Ngày 26/7, Tổ công tác Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thông tin về tình hình sản xuất, cung ứng nông sản tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Trước dự báo lượng cây trái, gia cầm đến vụ thu hoạch đến vụ bắt đầu tăng đột biến, Bộ NN&PTNT xác định cần kết nối các đơn vị, hỗ trợ nông dân tiêu thụ gấp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tính đến ngày 25/7, có 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng kí. Trong các đầu mối đăng kí qua Tổ công tác, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhận định, sản lượng hàng hóa có thể cung cấp đến 31/7 và đang có dấu hiệu thừa nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản.
Kêu
Việc hạn chế đi lại cùng với hàng loạt chợ đầu mối, chợ dân sinh đóng cửa khiến cho nông sản ùn ứ, trong khi người dân lại gặp khó khi tiếp cận nguồn thực phẩm.
“Trước dịch, mỗi ký rau, chúng tôi bán giá khoảng 20.000 đồng, nhưng nay chúng tôi chỉ bán được bình quân 8.000 đồng/kg. Bán với giá này xem như hòa vốn nhưng nếu không bán cũng phải nhổ bỏ vì đến đợt thu hoạch mà không hái, rau sẽ bị già đi, không ai ăn nữa”, anh D. (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM) nói.
Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Chủ tịch HTX Nuôi trồng thủy sản Tương Lai (huyện Củ Chi, TPHCM), cho hay, HTX còn tồn hơn 70 tấn cá rô, cá lóc chưa có đầu ra. Trước đó, bà Lan gửi đơn tới Sở NN&PTNT TPHCM nhờ hỗ trợ đầu ra cho cá rô và cá lóc sạch đạt tiêu chuẩn VietGap. Sau đơn cầu cứu, HTX Tương Lai được cơ quan chức năng kết nối với nhiều đơn vị có nhu cầu. Tuy nhiên, HTX chỉ bán được hơn 10 tấn cá. Tương tự, hơn một tháng nay, trang trại chăn nuôi Sông Mây (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) của ông Hoàng Văn Cần tồn khoảng 120 tấn cá. “Sở Nông nghiệp cũng giới thiệu điểm bán, nhưng với lượng cá hơn trăm tấn, ao rộng cả héc-ta không thể mỗi lần đánh bắt bán vài trăm kilogram được”, ông Cần nói.
HTX Nông nghiệp dịch vụ Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, có 15 hộ trồng nhãn với 21ha. Trước dịch, nhãn được cung cấp cho các siêu thị ở TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu. Bây giờ chỉ còn một siêu thị ở TPHCM mua với hạn mức từ 500 kg đến 1 tấn/ngày, giá 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, nhãn của bà con đang chín ồ ạt, nguồn cung hơn 10 tấn mỗi ngày, không thể bán hết.
Cứu thế nào?
“Chúng tôi thấy rằng nếu có người đại diện địa phương thu mua thì sẽ dễ dàng hơn. Cụ thể, chúng tôi đang bán cá cho người dân tại phường Hiệp Thành (Q.12, TPHCM) bằng cách cho một người đại diện phường đứng ra làm đầu mối, các tổ dân phố sẽ nhận đơn hàng đăng ký của người dân rồi tập hợp lại gửi cho vị này. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ giao cá đến địa phương để đưa xuống từng đến người dân. Nếu các địa phương khác cùng thực hiện theo cách này thì vừa “giải cứu” được cá tại ao, hỗ trợ nông dân, vừa có thêm nguồn thủy sản an toàn với giá cả phải chăng”, bà Lan, Chủ tịch HTX Tương Lai, bộc bạch.
Theo thông tin từ đoàn công tác Bộ NN&PTNT, tại 19 tỉnh, thành phố hiện có một số nhà máy, cơ sở chế biến đang tạm dừng sản xuất do không đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ hoặc không đủ công nhân do phong tỏa. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đề xuất Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho công nhân làm việc tại những cơ sở này.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cho hay, Sở đã lập Tổ hỗ trợ COVID-19 để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đưa sản phẩm đến tiêu thụ trong các khu vực cách ly. Sở cũng đã làm việc với TPHCM và các địa phương khác để nối lại thị trường tiêu thụ nông sản.
Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nông sản, tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, vẫn đang gặp nhiều ách tắc.
Chờ thẻ “luồng xanh”
Hôm qua là ngày thứ 3 Sở GTVT Hà Nội thực hiện cấp thẻ “luồng xanh” cho phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông. Sau 3 ngày, hệ thống cấp thẻ tiếp nhận 30.000 hồ sơ xin cấp thẻ. Tuy nhiên, do hệ thống đường truyền từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam liên tục bị lỗi, bị “treo” dẫn đến việc cấp thẻ bị chậm. Đến cuối ngày 26/7, số lượng xe được cấp thẻ “luồng xanh” mới được khoảng 3.000 (chiếm 10%).
Giám đốc Cty Vận tải Thành Hoa (có trụ sở giao dịch tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) nói rằng, để tiếp tục duy trì nguồn hàng cho các siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Cty đã vào trang web http://luongxanh.drvn.gov.vn để đăng ký thẻ “luồng xanh” cho 40 xe tải chở hàng, nhưng đến cuối giờ chiều 26/7 (đã qua 3 ngày), chưa trường hợp nào được giải quyết.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội giải thích, từ sáng qua do số lượng hồ sơ phải giải quyết đăng ký tiếp tục tăng nên hệ thống quá tải. Trong tổng số 30.000 xe đăng ký, mới cấp thẻ “luồng xanh” cho 3.000 xe, số lượng hồ sơ bị từ chối (do không điền đầy đủ thông tin) là 7.000 xe. Số hồ sơ đăng ký chờ được giải quyết là 20.000 xe.
Ngày 26/7, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết, trước tình trạng đường truyền bị chậm, Sở GTVT đã có văn bản hỏa tốc gửi Tổng cục Đường bộ đề nghị hỗ trợ xử lý. Tuy nhiên, tình trạng đường truyền không được cải thiện mà mạng còn bị sập ngày 26/7. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết, Tổng cục đã tăng cường đội ngũ nhân viên kỹ thuật hỗ trợ. Với nhà cung cấp dịch vụ, công nghệ, Tổng cục yêu cầu có giải pháp nâng cao chất lượng đường truyền.
Theo các chuyên gia, để khắc phục tình trạng ùn tắc trong cấp giấy phép nhận diện “luồng xanh” có mã QR và việc xếp hàng ở các chốt không lập lại, đã đến lúc chính quyền các địa phương cần thông báo sớm việc áp dụng Chỉ thị 16 để doanh nghiệp, tài xế có thời gian chuẩn bị, điều chỉnh lộ trình. Ngoài ra, cũng cần xem xét lại cơ chế, quy định để đồng nhất giữa các tỉnh, thành phố để tránh hiện tượng doanh nghiệp, tài xế bị “hành” xét nghiệm COVID-19.