Để đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vừa phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Kèm theo đó, Mỹ sẽ mở nguồn ngân sách liên bang, cho phép các tiểu bang khai thác một khoản tiền lên tới 42,6 tỷ USD để chống dịch, bao gồm các hoạt động chi cho xét nghiệm, vật tư y tế và hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh.
"Tôi chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia từ lúc này. Đó là hai từ rất trọng đại" , Tổng thống Trump nói trong bài phát biểu tại Vườn Hồng .
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại Mỹ là một động thái trong Đạo luật Stafford, chi phối các phản ứng của liên bang Hoa Kỳ trước thảm họa y tế và thiên tai. Lần gần nhất Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp này là vào năm 2000, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, khi ông phải đối phó với sự bùng phát của virus West Nile ở New York và New Jersey.
Các thành viên Đảng Dân chủ ở Thượng viện Hoa Kỳ đã kêu gọi ông Trump cân nhắc lựa chọn này từ hồi đầu tuần, trước thực tế chính quyền liên bang và địa phương đều bối rối khi phải giải quyết một dòng lũ lượt bệnh nhân có thể cần xét nghiệm và chăm sóc y tế trong dịch Covid-19.
Theo Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm virus tại Mỹ đang và sẽ còn tiếp tục tăng. Dựa vào mức độ lây nhiễm của nó - các chuyên gia ước tính hàng trăm ngàn người Mỹ có thể mắc bệnh trong vài tháng tới – đặt căng thẳng lên hệ thống y tế trên khắp nước này.
Quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Trump rất có ý nghĩa. Một mặt, nó sẽ mở cửa các nguồn lực mà nước Mỹ có thể sử dụng khi họ phải vật lộn với nhu cầu chăm sóc và hỗ trợ y tế. Bên cạnh đó, nó cũng là một sự thừa nhận của Tổng thống Trump về mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19, trái với những gì ông ấy thể hiện trước đây để hạ thấp nó.
Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, điều đó có ý nghĩa gì?
Tác động lớn nhất của tuyên bố này là nó sẽ giúp các tiểu bang tăng cường được nguồn tài trợ để giải quyết nhu cầu trả lương cho nhân viên y tế, vận hành cơ sở vật chất và điều trị cho bệnh nhân.
Theo Đạo luật Stafford được thông qua năm 1988, một khi tổng thống Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) có thể chuyển tiền từ một quỹ dự trữ cho thảm họa trị giá 42 tỷ USD cho chính quyền các tiểu bang.
Ciara Torres-Spelliscy, một giáo sư Luật tại Đại học Stonon cho biết: "Nguồn tài trợ từ liên bang này có thể tăng cường giúp các tiểu bang và địa phương chống đỡ khi bị ảnh hưởng bởi virus corona mới, vừa được Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố là đại dịch".
Theo bức thư của các thành viên Đảng Dân chủ ở Thượng viện gửi lên đầu tuần này, tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Mỹ có nghĩa là chính phủ liên bang sẽ chi trả 75% chi phí cho các nguồn lực cụ thể giúp các tiểu bang phản ứng với virus corona, bao gồm đầu tư trang thiết bị y tế và vắc-xin.
Theo Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm virus tại Mỹ đang và sẽ còn tiếp tục tăng.
Thông thường, tuyên bố tình trạng khẩn cấp được yêu cầu và thúc đẩy bởi thống đốc các tiểu bang – theo luật định, nhưng tổng thống cũng có thể đơn phương ban bố tình trạng khẩn cấp "khi nó là cần thiết để cứu người dân, ngăn chặn sự đau khổ của họ, hoặc giảm thiểu những thiệt hại nghiêm trọng", Liza Goitein tại Trung tâm Tư pháp Brennan,Trường Luật Đại học New York giải thích.
Tuyên bố khẩn cấp lần này dự kiến sẽ khác với tuyên bố mà Trump thực hiện hồi năm ngoái, để có được tài trợ cho bức tường chạy dọc biên giới phía nam với Mexico. Hành động đó được thực hiện theo Đạo luật khẩn cấp quốc gia, mà cũng cho phép tổng thống thực hiện những động thái cực đoạn khác như giành quyền kiểm soát internet.
Trong khi đó, Đạo luật Stafford được thiết kế đặc biệt để hướng dẫn chính phủ, chính quyền các tiểu bang và địa phương ở Mỹ phối hợp với nhau trong các tình huống mà sức khỏe cộng đồng bị đe dọa vì thiên tai, dịch bệnh.
Như Reuters chỉ ra, tuyên bố này cũng sẽ khác với tuyên bố của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ hồi đầu năm. Khi đó, cơ quan này đã coi sự gia tăng những ca nhiễm virus corona là một "trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng", cho phép chính quyền áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại đối với những công dân trở về từ Trung Quốc.
Đạo luật Stafford trước đây từng được sử dụng để giải quyết dịch bệnh do virus West Nile gây ra
Cũng phải nói rằng, đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump sử dụng đến Đạo luật Stafford. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã từng dùng đến nó khi cháy rừng bùng phát ở California và Florida chịu thiệt hại nặng nề từ một cơn bão. Đạo luật Stafford khi đó đã cho phép liên bang phản ứng trong cả hai tình huống, cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho các tiểu bang.
"Các đạo luật này vẫn được viện dẫn khá thường xuyên, vài lần trong một năm", Keith Whittington, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Princeton nói với Vox. "Chỉ vài ngày trước, tổng thống cũng đã kêu gọi chính quyền hỗ trợ Tennessee sau một cơn lốc xoáy lớn".
Đạo luật Stafford cũng từng được sử dụng trong quá khứ để giúp nước Mỹ đối phó với thảm họa y tế: Tổng thống Clinton từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào năm 2000, để ứng phó với sự lây lan của virus West Nile ở hai tiểu bang nước này.
Vào thời điểm đó, chính phủ liên bang có thể đã giải ngân tới 5 triệu USD để hỗ trợ các nỗ lực kiểm soát muỗi.
Tổng thống Barack Obama cũng đã sử dụng Đạo luật khẩn cấp quốc gia để tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm giải quyết dịch cúm lợn năm 2009. Quyết định này cho phép chính phủ liên bang thực hiện các phản ứng y tế quyết liệt và mạnh mẽ, ví dụ như các bệnh viện có thể điều trị bệnh nhân cúm lợn tại các địa điểm riêng biệt.
Bây giờ, quyết định sử dụng lại Đạo luật Stafford chỉ là một bước mà chính phủ Mỹ có thể thực hiện để phản ứng virus corona. Quốc hội nước này cũng đang cân nhắc ban hành những quy định mới cho phép người dân nghỉ ốm có lương và đảm bảo xét nghiệm miễn phí toàn dân, bất kể là người có bảo hiểm hay không.
*Bạn đã hiểu đúng về virus corona mới? Hãy cùng làm bài trắc nghiệm đưới dây để biết: