GDP quý I đạt mức thấp kỷ lục
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2020 ước đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp kỷ lục so với cùng kỳ trong vòng 10 năm trở lại đây (2010-2019) với sự sụt giảm tăng trưởng của cả ba khu vực công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Trong bức tranh tăng trưởng quý 1, chỉ có một số ngành dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định như tài chính ngân hàng, bảo hiểm; thông tin truyền thông; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Đó là những mảng sáng giúp nền kinh tế tạm thời thoát khỏi nguy cơ đóng băng.
GDI quý I đạt mức thấp nhất trong cả thập kỷ do dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: KT)
“Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài sang quý 2, hoạt động công nghiệp chế biến của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu, đặc biệt ở các ngành dệt may, da giày, điện tử, sắt thép; sản xuất xe có động cơ…”, đại diện Tổng cục Thống kê nhận định.Trong cơ cấu nền kinh tế quý I/2020, công nghiệp chế biến chế tạo tuy đạt mức tăng không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), trong quý I, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô giảm mạnh.
Tổng cục Thống kê đã xây dựng ba kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2020. Cụ thể, với kịch bản 1, dự báo dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới hết quý II, tăng trưởng GDP cả năm được dự báo ở mức trên 5%. Kịch bản 2, dự báo dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới hết quý III, tăng trưởng GDP cả năm vẫn được dự báo ở mức trên 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1. Kịch bản 3 được xây dựng với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 đạt 6,8% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bích Lâm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức lớn, rất khó đạt được. Bởi Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn (hàng năm trên 200%), chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài trong khi các nước đối tác lớn đều đang đóng cửa thương mại, biên giới để ưu tiên phòng tránh dịch bệnh nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam.
Vẫn còn những cơ hội
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV, GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho rằng, các chỉ số kinh tế của quý I/2020 so với năm trước có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì đây vẫn là kết quả tốt thể hiện sự cố gắng lớn, đáng khích lệ trong bối cảnh hiện nay. Điều quan trọng bây giờ là từ kết quả ấy chuẩn bị kế hoạch sau dịch quay lại hoạt động để bù đắp lại các thiệt hại do dịch.
GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển
“Cần chuẩn bị sẵn sàng để khi đại dịch Covid-19 qua đi thì phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh càng sớm càng tốt, đồng thời, cần tận dụng cơ hội này để đưa các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế ra thị trường thế giới sau đại dịch như: các mặt hàng thiết yếu, dụng cụ y tế…”, GS. TS. Đặng Đình Đào nêu ý kiến.
Tại buổi làm việc mới đây của Tổ công tác của Thủ tướng nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, thế giới đang có nhu cầu rất lớn về khẩu trang kháng khuẩn, trong khi năng lực của các doanh nghiệp dệt may trong nước có thể sản xuất ngay 100 triệu chiếc mỗi ngày và có thể tăng lên nữa.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng tâm lý bởi tình hình dịch bệnh, người dân có xu hướng sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến, nhiều nhà bán lẻ và đơn vị sản xuất, kinh doanh đã xem đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp kích cầu tiêu dùng và góp phần duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Cần các giải pháp hỗ trợ kịp thời hơn, mạnh mẽ hơn
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã tung gói hỗ trợ trị giá 280.000 tỷ đồng gồm: 250.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng nhằm khoanh, giãn nợ vay cho các DN chịu tác động Covid-19 và 30.000 tỷ đồng hỗ trợ giãn, hoãn nộp thuế cho DN.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng ra quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, trong đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4%/năm xuống 3,5%/năm. Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất tăng gói hỗ trợ tài khoá giãn, hoãn nộp thuế lên 80.200 tỷ đồng.
Theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, quý II/2020, tăng trưởng kinh tế của thế giới và Việt Nam sẽ chưa thể khởi sắc hay đột phá bởi dịch Covid-19 có thể vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, mục tiêu số 1 trong quý II/2020 là khống chế được dịch bệnh, đồng thời tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh.
“Để hỗ trợ các DN ổn định sản xuất, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về tiền tệ với 3 mục tiêu: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn và giảm lãi suất; giữ nguyên nhóm nợ. Điều này thể hiện sự hỗ trợ, chia sẻ nhưng cũng bày tỏ thông điệp không bao cấp cho yếu kém”, TS Ngô Trí Long nêu ý kiến.
Theo các chuyên gia kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp đồng bộ, kịp thời, nhưng việc triển khai của các bộ ngành để các chính sách đi vào thực tiễn cần nhanh chóng hơn nữa. Trong thời gian tới, cần có những giải pháp có thể triển khai được ngay, dù có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách trước mắt nhưng sẽ giúp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tác động lan tỏa tới các DN khác trong cả nền kinh tế và cùng với các dự án đầu tư công tạo nên cú hích lớn cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, từ đó, tạo nguồn thu lâu dài, bền vững hơn cho ngân sách./.