Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 32,41% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ (33,85%).
Trong đó, có 06 bộ, ngành và 13 địa phương có số giải ngân đạt trên 50%. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có 35 bộ, ngành và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%; trong đó 15 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%.
Nhận định giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA chậm tiếp tục là những điểm nghẽn, tại phiên họp Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA. Các bộ, ngành, địa phương cần lập tổ công tác xử lý việc này, cần thiết thì điều chuyển vốn của những ngành, địa phương làm chậm cho ngành, địa phương khác.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến "nút thắt" này và giải pháp khơi thông, thúc đẩy là gì? BizLIVE ghi nhận ý kiến từ một số chuyên gia kinh tế.
TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
TÌM ĐỘNG LỰC CHO CÁN BỘ Ở DƯỚI, ĐẶC BIỆT LÀ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Giải ngân đầu tư công đã thấp trong một thời gian dài rồi nhưng trong 6 tháng đầu năm nay lại xuống thấp kỷ lục. Đây không phải là một hiện tượng nhất thời mà rõ ràng có sự vướng víu về mặt thể chế.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện ở bên dưới cũng là một trong hai nút thắt về giải ngân đầu tư công. Vậy thì, đâu là giải pháp để thúc đẩy giải ngân đầu tư công?
Tôi cho rằng sự phối hợp giữa "bên trên" với "bên dưới", sự phối hợp chiều ngang giữa các Bộ, ngành địa phương của chúng ta rất kém. Song để khắc phục vấn đề này là rất khó. Việc tạo áp lực để các Bộ, ngành, địa phương "tăng tốc" giải ngân mà không giải quyết thực chất cũng chỉ là một giải pháp về mặt hình thức.
Nhìn vào một số địa phương như Quảng Ninh chẳng hạn, họ giải ngân rất tốt mà dự án của họ cũng rất hay. Như vậy, muốn đẩy nhanh vốn giải ngân vốn đầu tư công về thực chất phải tìm được động lực cho cán bộ ở dưới, đặc biệt là người đứng đầu.
Nếu người đứng đầu ở các địa phương một lòng một dạ vì sự phát triển kinh tế địa phương với một tập thể đoàn kết, thống nhất với mục tiêu đó thì chắc chắn có thể gỡ nút thắt này.
1.000 dự án có thể chỉ lấy 100 dự án làm trọng tâm ưu tiên tập trung vốn vào giải quyết thì sẽ mang lại chất lượng thực chất chứ không chỉ là hình thức. Do đó, có sự quyết tâm thì giải quyết tình trạng giải ngân đầu tư công chậm là cực kỳ dễ chứ không hề khó.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều đơn vị còn có tâm lý e ngại nên việc tạo động lực từ người đứng đầu là yếu tố quyết định để khơi thông dòng vốn đầu tư công còn những giải pháp căn cơ hơn thì phải xây dựng dựa trên nền tảng lâu dài.
TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
TẠO ĐỘNG LỰC VÀ KHUNG PHẠM VI ĐỂ DÁM LÀM, DÁM THỰC HIỆN
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp chỉ hơn 32% là một con số đáng báo động, mặc dù trong 6 tháng cuối năm chúng ta vẫn mong muốn có sự thay đổi đáng kể khiến tỷ lệ cả năm được nâng lên.
Có bốn nguyên nhân chính dẫn đến "nút thắt" về chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ nhất là lý do về pháp lý. Vừa rồi chúng ta đã phải sửa đổi Luật Đầu tư công, trong đó liên quan đến rất nhiều quy trình triển khai thực hiện giải ngân đầu tư công. Ngoài ra, còn rất nhiều văn bản, quy định liên quan đến vấn đề này như Luật Quản trị công, Luật Quy hoạch,...
Vấn đề thứ hai liên quan đến câu chuyện về mối quan hệ tương tác giữa chúng ta và các nhà tài trợ ODA như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hướng vào một số vấn đề về cách hiểu trong quy trình, giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng ODA,...Đây cũng là một trong các vướng mắc khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm được triển khai.
Vấn đề thứ ba lại liên quan đến pháp lý. Hiện nay, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn được bố trí theo giai đoạn 2016 - 2020 nhưng để nó tương thích được với ngân sách hàng năm và không xảy ra "va đập" cũng là một điều khó khăn. Đó là chưa kể việc phân cấp quản lý khi đầu tư công chủ yếu là trung hạn và ngắn hạn.
Và cuối cùng là yếu tố tâm lý trong bối cảnh Việt Nam đang quyết liệt chấn chỉnh bộ máy Nhà nước, chống tham nhũng... khiến nhiều tâm lý của các cán bộ của nhiều bộ, ngành, địa phương “chùng chình”, không dám làm. Điều này cũng là một lý do quan trọng khiến vốn đầu tư công chậm được giải ngân.
Vậy phải làm sao để giải quyết "nút thắt" về giải ngân đầu tư công thì cần tính đến các vấn đề về phạm vi, giới hạn, trách nhiệm để công chức sáng tạo. Bởi chỉ có tạo động lực và một khung phạm vi để các bộ, ngành, địa phương dám làm, dám thực hiện thì "nút thắt" về giải ngân vốn đầu tư công mới được "đả thông".
Với tình trạng hiện nay khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở mức thấp như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Ngoài ra, các vấn đề về chi phí vốn, chi phí cơ hội do giải ngân vốn đầu tư công thấp cũng là một trong các yếu tố cần được bàn đến.
TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
HAI VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT
Chính phủ đã rất kiên quyết trong việc giảm thu ngân sách dẫn đến giảm nợ công, tuy nhiên, việc giải ngân đầu tư công rất chậm lại là một điều đáng lo ngại.
Hiện nay, vốn đầu tư công chiếm 31% tổng vốn đầu tư trong toàn xã hội. Vì vậy, nếu giải ngân vốn đầu tư công chậm nó sẽ hệ luỵ sang cả đầu tư tư nhân, hệ luỵ sang cả vốn ODA, hệ luỵ sang đầu tư nước ngoài (FDI). Đây chính là lực cản kéo giảm tăng trưởng kinh tế.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này. Một là, việc phân khai kế hoạch vô cùng chậm và hai là "câu chuyện muôn thuở" giải phóng mặt bằng vốn đối ứng không đủ, nhiều dự án không có tiền để đối ứng vào khiến chậm tiến độ.
Giải quyết được hai vấn đề trên sẽ giúp tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công và thúc đẩy được hàng loạt lĩnh vực của nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách Công, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright
COI TRỌNG KHÂU CHUẨN BỊ DỰ ÁN, LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN ĐẦU TƯ
Từ năm 2018 đến nay, cả hai nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng gồm khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước (đầu tư theo hình thức PPP) có dấu hiệu chững lại, các dự án PPP đang tắc nghẽn. Do đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm khiến những ách tắc về cơ sở hạ tầng không được giải quyết.
Đương nhiên, ta cũng phải nhìn nhận đầu tư công tăng chậm lại là một phần kết quả của quá trình tái cơ cấu đầu tư công với tác động tích cực là đầu tư từ ngân sách, từ nguồn vay nợ công và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã một phần giảm được tình trạng dàn trải.
Nhưng việc các dự án đầu tư trọng điểm bị trậm trễ là vấn đề rất nghiêm trọng cho triển vọng tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn như hạn chế việc mở rộng năng lực sản xuất và triệt tiêu cơ hội giảm chi phí giao dịch thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng. Hoạt động kinh tế ở những trung tâm kinh tế lớn và chất lượng cuộc sống của nhân dân có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng nếu không giải quyết được ách tắc hạ tầng.
Giải pháp quan trọng nhất để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công là coi trọng khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn phương án đầu tư (kỹ thuật, công nghệ và tài chính). Trong khâu này, rất cần các ý kiến đóng góp, ý kiến phản biện khách quan. Và sau khi tiếp thu các ý kiến này, cần có cơ chế điều phối giữa các bộ, ngành và người lãnh đạo, phụ trách cần quyết đoán đưa ra quyết định phù hợp.
Nhưng một thực tế xuất hiện trong thời gian qua là khi có những ý kiến trái chiều, trong nhiều trường hợp là những đề xuất khác nhau ngay trong nội bộ các cơ quan nhà nước, người lãnh đạo lại không dám quyết. Tâm lý sợ rủi ro, sợ trách nhiệm bao trùm khiến các dự án mặc dù đã chuẩn bị được nguồn vốn cũng không giải ngân được vì người lãnh đạo không dám ký.
Khắc phục tình trạng trì trệ trong đầu tư công là phải gắn chặt trách nhiệm đối với người lãnh đạo và người quản lý dự án: không chỉ không tham nhũng, không làm sai, mà trách nhiệm ra quyết định thuộc về mình thì phải thực hiện, không trì hoãn, không đùn đẩy lên cấp trên.
Ngoài các dự án đầu tư công thuần túy thì để gỡ nút thắt này trong bối cảnh không gian tài khóa vẫn hạn hẹp, các dự án PPP cần phải được đẩy nhanh. Vấn đề của dự án PPP không nằm ở năng lực kỹ thuật của nhà đầu tư tư nhân mà chủ yếu là ở khả năng huy động vốn và quản lý rủi ro.
Trong hầu hết các dự án PPP, nhà nước phải có phần tham gia của mình trong tổng vốn đầu tư, còn tư nhân mặc dù phải có vốn chủ sở hữu nhưng chủ yếu là đi vay nợ. Quy định cứng nhắc một tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu (như 30% tổng mức đầu tư) không giúp giảm rủi ro tài chính mà chỉ kéo dài thời gian để nhà đầu tư xoay sở góp vốn chủ sở hữu trá hình mà thực chất vẫn là vay qua nhiều công ty con khác nhau. Bện cạnh khả năng cho vay dài hạn của ngân hàng, nguồn vốn tài trợ dài hạn bền vững cho các dự án đầu tư PPP là trái phiếu dự án thông qua thị trường vốn.
Rất nhiều trục trặc trong đầu tư đến từ việc chỉ định thầu, mà đằng sau đó là sự vận động của các nhóm lợi ích. Nhưng đấu thầu cạnh tranh lại thường được bỏ qua với lý do là tốn kém thời gian hay thiếu các nhà đầu tư quan tâm. Không thể nói là để tránh trậm tiến độ dự án thì không đấu thầu cạnh tranh. Và thực tế trong thời gian gần đây đã cho thấy là việc chuận bị đấu thầu dự án với các thông tin rõ ràng và minh bạch đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khắc phục chậm trễ trong dự án là phải cải thiện hiệu quả của công tác chuẩn bị dự án và tổ chức đấu và chọn thầu cạnh tranh.