Trong số 20 tỉnh, thành phố top đầu ở Việt Nam, có đến 5 địa phương có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ năm 2016 đến năm 2021 đã tăng hơn gấp 2 lần. Đáng chú ý, cả 5 địa phương này đều là các tỉnh hạng hai.
"Đầu tư vào khu công nghiệp ở những khu vực này đang dần vượt qua Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ví dụ như Hà Nam, nơi có nhà cung cấp Seoul Semiconductor của Apple và Bắc Giang, cứ điểm sản xuất của Samsung", tờ báo Nhật cho hay.
Theo Nikkei Asia, việc các dây chyền sản xuất MacBook, máy giặt, tấm pin mặt trời và các mặt hàng xuất khẩu khác đang dần chuyển sang Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng các khu công nghiệp. Không chỉ vậy, ngay trong Việt Nam, sự bùng nổ thương mại điện tử đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng các kho hàng ngày một nhiều hơn.
Theo công ty dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield, nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tăng 53,8% trong năm nay so với năm 2018 ở các tỉnh xung quanh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bà Trần Hoài Phương, Quản lý đầu tư tại Việt Nam của Wavemaker Partners cho biết, Việt Nam có "một lượng lớn các nhà cung cấp kho hàng" để phục vụ thương mại điện tử và các khách hàng khác, nhưng vẫn cần nhiều dịch vụ hậu cần hơn nữa để đáp ứng nhu cầu công nghiệp.
Trong những năm qua, có rất nhiều các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan đã chuyển đến Việt Nam, và những doanh nghiệp đầu tiên có thể tìm đến hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhưng khi các khu công nghiệp ở các thành phố lớn đã được lấp đầy, những doanh nghiệp mới đến sẽ có hai lựa chọn khác: di chuyển ra xa hơn hoặc thuê nhà kho và nhà máy xây sẵn.
Giám đốc điều hành Wareflex - một nhà kho tương tự như Airbnb - cho biết, trong khi nhiều doanh nghiệp tự xây dựng kho lưu trữ, thì những doanh nghiệp khác sẽ chọn cách đi thuê. Theo vị giám đốc, việc xây dựng tốn kém, trong khi người thuê có thể tiết kiệm tiền nếu hàng tồn kho biến động, và họ chỉ trả tiền cho việc lưu kho khi cần thiết.
Nhưng một yếu tố đóng góp lớn hơn cho sự bùng nổ công nghiệp là mua sắm trực tuyến. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain, lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 53% chỉ trong vòng 1 năm, từ 2020 đến 2021.
Theo Mirae Asset, để lưu trữ và xử lý hàng hóa đặt trên Shopee và Lazada, các kho hàng đang mọc lên khắp Việt Nam, với nguồn cung tăng khoảng 25%/năm trong giai đoạn 2018 - 2020.
Trưởng nhóm nghiên cứu của JLL Việt Nam, bà Lê Thị Huyền Trang cho biết các địa điểm lựa chọn đã được xác định trong phạm vi 30 km từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
“Các khoản đầu tư lớn đang dần chuyển sang các khu công nghiệp ở các địa phương hạng hai hơn do giá đất cạnh tranh, ưu đãi thuế và lực lượng lao động dư thừa. Đồng thời, các nhà phát triển các nhàn máy xây sẵn cũng đang tìm cách mở rộng sự hiện diện của họ ở các khu vực hạng hai do quỹ đất khan hiếm", bà Trang trả lời Nikkei Asia.
Tất cả các cơ sở mới đều yêu cầu gần đường xá và bến cảng. Chuyên gia kinh tế Brian Lee Shun Rong của Maybank cho biết, nếu Việt Nam muốn tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu thì phải tăng cường kết nối.
"Nếu không thì cơ sở hạ tầng sẽ không thể theo kịp yêu cầu của công nghiệp hóa. Khi đó sẽ có nhiều tắc nghẽn hơn và nguồn cung trong nước có thể bị gián đoạn nhiều hơn", ông nói.
Nguồn: Nikkei Asia