Những khó khăn của nền kinh tế do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cùng với việc nới lỏng quản lý thị trường vàng từ những năm 1999 đã gây ra không ít hệ lụy cho nền kinh tế. Trước hết là sự bất ổn của thị trường vàng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định thị trường tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và có khả năng gây đổ vỡ hệ thống ngân hàng.
Trước thực tế đó, quản lý thị trường vàng chặt chẽ là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Năm 2012 Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đã đưa ra những quy định thắt chặt quản lý thị trường vàng. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Đồng thời chấm dứt việc kinh doanh vàng trên tài khoản của các cá nhân và chấm dứt huy động và cho vay vàng của các NHTM.
Mặc dù tự do hóa thị trường vàng là xu thế chung của thế giới, song với thực trạng thị trường Việt Nam lúc đó, thắt chặt quản lý đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Thị trường vàng đã dần đi vào ổn định, hỗ trợ tích cực cho sự ổn định tỷ giá, giá trị VND được nâng lên, lòng tin của thị trường được củng cố. Điều này, khẳng định các giải pháp quản lý thị trường vàng tại Nghị định số 24 là đúng hướng, phù hợp với quy luật khách quan của thị trường.
Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu trong định hướng chính sách lâu dài của Chính phủ đối với sự phát triển thị trường vàng hiệu quả, bền vững. Để đạt được định hướng chính sách này vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện và giải quyết. Trong đó, vấn đề huy động nguồn lực vàng nhàn rỗi nằm trong dân để phục vụ cho hoạt động kinh tế - xã hội cũng là một trong những giải pháp đang được đặt ra gần đây
Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 đã được NHNN đưa ra giải pháp cho vấn đề này, theo đó Nhà nước độc quyền huy động vàng từ cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản. Đây là một giải pháp rút ra từ những bài học thực tế của Việt Nam trong giai đoạn trước, khi mà việc huy động, cho vay vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản bị Nhà nước nới lỏng quản lý đã để lại những hậu quả nặng nề.
Vấn đề ở đây là, Nhà nước triển khai việc huy động và sử dụng vàng như thế nào để tránh rủi ro và mang lại hiệu quả. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là một vấn đề không dễ để có thể thực hiện hiệu quả trong thực tế. Ngay cả quốc gia có nhu cầu vàng lớn nhất nhì thế giới như Ấn Độ, NHTW nước này đứng ra huy động cũng đã phải loay hoay suốt nhiều năm trong việc triển khai chính sách này nhưng cho đến nay vẫn chưa được xem là thành công.
Chính vì vậy, để đảm bảo chính sách này thành công, Nhà nước cần xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong huy động vàng; thiết kế các tài sản tài chính (chứng chỉ, trái phiếu...) đối ứng với vàng huy động đảm bảo đủ độ tin cậy, tính khả mại và lợi ích của người nắm giữ; xây dựng kế hoạch cụ thể đối với nguồn lực vàng huy động cũng như các biện pháp phòng ngừa các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình huy động.
Thêm vào đó, cần phải đồng thời triển khai và xây dựng các chính sách khác để chuẩn bị các điều kiện kinh tế - tài chính cần thiết. Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người dân nắm giữ vàng vật chất quá nhiều, hướng tới mục tiêu tự do hóa thị trường vàng phù hợp với không chỉ xu hướng phát triển kinh tế trong nước mà còn với thông lệ và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thịt bò BEEF | 1.384.611.898 VNĐ / tấn 335.15 BRL / kg | 0.16 % + 0.55 |
Thịt gà CHICKEN | 33.215.813 VNĐ / tấn 8.04 BRL / kg | 0.00 % - 0.00 |