào thị trường Việt Nam. Điều này gây thất thu lượng thuế khổng lồ đối với nhà nước", ông Hùng nhấn mạnh.
Việc miễn thuế VAT với hàng hóa giá trị nhỏ được thực hiện theo cam kết quốc tế tại Công ước Tokyo mà Việt Nam tham gia, sau được cụ thể hóa tại Quyết định 78/2010.
Trước thực trạng đó, tại cuộc họp diễn ra mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định và trước mắt cần chấm dứt ngay hiệu lực của Quyết định 78/2010 để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cơ sở pháp lý cho việc thu thuế với thương mại điện tử đang được sửa đổi trong dự Luật Thuế VAT.
Được biết, hiện nay nhiều quốc gia đã bỏ quy định này, như EU đã xóa bỏ không tính thuế đối với giá trị hàng hóa dưới 22 USD, Singapore cũng bắt đầu bỏ quy định miễn thuế với hàng giá trị nhỏ từ 1/1/2023...Và khi Việt Nam bãi bỏ Quyết định 78/2010 sẽ làm tăng số thu về thuế VAT từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với hàng hóa.
Giải mã hiện tượng Temu
Nền tảng bán lẻ trực tuyến Temu xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 9/2024, song với sức hấp dẫn lớn thông qua chiến lược bán siêu giảm giá và miễn phí ship hoàn toàn, đến nay đã có đông đảo khách hàng Việt mua sắm.
Nhờ sự giới thiệu của bạn bè, chị Nguyễn Ngọc Linh (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) đã nhanh chóng tải ứng dụng Temu về điện thoại. "Khi chia sẻ các đường link liên kết để giới thiệu người dùng sủ dụng Temu thì sẽ được nhận hoa hồng. Khi tôi vào trang Temu thật sự bị choáng ngợp bởi lượng hàng hóa phong phú, khuyến mại rất "sâu", có sản phẩm lên tới 94%. Trong khi đó lại được miễn phí vận chuyển", chị Linh chia sẻ với phóng viên VTV Times.
Đáng chú ý, chị Linh cho biết, "mặc dù đa số mặt hàng đều khuyến mãi giảm giá rất nhiều, nhưng khi so sánh với các sàn thương mại điện tử khác thì tôi có cảm giác Temu dùng thủ thuật nâng giá cao lên để chiết khấu lớn tạo sự hấp dẫn đối với người mua. Hơn thế nữa, mua hàng trên Temu phải thanh toán chuyển khoản trước nên tôi vẫn băn khoăn chưa đặt hàng".
Nền tảng bán lẻ trực tuyến Temu xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 9/2024
Theo ông Hùng, Temu "mới toanh" và chứa đựng rất nhiều dấu hiệu thiếu rõ ràng, cộng thêm cách thức bảo mật thông tin chưa được kiểm chứng, khách hàng phải thanh toán tiền trước khi nhận hàng...chính là những rủi ro tiềm ẩn đối với người tiêu dùng và công tác chống hàng giả, hàng nhái...
Không chỉ dừng lại ở đó, hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nếu như không được quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến hoạt động của các sàn thương mại điện tử đang hoạt động hợp pháp; ảnh hưởng đến hàng hóa nội địa và gây thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cơ quan chức năng nhanh chóng "vào cuộc"
Trao đổi với phóng viên VTV Times, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, triển khai xâm nhập thị trường Việt Nam nhưng ngay từ bước đi đầu tiên, nhiều sản thương mại điện tử (mà mới đây nhất là Temu ) không đi bằng con đường "chính ngạch", tức là hoạt động không phép, không đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
Chỉ sau khi nhận được cảnh báo của cơ quan chức năng Việt Nam, ngày 24/10/2024, Temu mới có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam khi gia nhập thị trường.
"Trong quá trình đó, Bộ Công thương đã kịp thời đưa ra khuyến cáo đối với người tiêu dùng hết sức thận trọng khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử, và không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử", lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương đã yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu , Shein, 1688…nói riêng.
"Hiện nay chúng tôi đang phối hợp rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép", lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết thêm.
Ngoài ra, ngành Công thương cũng sẽ tiến hành rà soát để phát hiện vi phạm các quy định về hoạt động xúc tiến thương mại ví như khuyến mãi quá 50%...gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp trong nước.
Riêng với trường hợp của Temu - Bộ Công thương cũng sẽ có yêu cầu tuân thủ những quy định cụ thể liên quan trách nhiệm của thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam và thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam...