Trong tổng nguồn vốn đầu tư công được giao trong năm 2022 lên tới trên 526 nghìn tỷ đồng, đến nay vẫn còn gần 330 nghìn tỷ phải giải ngân, tức là 8 tháng qua, các Bộ ngành, địa phương mới giải ngân được chưa tới 40%. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đó là công tác giải phóng mặt bằng.
Đến thời điểm này đã có nhiều ban quản lý dự án ở Thái Bình đạt mức giải ngân nguồn vốn đầu tư công 100% số vốn cấp trong năm nay.
Ông Nguyễn Tiến Cừ, PGĐ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, những dự án nào mặt bằng khả quan thì mới phê duyệt và bố trí vốn.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, nói: "Nhiệm vụ, mốc thời thời gian giải phóng mặt bằng đã được tỉnh xác định ngay trong quá trình phê duyệt đầu tư".
Theo quy định, dự án được phê duyệt thì mới được bố trí vốn và khi có vốn thì mới tiến hành giải phóng mặt bằng. Thực tế này đã dẫn đến sự chậm triển khai ở nhiều dự án, vì tuy đã có vốn nhưng chưa có mặt bằng.
Ông Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng: "Nên tách giải phóng mặt bằng thành một dự án để tạo mặt bằng nhanh cho giải ngân đầu tư công".
Còn theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Phải gắn với những điều kiện cụ thể, địa bàn cụ thể, địa điểm cụ thể, dự án cụ thể và có thời gian cụ thể".
Hiện Luật cũng đã cho phép các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng quốc gia thuộc nhóm A được áp dụng bố trí nguồn vốn riêng cho giải phóng mặt bằng. Những nhóm dự án có quy mô nhỏ hơn, sẽ được xem xét cụ thể nhằm tránh tình trạng, giải phóng mặt bằng xong không có vốn dẫn đến dự án treo.