Sáng 24/8, Hội thảo Giới thiệu tài liệu thảo luận chính sách của IPP2 "Cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo" đã diễn ra tại Hà Nội. IPP2 viết tắt của Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (Giai đoạn 2), thuộc Chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) được đồng tài trợ bởi chính phủ Việt Nam và chính phủ Phần Lan.
Vì sao Chính phủ cần hỗ trợ tài chính cho startup?
Bà Phan Hoàng Lan, Trưởng nhóm nghiên cứu điển hình về IPP2 cho biết, vai trò của startup đối với nền kinh tế là đáng kể và Chính phủ các nước muốn hỗ trợ lực lượng này. Tại Mỹ, các công ty lớn không những không tạo thêm việc làm mới mà còn tiến hành sa thải nhân viên và startup nổi lên như một lực lượng tạo ra nhiều việc làm.
Trong trường hợp startup thất bại, những nhân sự tại đây hoàn toàn có thể chuyển sang làm việc tại tập đoàn lớn với những kỹ năng họ tích lũy được khi còn là startup. Bên cạnh đó, startup lại có tính sáng tạo cao, tạo ra ngành nghề mới giúp giúp phát triển kinh tế.
Đối với Việt Nam, Chính phủ là nhân tố hỗ trợ quan trọng trong bối cảnh chưa có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. Nghiên cứu cho thấy, giai đoạn đầu của các startup Việt Nam diễn ra rất dài với sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè. Tốc độ phát triển của startup Việt mới chỉ ở mức "tà tà" nếu so với startup thế giới. Startup rất cần được hỗ trợ thêm tiền để tránh rơi vào "thung lũng chết" trong quá trình mở rộng thị trường và doanh thu chưa đủ lớn để tồn tại. Do đó, nguồn vốn từ Chính phủ là cần thiết đối với startup.
"Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi khá bất ngờ khi nhận được câu trả lời phỏng vấn của startup. Có bạn cho biết rằng, họ chưa bao giờ tiếp cận được nguồn tài chính từ Nhà nước nhanh và minh bạch như vậy. Điều đó cho thấy IPP2 đã được tối ưu" – bà Phan Hoàng Lan nói.
Thực tế, để nhận được tài trợ, các startup đều phải trải qua các vòng xét tuyển. Những startup không phù hợp với tiêu chí đều bị loại. Sau khi được chọn, nhân sự của startup sẽ được học về cách tiêu số tiền được nhận. Việc hỗ trợ về kỹ thuật bên cạnh một khoản tiền trong giai đoạn đầu giúp startup có kinh nghiệm khi gọi vốn ở thị trường quốc tế.
Nếu startup không trả được tiền vay, Chính phủ coi đây là tiền tài trợ
Có tới 80-90% startup sẽ thất bại ngay trong năm đầu. Số startup sống được đến ngày sinh nhật lần thứ hai và ba là rất nhỏ. Do đó, nhiều lo ngại rằng nguồn vốn của Chính phủ sẽ bị hao hụt và khó thuyết phục người làm chính sách cấp thêm tiền.
"Đã có người đặt câu hỏi rằng nếu startup vay tiền rồi không trả được thì sao. Tất nhiên phải chấp nhận khoản cho vay mà không trả được. Ở nhiều nước, Chính phủ chuyển nó thành tiền tài trợ. Thứ hai, chẳng ai có thể khẳng định là mô hình nào sẽ thành công. Vì vậy, mỗi lần khởi nghiệp thất bại sẽ được tính là 1 điểm, coi đây như kinh nghiệm của các bạn để Chính phủ tiến hành cho vay" – bà Phan Hoàng Lan, Trưởng nhóm nghiên cứu điển hình về IPP2 cho biết.
Song song với việc trực tiếp hỗ trợ tài chính cho startup, Nhà nước cũng cần thiết lập các mô hình hỗ trợ vốn khác, như: mô hình nhà đầu tư thiên thần (venture capital – VC), mô hình sàn giao dịch cộng đồng, sàn IPO cho startup, mô hình kết hợp giữa tài trợ và cho vay,…
Theo ông Jouko Ahvenainen, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch GrowVC Group, Việt Nam có thể học hỏi nhiều mô hình và cơ chế trên thế giới như mô hình của Phần Lan, Anh hay Israel. Chính phủ Việt Nam có thể xây dựng mô hình mới dựa trên sự biến đổi từ các mô hình trên để có hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp.
"Như tôi đã trình bày nhiều lần, để gọi được vốn thì còn cần rất nhiều yếu tố chứ không chỉ là các nhà đầu tư, quy mô, nguồn lực con người hay chính sách của Chính phủ. Tôi nghĩ rằng, phát triển hệ sinh thái là một ý tưởng hay để kêu gọi vốn. Các bạn startup muốn thu hút vốn đầu tư thì cũng phải chứng tỏ cho nhà đầu tư thấy tiềm năng. Tức là startup phải chủ động để làm cho mình hập dẫn trong mắt nhà đầu tư" – ông Jouko Ahvenainen nói.