Từ cuối năm 2020 tới nay, TTCK Việt Nam đã chứng kiến giai đoạn giao dịch bùng nổ với thanh khoản nhiều phiên trên 15.000 tỷ đồng. Làn sóng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường đã giúp thanh khoản liên tiếp thiết lập những con số kỷ lục mới và đây là tín hiệu rất tích cực cho thị trường. Trong môi trường lãi suất còn duy trì thấp, hiểu biết của người dân về thị trường tài chính ngày càng cao, đây có thể coi là giai đoạn rất thuận lợi cho việc thu hút nhà đầu tư, phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thanh khoản tăng quá "nóng", vượt xa dự báo của thị trường đã dẫn tới hiện tượng thường xuyên "nghẽn lệnh" trong nhiều phiên giao dịch và điều này gây ra không ít phiền toái cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến uy tín của thị trường. Nhiều nhà đầu tư nói vui việc liên tục phải "ăn bánh cu đơ" khi giao dịch không khác gì "người mù lái xe" bởi họ không thể biết được mức giá nào trên bảng điện đang được hiển thị chính xác. Không những vậy, nhà đầu tư cũng gần như không thể mua/bán mỗi khi thanh khoản sàn HoSE ở quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng.
Trước hiện tượng này, ông Lê Hải Trà, thành viên HĐQT phụ trách HoSE cho biết hiện tượng nghẽn lệnh gần đây do số lượng lệnh đổ vào thị trường quá lớn. Khi xây dựng hoặc nâng cấp năng lực hệ thống giao dịch, mức dự phòng thông thường chỉ gấp 3 lần nhu cầu dự tính để đạt mục tiêu an toàn và hiệu quả trong bài toán tổng thể đầu tư. Tuy nhiên, việc thanh khoản thị trường tăng đột biến trong thời gian gần đây là điều khó lường trước được, khiến TTCK Việt Nam bị nghẽn một cách bất khả kháng.
Biện pháp căn cơ để dứt điểm hiện tượng này là triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường chứng khoán (KRX). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến công tác triển khai hệ thống mới có sự chậm trễ và nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn sẽ khó kiểm soát được tiến độ. Theo dự kiến phải cuối năm nay mới có thể triển khai hệ thống mới cho thị trường.
Một trong những giải pháp ngắn hạn đã được UBCKNN thông qua là nâng lô giao dịch tối thiểu trên sàn HoSE từ 10 lên 100 cổ phiếu/lệnh để giúp giảm tải cho hệ thống. Dù đã chính thức áp dụng ngay từ đầu năm 2021 nhưng hiện tượng nghẽn vẫn thường xuyên diễn ra. Thanh khoản 18.000 tỷ nghẽn, 15.000 tỷ cũng nghẽn thậm chí 13.000 tỷ cũng khó giao dịch.
Giải pháp chống "tắc đường" cho HoSE
Trước vấn đề cấp bách của thị trường lúc này khi gần như phiên giao dịch nào cũng nghẽn, trong khi hệ thống mới chưa thể có ngay lập tức, một số chuyên gia trên thị trường cho rằng có 3 biện pháp ngắn hạn có thể giúp giảm tải hệ thống HoSE, bao gồm (1) Tiếp tục nâng lô giao dịch từ 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ lên 1.000 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ; (2) Nâng bước giá giao dịch sàn HoSE lên 100 đồng; (3) Chuyển một số doanh nghiệp niêm yết từ HoSE về HNX.
Cả 3 biện pháp ngắn hạn trên đều có những ưu, nhược điểm nhất định với thị trường. Với biện pháp đầu tiên, nâng lô giao dịch từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu sẽ giúp giảm bớt lệnh vào thị trường, qua đó giúp giảm tải hệ thống. Tuy vậy, việc nâng lô giao dịch này cũng khiến các nhà đầu tư có quy mô vốn nhỏ khó tiếp cận thị trường hơn bởi để sở hữu cổ phiếu sẽ cần lượng tiền lớn gấp 10 lần so với hiện nay.
Lấy ví dụ trường hợp cổ phiếu MWG với thị giá 135.000 đồng/cp. Nếu như quy định trước đây chỉ là lô 10 cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ chỉ cần bỏ ra 1,35 triệu đồng là có thể mua được 1 lô MWG. Tuy nhiên việc nâng lô lên 100 cổ phiếu như hiện nay đã khiến nhà đầu tư cần tới 13,5 triệu đồng mới có thể mua được 1 lô MWG. Nếu quy định nâng lô cổ phiếu lên 1.000 sẽ khiến nhà đầu tư cần tới 135 triệu đồng mới có thể mua được MWG. Việc nâng lô lên lớn như vậy sẽ khiến rất ít nhà đầu tư tiếp cận được với chứng khoán, đi ngược với mong muốn của số đông người dân.
Với biện pháp nâng bước giá giao dịch HoSE lên 100 đồng, đây là điều có thể áp dụng được ngay bởi từ năm 2017 đổ về trước, sàn HoSE đã giao dịch với bước giá này. Dù vậy, biện pháp này có lẽ cũng không giúp số lượng lệnh vào thị trường giảm đi là bao và hiện tượng nghẽn vẫn sẽ xảy ra.
Trong khi đó, biện pháp chuyển một số doanh nghiệp niêm tết từ HoSE và HNX có lẽ là khả thi nhất, sẽ giúp giảm tải đáng kể cho hệ thống ngay lập tức mà không tốn nhiều chi phí. Giải pháp chuyển một số doanh nghiệp sang HNX có thể coi là bước đi phù hợp khi mà Thủ tướng đã ban hành quyết định 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (Vietnam Exchange).
Về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, TGĐ Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng trong khi chờ hệ thống KRX vận hành thì việc chuyển một số công ty niêm yết từ HoSE sang HNX lúc này là việc làm hợp lý, cần thiết và có thể ít tốn kém nhất trong các phương án có thể triển khai. Việc này sẽ không chỉ giúp nhanh chóng giảm tải cho hệ thống HoSE mà quan trọng hơn còn là đảm bảo giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam được thông suốt, đáp ứng nhu cầu giao dịch chính đáng của nhà đầu tư, bảo đảm được uy tín của thị trường chứng khoán trong con mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước, duy trì và củng cố được kênh huy động vốn ngày càng hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc chuyển niêm yết cũng sẽ gặp thách thức bởi không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng. Dù vậy, nếu có một vài doanh nghiệp chấp nhận việc chuyển sàn (nếu có chính sách) sẽ giúp giảm tải đáng kể cho hệ thống. TGĐ VNDIRECT cho biết trong trường hợp UBCK chấp thuận và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho các cổ phiếu chuyển từ Hose sang HNX, VNDIRECT sẽ lập tức "xung phong" chuyển sàn sang HNX để góp phần giảm tải cho sàn HoSE.
Lúc này, TTCK Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn không chỉ từ các nhà đầu tư trong nước mà còn từ các tổ chức quốc tế nhờ vào triển vọng vĩ mô tích cực, cũng như những kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường mới nổi (Emerging Markets). Tuy vậy, nếu không nhanh chóng có biện pháp khắc phục những vấn đề về hệ thống sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh tốt đẹp của TTCK và khiến chúng ta đánh mất cơ hội thu hút dòng vốn tuyệt vời cho doanh nghiệp.