Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, chúng ta đang ưu tiên cho tăng trưởng theo các kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Để làm được điều này, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng, trong đó có đầu tư, gồm đầu tư trong nước và ngoài nước, trực tiếp và gián tiếp, đầu tư công, đầu tư xã hội và người dân…
Kết luận của Trung ương đã khẳng định lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển.
Cùng với đó, đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với triển khai đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc. Đầu tư tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới và kích hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội khác.
Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, đã thành lập 5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy vậy, qua báo cáo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn thấp, nhất là 6 tháng đầu năm 2024 mới đạt 29,39%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (30,49%). Có 60/107 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước; trong đó 32/44 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn ODA cũng còn chậm, chưa khắc phục triệt để.
"Vì sao đầu tư công ai cũng thấy quan trọng, luôn quan tâm, giải ngân vốn đầu tư công là một động lực tăng trưởng, trong lúc ưu tiên cho tăng trưởng thì phải tập trung cho động lực này, thế mà động lực này vẫn ì ạch?", người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề.
Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ nhận thấy cần có hội nghị toàn quốc để thúc đẩy đầu tư công, góp phần tăng trưởng theo kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình, những mặt tích cực, kết quả đạt được, những mặt chưa được, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, những vướng mắc, "điểm nghẽn".
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị làm rõ, tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. Từ đó, đúc kết những kinh nghiệm quý, bài học hay, xác định các giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy đầu tư công năm 2024, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề, những cơ quan, đơn vị nào không giải ngân tốt thì nên chăng phải thu hồi để phân bổ vào những công trình trọng điểm có điều kiện giải ngân tốt để góp phần giải quyết khó khăn cho các ngành như xi măng, sắt thép…, bảo đảm kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.