Bộ Tài chính vừa có công văn số 3720/BTC-ĐT ngày 25/4/2022, báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 3 tháng, ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2022.
Theo đó, tổng số vốn đầu tư công đã được phân bổ là 519.838,827 tỷ đồng, đạt 100,33% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Về tình hình giải ngân, tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng đầu năm 2022 đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (giảm nhẹ so với tỷ lệ 18,65% của cùng kỳ 2021).
MỘT SỐ BỘ, CƠ QUAN CÒN QUÁ NỬA SỐ VỐN CHƯA ĐƯỢC PHÂN BỔ
Cập nhật về tình hình triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 của toàn bộ 51/51 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trong số này có 12/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Về tình hình phân bổ cụ thể, tổng số vốn đã phân bổ là 519.838,827 tỷ đồng, đạt 100,33% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 41.994,149 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, tổng số vốn chưa được phân bổ chi tiết là 40.261,217 tỷ đồng, chiếm 7,77% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, hết tháng 4, vẫn còn 12/51 bộ, cơ quan trung ương và 6/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó có một số Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 50%) như Thanh tra Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp.
Về nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn, theo Bộ Tài chính, do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương này chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới; chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, hiện còn 16/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau.
17 BỘ, CƠ QUAN CHƯA GIẢI NGÂN KẾ HOẠCH VỐN
Về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng đầu năm 2022 mới đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỷ lệ này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%). Trong đó, vốn trong nước đạt 19,57%, vốn nước ngoài đạt 3,25%.
Có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao là Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng Phát triển (59,64%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (48,86%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (35,76%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%)...
Cùng với đó, có 43/51 Bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân tương đối thấp, đạt dưới 17%. Đáng chú ý, trong số này có 17 bộ, cơ quan còn chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân chậm giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 là do các chủ đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng với đó, các dự án khởi công mới đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn, đang lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán nên chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao; một số dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Tại báo cáo, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác đã có dự án và có nhu cầu bổ sung vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2022.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện số 126/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2022; Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.