Đầu nhiệm kỳ 2016-2020, thu chi ngân sách, nợ công trong tình thế "căng như dây đàn". Sau 5 năm ứng phó linh hoạt, tình hình đã khác trước nhiều.
Thu 6,89 triệu tỷ; chi 7,66 triệu tỷ đồng
Chính phủ vừa trình Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Tính chung giai đoạn 5 năm 2016-2020, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (100,4%); tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 7,66 triệu tỷ đồng.
Tỷ trọng chi ngân sách nhà nước bình quân khoảng 28,8% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP). Cơ cấu chi NSNN tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 đạt trên 30% (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên khoảng 63% tổng chi ngân sách nhà nước (mục tiêu là dưới 64%).
Thu chi ngân sách luôn là vấn đề "đau đầu" ở Việt Nam. |
Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi ngân sách nhà nước bình quân khoảng 3,45% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội.
Đánh giá tình hình nợ công, báo cáo của Chính phủ cho thấy nhiều tín hiệu sáng sủa hơn.
Cụ thể, đến hết ngày 31/12/2020, dư nợ công bằng khoảng 55,3%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 49,1%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,3%GDP, thấp hơn trần quy định tại Nghị quyết số 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (tương ứng là 65%GDP, 54%GDP và 50%GDP).
Nhìn lại chặng đường điều hành tài chính ngân sách thời gian qua và nhìn con số của năm 2020, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, từng bộc bạch: “Đến giờ thở phào nhẹ nhõm”. “Còn vài ngày nữa hết năm 2020 - một năm đầy chông gai, nhưng ngành tài chính cảm thấy đáng tự hào. Nhìn lại năm 2016, ngân sách khá hơn, năm 2019 là đỉnh cao, tưởng chừng năm nay tình hình sẽ như 2019 để chúng ta phát triển. Nhưng năm 2020 nhiều biến động như vậy, chúng ta phấn đấu được mức này quả thực là tốt”, ông Đinh Tiến Dũng chia sẻ khi gặp mặt báo chí cuối năm 2020. |
Cập nhật tiến độ thu ngân sách hai tháng đầu năm 2021, báo cáo của Chính phủ cho thấy đây vẫn là nỗi lo lớn trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 2 tháng ước đạt 286,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán, tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 đạt 18,3% dự toán, tăng 9,3%).
Trong điều kiện diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở một số địa phương còn hết sức phức tạp, việc duy trì được tiến độ thu đạt khá cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế và khả năng thích ứng của doanh nghiệp đã được cải thiện; đồng thời, khẳng định tính hiệu quả các giải pháp của Chính phủ để thực hiện mục tiêu kép - “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân”.
“Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát thì sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách trong những tháng tới”, Chính phủ lưu ý.
Tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Trong năm 2020, thông qua chính sách tài chính - ngân sách nhà nước đã xử lý hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân 128,33 nghìn tỷ đồng để ứng phó với đại dịch Covid-19.
Trong đó: miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí 111,5 nghìn tỷ đồng; chi ra từ ngân sách nhà nước 16,83 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, còn đảm bảo đủ nguồn đáp ứng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vừa tăng trưởng kinh tế, vừa phòng dịch là mục tiêu kép của Chính phủ. Ảnh: Lương Bằng |
Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, phụ thuộc lớn vào hiệu lực của vắc-xin và khả năng phổ cập vắc xin. Có những đánh giá, dự báo cho rằng phải năm 2022 mới cơ bản chấm dứt được dịch bệnh. Hiện nhiều nước vẫn tiếp tục áp dụng những gói hỗ trợ lớn cho nền kinh tế.
Trong nước, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn vẫn là những khó khăn hiện hữu ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng dịp Tết vừa qua cho thấy tiềm ẩn nguy cơ lớn về lây nhiễm trong cộng đồng nếu như chủ quan, mất cảnh giác. Việc tiếp cận các nguồn cung vắc-xin phòng Covid-19 trên thế giới, cũng như phát triển vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam còn rất khó khăn; việc tổ chức tiêm chủng phải theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với điều kiện thực tế.
Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ cho rằng việc tiếp tục thực hiện các giải pháp kinh tế, tiền tệ và tài chính - NSNN để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh là rất cần thiết.
Với quan điểm đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các chính sách, biện pháp hỗ trợ hiện tại; nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ mới giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, trình cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện.
Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ về tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trong đó dự kiến gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng; gia hạn 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 của doanh nghiệp; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu của năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân.
"Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, giảm mức thu các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh", Chính phủ nêu định hướng.
Lương Bằng