Thực tế cho thấy dù chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt đã được kích hoạt từ nhiều năm qua nhưng đến nay việc triển khai vẫn còn manh mún và nảy sinh không ít bất cập.
Cần sự tiện lợi
Ngày càng nhiều những quán ăn, xe đẩy bán đồ ăn vặt trên vỉa hè đã gắn các biểu tượng thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, chị Tố Nga (quận Tân Bình, TP.HCM) cho rằng nó vẫn chưa nhiều đến mức ra ngõ là thấy. Vì vậy, nếu một ngày ra đường mà không mang theo tiền mặt, chắc chắn người dân sẽ rất mệt mỏi để tìm kiếm những tiện ích hay mua món đồ mình cần.
“Phải đi một quãng đường xa, tốn nhiều thời gian mới mua được món đồ bằng hình thức thẻ, ví điện tử… thì rất bất tiện. Tôi nghĩ chỉ khi nào những hình thức dịch vụ thanh toán này xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm thì tự khắc lúc đó thói quen tiêu dùng không tiền mặt của người dân mới có thể trở thành dĩ vãng” - chị Nga nói.
Trên thực tế, không phải mọi giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng đều thuận lợi. Chị Thủy Minh (quận 3, TP.HCM) chia sẻ: Ngày 5-7, sau khi cảm thấy thất vọng với dịch vụ Internet Banking của Ngân hàng Đông Á, chị đã hủy thẻ ATM của ngân hàng này sau bảy năm giữ trong ví. Lý do chị đưa ra là khi để hạn mức chuyển khoản qua Internet Banking ở mức dưới 10 triệu đồng thì không tốn phí. Nhưng khi chị muốn nâng hạn mức chuyển khoản 50-100 triệu đồng/lần thì phí là 50.000 đồng/tháng, tính ra là 600.000 đồng/năm.
“Ngoài khoản phí này ra, khách hàng vẫn cần tốn thêm phí báo số dư tài khoản 50.000 đồng/năm (thu một lần/năm). Khi tôi chuyển khoản 10 triệu đồng từ tài khoản DongAbank sang tài khoản Vietcombank thì bị trừ tới gần 13.000 đồng và phải chờ 45 phút sau số tiền đó mới “chạy” tới tài khoản người nhận. Quá tốn kém phí và thời gian, tôi quyết định hủy thẻ” - chị Thủy cho hay.
Việc thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi gọi điện thoại đến tổng đài của BV ĐH Y Dược TP.HCM để hỏi về thủ tục mở thẻ thanh toán viện phí thì được biết: Hiện tại Ngân hàng VietinBank đang liên kết với bệnh viện để mở thẻ thanh toán viện phí đã được tích hợp mã số bệnh nhân. Khi hoàn tất thủ tục mở thẻ (miễn phí) và nộp số tiền tối thiểu là 150.000 đồng, lần sau nếu có nhu cầu đến khám bệnh thì với thẻ này, người dân chỉ cần ở nhà, gọi điện thoại đến tổng đài sẽ được cấp số thứ tự online…
Tuy nhiên, thẻ thanh toán viện phí chỉ dùng để nạp tiền, rút tiền và tiêu tiền (ngoài thanh toán viện phí có thể thanh toán tại siêu thị, nhà hàng…) chứ không thể chuyển tiền từ thẻ này sang thẻ ATM được.
Hiện nay hầu hết các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đều có thể thực hiện qua điện thoại di động. Ảnh: T.LINH
Chìa khóa mobile
Bàn về giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), cho hay hiện nay trên thế giới đã có trên 90 nước triển khai dịch vụ thanh toán qua số di động là mobile money. Mobile money cũng có thể chuyển khoản, thanh toán di động, lưu trữ tiền như là các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Theo thống kê, doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế khi triển khai dịch vụ mobile money vì có đến 130 triệu thuê bao di động, tức là nhiều hơn gấp đôi so với số tài khoản ngân hàng. Cho nên khi dịch vụ mobile money được triển khai rộng rãi thì người dùng có thể nạp tiền, rút tiền tại mạng lưới của đại lý nhà mạng di động cung cấp dịch vụ này vô cùng dễ dàng. Điều này sẽ rất có ích ở những vùng sâu, vùng xa, nơi người dân không có điều kiện mở tài khoản ngân hàng.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cũng cho rằng hầu hết các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đều có thể thực hiện qua điện thoại di động. Cùng với ATM, máy POS, phương thức thanh toán QR code dần được phổ biến, số lượng ví điện tử cũng tăng lên gần 5 triệu ví. Trong thời gian tới, các ban, ngành liên quan cũng sẽ có nghiên cứu về ví điện tử không nạp tiền không qua tài khoản ngân hàng.
Đối với thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ công, ông Dũng cho hay trong tương lai gần, các app thanh toán của ngân hàng cần có thêm lựa chọn dịch vụ công để nộp thuế, phí giống như dịch vụ đặt vé tàu, vé máy bay, các cửa hàng ăn... như hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, cần có hệ thống tập trung và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ban, ngành với ngành ngân hàng mới có thể triển khai đồng bộ các công nghệ mới, ứng dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt tạo thuận lợi cho người dân.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cần tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển sẽ khuyến khích, thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Thanh toán điện tử ở Việt Nam lên tới 13 tỉ USD/ngày
Trong năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỉ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỉ USD/ngày), tăng trưởng 25% so với năm 2017; giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng gần 170% so với năm 2017. Khảo sát của hãng kiểm toán PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỉ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.
Trong ba tháng đầu năm 2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỉ đồng, tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Ông NGUYỄN KIM ANH, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước