“Quên” ngàn tỷ nợ thuế
Gửi ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, công tác quản lý, sử dụng nguồn thu còn hạn chế và chưa hiệu quả.
Qua kiểm toán cho thấy, một số địa phương chưa điều chỉnh kịp thời đơn giá cho thuê đất như tỉnh Phú Yên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Hưng Yên; có địa phương chưa ký hợp đồng cho thuê đất đối với một số trường hợp đã được cấp phép khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nhưng chưa được cấp phép.
Trong đó, tỉnh Thái Bình (16 đơn vị chưa được cấp phép khai thác tài nguyên nước); Bình Thuận (Công ty TNHH Thông Thuận khai thác khoáng sản trái phép) hoặc khai thác vượt sản lượng được cấp phép.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều bất cập trong thu chi ngân sách. Ảnh: L.Bằng
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính tăng thu qua kết quả kiểm toán đến 30/9/2019 là 14,9 nghìn tỷ đồng.Một số khoản thu phí tại các đơn vị trực thuộc của các bộ, cơ quan trung ương được phép để lại sử dụng nhưng tỷ lệ để lại lớn, đơn vị không có nhu cầu sử dụng, tồn dư qua nhiều năm gây lãng phí nguồn lực NSNN. Số dư tính đến ngày 31/12/2018 của Bộ Tài chính là hơn 142 tỷ đồng (phí cho vay lại và phí bảo lãnh hơn 136 tỷ đồng; phí quản lý và giám sát bảo hiểm hơn 6 tỷ đồng); Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên 75 tỷ đồng (Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh),...
Về nợ thuế, theo báo cáo, tính đến ngày 30/9/2019, tổng số nợ thuế nội địa khoảng 80,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó, nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) là 41,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7%; nợ thuế không có khả năng thu hồi 39,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6%. Để phấn đấu giảm số thuế nợ đọng năm 2019 xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước như báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế...
Ngoài ra, qua kết quả kiểm toán cho thấy, có 21/36 địa phương báo cáo nợ thuế không chính xác số tiền gần 1.300 tỷ đồng.
Cụ thể, Cục Thuế tỉnh Hưng Yên 591 tỷ đồng, Phú Yên 164 tỷ đồng, Lạng Sơn 162,8 tỷ đồng, Hòa Bình 33 tỷ đồng, Bình Định 56 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 51,4 tỷ đồng...
Ngoài ra, còn tình trạng quản lý thu chưa chặt chẽ, kê khai thuế không đầy đủ, chưa thực hiện kịp thời các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định tại một số địa phương, điển hình như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đăk Nông, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai,...
Giải ngân chậm chạp, lãng phí vốn
Đánh giá về chi ngân sách năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đề cập nhiều đến tình trạng giải ngân chậm chạp thời gian qua. Cơ quan này nhận xét: Nhiều báo cáo dự toán của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển năm 2019 chưa phù hợp hoặc chưa đầy đủ.
Một số bộ, cơ quan trung ương đều ước số thực hiện chi đầu tư phát triển năm 2019 đạt 100% dự toán giao tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước khẳng định là “không có tính khả thi”.
Công tác quản lý thuế chưa được chặt chẽ. |
Lý do đến hết quí II/2019 tỷ lệ giải ngân còn thấp: Bộ Giáo dục và Đào tạo 26%, Bộ Y tế 18%, ĐHQG Hà Nội 29%, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam 21,8%, Viện Hàn lâm khoa học xã hội và nhân văn 16,9%, Bộ Công Thương (chưa báo cáo đầy đủ tình hình giải ngân đến 30/6/2019 để làm cơ sở ước thực hiện 2019).
Một số địa phương (Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang,... ) chưa đánh giá tình hình thực hiện chi đầu tư phát triển năm 2019 hoặc đánh giá nhưng không đầy đủ theo quy định.
Theo Kiểm toán Nhà nước, tỷ lệ giải ngân chi đầu tư phát triển trong 9 tháng đầu năm 2019 ước thực hiện tiếp tục thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm gần đây, bằng 49,1% so với kế hoạch vốn năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã giao và bằng 45,1% so với kế hoạch Quốc hội giao.
“Việc chưa giao vốn, tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngoài nước làm giảm hiệu quả nguồn lực”, Kiểm toán Nhà nước nhận xét.
Ngoài ra, kết quả kiểm toán 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy, có nhiều tồn tại bất cập trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Một số bộ, cơ quan trung ương lập kế hoạch vốn đầu tư nhưng chưa xác định rõ nguồn vốn (Bộ Tài chính: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng trụ sở cơ quan Bộ Tài chính tại số 6, số 8 Phan Huy Chú - Hà Nội), phân bổ vốn cho một số dự án lớn hơn so với mức vốn đầu tư đã được phê duyệt và lũy kế vốn đã bố trí (Bộ KH-ĐT), kế hoạch vốn năm 2018 giao chậm và bố trí kế hoạch vốn chưa phù hợp với quy định
Do đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ cần có biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng thời có giải pháp kịp thời trong việc điều chỉnh vốn các dự án không giải ngân được hoặc không triển khai sang các dự án có nhu cầu cần thiết, cấp bách hoặc thu hồi vốn.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cho biết: Dự toán chi ngân sách năm 2020, nhiều bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020 ở mức cao, vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.
Trong đó, đáng chú ý việc lập dự toán cho các dự án khởi công mới và dự án chuẩn bị đầu tư chưa thuyết minh được tính cấp bách, thiếu cơ sở lập dự toán hoặc không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn...
Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý 3.479 tỷ đồng, tăng hơn 135% so với năm 2019; Đại học quốc gia HN lập dự toán năm 2020 tăng 105% so với năm 2019; Bộ Y tế lập dự toán 7.619 tỷ đồng tăng 57,8% so với số giao năm 2019; Bộ VH-TT&DL lập năm 2020 là 1.186 tỷ đồng, tăng 159%.
Ngoài ra, còn có Bộ LĐ-TB&XH 927 tỷ đồng, tăng 167% so với ước thực hiện năm 2019; Đại học quốc gia TP.HCM tăng 157% so với năm 2019...