Nhìn lại tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngành giao thông vận tải (GTVT) trong 7 tháng qua, đạt hơn mức trung bình quân của cả nước, là cả sự nỗ lực và trách nhiệm cao. Nói như vậy nhưng không có nghĩa là bỏ qua thực tế: Tốc độ giải ngân vẫn chậm so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là thừa nhận của người đứng đầu ngành GTVT mới đây. Nhìn thẳng sự thật và cách nào để đẩy nhanh tiến độ giải ngân là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, cũng là cách thức ngành GTVT thực hiện mục tiêu “kép” của Chính phủ, từng bước góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Tính luỹ kế đến hết tháng 7 năm nay, Bộ GTVT giải ngân được 44,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với mức bình quân chung khối các Bộ, ngành Trung ương (32,69%). Tuy nhiên, tháng 7/2021 giải ngân chậm so với kế hoạch khoảng 980 tỷ đồng.
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, các chủ đầu tư với đại diện là các Ban QLDA, nhà thầu, đơn vị thi công tập trung các giải pháp tăng cường giải ngân bằng việc phân vốn, phân quyền mạnh cho các giám đốc dự án tại công trường.
“Giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo giải ngân là phân bổ kế hoạch giải ngân hợp lý, tránh dồn vào cuối năm. Muốn vậy, trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng. Tiếp đó là phân công trách nhiệm giám đốc các dự án tại công trường. Ban quản lý phân bổ và bố trí vốn cho từng gói thầu, phần nào chậm sẽ điều chuyển vốn sang nơi khác, đảm bảo tiến độ giải ngân chung của Bộ giao và hoàn thành mục tiêu chung của giải ngân”, ông Roãn cho hay.
Việc sát sao, cập nhật tiến độ từng thành phần dự án cũng là cách thức để giải ngân hiệu quả. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, cơ quan quản lý GTVT tăng cường hình thức giao ban trực tuyến để cập nhật tiến độ giải ngân.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT nêu thực tế, dịch Covid cũng ảnh hưởng tới tiến độ thi công các dự án trọng điểm của ngành. Vì vậy, Vụ Kế hoạch đầu tư có cách làm trực tuyến, sử dụng công nghệ để kết nối và giao ban công việc thường xuyên và điều này đã giúp đảm bảo tiến độ giải ngân chung.
Gặp khó khăn do dịch bệnh, ảnh hưởng việc bố trí lao động, cộng với nguồn nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu xây dựng vừa thiếu, vừa “đội” giá. Đây là những khó khăn lớn cho các nhà thầu.
Chính vì vậy, cùng với những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, việc cập nhật tin tức, chia sẻ khó khăn, phối hợp làm việc giữa lãnh đạo Bộ GTVT với chính quyền địa phương nơi triển khai dự án là cách làm mang lại hiệu quả cao, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho Ban quản lý dự án và các nhà thầu.
Đồng thời, đây cũng thể hiện cách thức “xắn tay vào việc”, “nói đi đôi với làm” của lãnh đạo ngành GTVT. Quán triệt thái độ và cách thức triển khai giải ngân của Bộ năm 2021 như Chính phủ giao.
“Giám đốc Ban QLDA, các Thứ trưởng phụ trách phải giao ban thường xuyên, làm việc trực tuyến, cập nhật công việc và thực hiện giải ngân cho tốt. Dự án nào chậm trễ phải chịu trách nhiệm và đây là đánh giá kết quả thi đua cuối năm, để làm sao toàn ngành thực hiện cho được giải ngân 46.000 tỷ vào tháng cuối cùng năm 2021”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ rõ.
Tập trung trong thời gian còn lại của năm, Bộ GTVT còn phải hoàn thành giải ngân 24.400 tỷ đồng tại các dự án đầu tư công. Khẩn trương hiện thực hoá mục tiêu này, Bộ GTVT yêu cầu các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân, bù phần khối lượng chậm tiến độ và phần khối lượng bị ảnh hưởng do điều kiện khách quan và chủ quan, từng bước đảm bảo tiến độ giải ngân chung của cả nước. Ngay trong tháng 8 này, các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng theo kế hoạch và giải ngân bù phần chậm kế hoạch tháng 7 khoảng 980 tỷ đồng.
Đích đến của giải ngân đã rõ, nhân lực, vật lực đã sẵn sàng. Tiếp đó là tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, thực thi “nhiệm vụ trọng tâm” là giải ngân vốn đầu tư công của ngành giao thông vận tải- từng bước vượt khó tăng tốc. Sức mạnh nội lực được phát huy, lãnh đạo bộ cũng như người đứng đầu các cơ quan, đơn vị của ngành quyết tâm giữ vững nhịp độ giải ngân như các năm trước, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu “kép” của Chính phủ./.