Đầu năm 2021, trong tập đầu tiên phát sóng của SharkTank mùa 4, Coolmate - nền tảng mua sắm thời trang nam giới trực tuyến đã có màn gọi vốn thuyết phục và nhanh nhất lịch sử chương trình, nhận đầu tư 500.000 USD từ Shark Bình, sau đó tiếp tục được quỹ đầu tư VIC Partners của doanh nhân Hùng Đinh rót vốn.
Chỉ riêng năm 2020, doanh số của startup này đã tăng 6 lần, nhờ vào việc bán các sản phẩm cơ bản như áo thun, đồ lót và bít tất dành cho nam giới thông qua nền tảng thương mại điện tử. Từ khi thành lập đến nay, Coolmate đã bán hơn 200.000 đơn hàng, doanh số năm 2020 là 39 tỷ và đã có kế hoạch mở rộng ra các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Giải mã thành công của Coolmate, ông Nam Nguyễn – mentor Shark Tank Việt Nam phân tích, bên cạnh việc lựa chọn sản phẩm 100% Việt Nam, có hai yếu tố chính giúp startup này vượt qua được những đối thủ lâu năm trong ngành hàng thời trang. Đây cũng được coi là "bí kíp" cho các startup muốn thành công trên nền tảng online.
Yếu tố thứ nhất chính là mô hình bán. Coolmate chỉ có một kênh duy nhất là online, trên nền tảng thương mại điện tử.
"Với tôi, đây là cách rất thông minh, đặc biệt trong thời kỳ Covid-19. Những chi phí cho cửa hàng vật lý cực kỳ lớn, sẽ mất rất nhiều thời gian và sự tập trung" – chuyên gia này nhận định.
Yếu tố thứ hai được ông Nam Nguyễn đề cập đến chính là trải nghiệm người dùng. Để kiểm chứng đánh giá của mình, mentor này đã thực hiện một số tác vụ cơ bản trên website của Coolmate, đồng thời so sánh với một thương hiệu đã có 13 năm hiện diện trên thời trang nam Việt Nam – O***.
Theo kết quả tính toán bởi PageSpeed Insights, công cụ tối ưu hóa hiệu suất website được xây dựng bởi Google, so với "tiền bối" của mình, tốc độ tải trang khi truy cập website Coolmate nhanh hơn hẳn. Website Coolmate được chấm 36/100 điểm trên thiết bị di động, trong khi O*** chỉ đạt 4/100 điểm. Còn với thiết bị để bàn, Coolmate đạt tới 80/100 điểm so với 49/100 của O***.
Ông Nam lập luận, gần đây, tốc độ truy cập trang cực kỳ quan trọng, vì người dùng không có nhiều kiên nhẫn. Ông đánh giá đội ngũ Coolmate đã có sự đầu tư khá tốt về kỹ thuật, thiết kế website. Được biết, mới đây Coolmate đã chuyển đổi toàn bộ hạ tầng sang Bizfly - doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ đám mây với Bizfly Cloud và công cụ chuyển đổi số với Bizfly Martech & Salestech. Về mặt kỹ thuật, Bizfly Cloud có các công nghệ như CDN tăng tốc độ tải website, máy chủ ảo chạy website/ứng dụng…, còn Bizfly Martech & Salestech cung cấp phần mềm chatbot, thiết kế web, CRM, email marketing… Đây là điểm cộng khá lớn cho Coolmate.
Ông Nam cũng cho biết thêm, khi truy cập vào website Coolmate.me, khách hàng sẽ thấy ngay phần khuyến mãi, để lại ấn tượng tốt đối với họ. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm đều hiển thị đánh giá của khách hàng, lượt mua, mô tả cụ thể…
"Đối với tâm lý khách hàng nói chung, việc xem đánh giá trước khi ra quyết định mua hàng đã trở thành thói quen. Có những phản hồi cụ thể của người mua, họ cũng yên tâm hơn nhiều", ông Nam Nguyễn chia sẻ.
Một lần nữa, Coolmate lại tỏ ra nổi trội hơn so với O*** ở chỗ, khi sử dụng điện thoại di động, cửa sổ chat của Coolmate nằm ngay trong website, trong khi việc giao tiếp của khách hang với O**n lại phải thông qua Facebook Messenger – nằm ngoài website. Đây bị cho là một trải nghiệm không tốt với người dùng.
Mặt khác, trong quá trình đặt hàng trên website Coolmate, dù không đăng nhập nhưng thông tin của khách hàng sẽ được lưu lại và tự động điền cho lần mua sau. Đồng thời, các thao tác thanh toán cũng mượt mà hơn. Còn với O*** và nhiều thương hiệu khác hiện nay, dù khách hàng đã từng mua online nhưng website không lưu thông tin, khiến họ phải điền lại mỗi lần mua.
Cuối cùng, khi đã hoàn tất việc mua hàng, quy trình thanh toán chậm, hay những lỗi như e-mail xác nhận rơi vào mục tin nhắn rác cũng tạo ra những trải nghiệm không tốt đối với khách hàng. Ông Nam Nguyễn đánh giá độ hài lòng với website của Coolmate lên đến 9-9,5/10 điểm.
Coolmate là một ví dụ điển hình cho việc doanh nghiệp đã đi đúng hướng để thành công trong việc chuyển đổi số, chính là đầu tư cho kỹ thuật, đặc biệt là website. Từ đó, họ dễ dàng thích ứng với đại dịch Covid-19.
Chia sẻ tại một buổi hội thảo về chuyển đổi số, bà Nguyễn Thuỳ Dung, CEO Bizfly Martech & Salestech, chuyên gia về công nghệ thông tin cho biết, những doanh nghiệp có nhu cầu số hóa và sẵn sàng đầu tư cho chuyển đổi số, như các khách hàng của Bizfly rất đa dạng.
"Các ‘ngôi sao’ tích cực nhất trong ngành chuyển đổi số là bán lẻ và FMCG, các DN này bị ảnh hưởng lớn nhất bởi đại dịch nên khi bị đứt gãy kênh bán hàng thông thường thì động lực khiến họ chuyển sang kênh online rất mạnh mẽ" – bà Dung nói.
Bà Dung cũng cho hay, nhiều người nghĩ rằng chuyển đổi số giống như "con quái vật" và doanh nghiệp sẽ cần tốn rất nhiều chi phí để chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện tại Bizfly có hơn 2.000 khách hàng doanh nghiệp. Theo CEO này, những năm 2020 trở về trước, các doanh nghiệp chỉ nhìn chuyển đổi số như một xu hướng. Nhưng từ năm 2021, đã có những tín hiệu cực kì rõ ràng, các doanh nghiệp không đứng ngoài cuộc chơi chuyển đổi số nữa.
"85% các chủ doanh nghiệp tôi phỏng vấn khẳng định sẽ chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình và 65% khẳng định sẽ tăng ngân sách cho chuyển đổi số. Bizfly cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho hoạt động bán hàng và marketing thì riêng 6 tháng đầu năm 2021 lượng khách hàng tìm đến Bizfly xin tư vấn chuyển đổi số gấp đôi lượng khách hàng của cả năm 2020".
"Nếu trước đây các doanh nghiệp chỉ sẵn sàng chi 50 triệu đồng/website thì nay chúng tôi đã có gói 300 triệu đồng thậm chí 1-2 tỷ đồng/website. Ở đây tôi muốn nói là cuộc chơi chuyển đổi số đã lăn bánh và doanh nghiệp tham gia rất sâu. Lực lượng đang tham gia mạnh mẽ nhất là các doanh nghiệp SMEs. Các tập đoàn lớn sẽ tham khảo rất nhiều và cân nhắc còn SMEs tham gia từ rất sớm" - CEO Bizfly nhấn mạnh.