Nhìn lại năm 2021 của Bình Dương
Năm 2021 là năm Bình Dương chịu ảnh hưởng nặng nề, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, với tốc độ lây lan nhanh đã tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực, đời sống của người dân.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch; công tác lập các quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm tiến độ, chưa được khắc phục hiệu quả. Người lao động mất việc, di chuyển tự phát về quê gây mất cân đối cung cầu trong ngắn hạn khi các hoạt động kinh tế - xã hội bước vào giai đoạn phục hồi.
Song, dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương vẫn có những điểm sáng trên một số lĩnh vực. Trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Bình Dương đã đạt và vượt 22/32 chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,79% so với năm 2020, tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng ước đạt 68,12% - 21,42% - 3,1% - 7,36%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 153,6 triệu đồng/năm.
Sản xuất công nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành lân cận. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,5% so với năm 2020.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,4%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 13,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24 tỷ 690 triệu USD, tăng 14,7% so với năm 2020.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước giảm 4,3%; ước tổng thu ngân sách năm 2021 đạt 61.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 42.700 tỷ đồng, thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu ước đạt 18.500 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 32.201 tỷ đồng.
Tính đến ngày 15/11/2021, Bình Dương đã thu hút được 72.456 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 8,3% so với năm 2020); lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 53.147 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký 515.000 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2 tỷ 069 triệu USD (vượt 14,9% kế hoạch năm). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.011 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 37 tỷ USD.
Ngoài ra, an sinh, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được đảm bảo, đời sống người dân được ổn định. Giải quyết việc làm cho 17.697 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 80,5%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều dưới 1%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người ước đạt 30,3m2/người.
Lý giải từ những bước tiến 'thần tốc'
Từ năm 1995 đến 2020, dân số Bình Dương đã tăng hơn 260%, cao gấp gần 3 lần địa phương liền kề là Kon Tum và gấp hơn 3 lần các địa phương xếp thứ 3 và thứ 4 (TP HCM và Bình Phước).
Năm 2016, Bình Dương được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách hành chính, là một trong ít tỉnh có trung tâm hành chính tập trung hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, Bình Dương coi người nhập cư là đối tượng phát triển chứ không phải là đối tượng quản lý. Tỉnh đã chuẩn bị xây dựng thành phố thông minh, bài bản với nội hàm đúng đắn.
Cũng trong năm này, tăng trưởng kinh tế của Bình Dương đạt 8,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 108,6 triệu đồng (gấp hơn 2 lần bình quân cả nước). Công nghiệp, dịch vụ chiếm gần 90% cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Đến năm 2020, theo kết quả công bố của Khảo sát mức sống dân cư (Tổng cục Thống kê), Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 7,019 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, thu nhập bình quân một người một tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,230 triệu đồng.
Như vậy, thu nhập bình quân đầu người của địa phương này cao hơn gần 2,7 triệu đồng/người/tháng so với mức chung cả nước.
Bình Dương là một trường hợp thành công "khá đặc biệt" nhờ công thức xây dựng hệ thống khu công nghiệp, giao thông kết nối tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, tổng số KCN được quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 34 KCN với tổng diện tích 14.790 ha.
Tính đến tháng 9/2021, tỉnh đã thành lập 29 KCN với tổng diện tích quy hoạch gần 12.663 ha. Trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích gần 10.963 ha. Các KCN đã lấp đầy hơn 88% diện tích đất cho thuê, tương đương hơn 6.695 ha.
Mới đây nhất, Bình Dương đã tổ chức Lễ khởi công công trình xây dựng đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng và công trình xây dựng đường từ Tân Long - Lai Uyên thuộc tuyến đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng với tổng mức đầu tư gần 1.646 tỷ đồng do UBND huyện Bàu Bàng phối hợp huyện Phú Giáo tổ chức.
Sắp khởi công dự án lớn của LEGO, đặt mục tiêu thu hút 9 tỷ USD vốn FDI
Thông tin mới nhất về Bình Dương thời gian qua chính là việc tập đoàn LEGO (Đan Mạch, chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH KCN VN- Singapore (VSIP) đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất tại địa phương này.
Đáng chú ý, đây là dự án công nghệ cao lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19 được đầu tư vào Bình Dương. Dự án sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời và khí thải đạt tiêu chuẩn quốc tế nên có tác động rất tích cực đến môi trường, hệ sinh thái.
Đây là nhà máy thứ 6 trên thế giới và nhà máy thứ hai tại châu Á của Lego.
Theo thông tin, nhà máy nằm trên khu đất rộng 44 ha tại Bình Dương. Việc khởi công dự kiến bắt đầu trong năm 2022 và nhà máy bắt đầu hoạt động trong năm 2024, triển vọng đem đến 4.000 việc làm trong vòng 15 năm tới.
Bên cạnh đó, còn có một số dự án được trao chứng nhận đầu tư như: nhà máy sản xuất xơ sợi của Công ty Polytex Far Eastern tại KCN Bàu Bàng tăng vốn 610 triệu USD, tổng vốn sau tăng thêm gần 1,4 tỷ USD; dự án nhà xưởng của Công ty công nghiệp New Motion (Singapore) tại KCN Phú Tân vốn đầu tư 185 triệu USD; nhà máy sản xuất dao cạo râu tại KCN Đồng An 1 của Công ty P&G tăng thêm vốn 44,8 triệu USD; dự án trung tâm logistics, nhà xưởng cho thuê tại KCN Tân Đông Hiệp B của nhà đầu tư Singapore vốn đầu tư 34,4 triệu USD...
Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu thu hút vốn FDI đăng ký giai đoạn 2021-2025 đạt trên 9 tỷ USD. Trong đó ưu tiên những dự án công nghệ cao , sử dụng ít lao động và đem lại giá trị gia tăng cao.