Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước nhấn mạnh ĐBSCL có nhiều tài sản du lịch quý giá, cả về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực... Tuy nhiên, đứng trước nhiều mối nguy, trong đó có biến đổi khí hậu, ĐBSCL cần đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để thích ứng và phát triển ngành du lịch.
Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)Ảnh: NGỌC TRINH
Thạc sĩ Nguyễn Thiên Hữu, chuyên gia về phát triển bền vững cho ĐBSCL, cho rằng thách thức của ĐBSCL hiện nay là ô nhiễm sông ngòi. Có thể nói hiện nay, phần lớn diện tích nước tại các con sông ở ĐBSCL không còn như xưa. Lý do là vì lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu mà nông dân sử dụng một cách vô tội vạ chảy ra sông. Ngoài ra, việc đê bao khép kín, ngăn mặn, thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông khiến nguồn nước không chảy được nữa cũng là nguyên nhân khiến ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. "Văn hóa sông nước đã bị bào mòn nên giờ không thấy hình ảnh bơi lội dưới sông, chợ nổi thì đang "chìm" dần. Ở Thái Lan là chợ nổi giả, còn ở ĐBSCL là chợ nổi thiệt nhưng đang "chìm" dần thì thật đáng buồn" - ông Thiện nói.
Diễn giả John Lindquist (chuyên gia du lịch toàn cầu và cố vấn cấp cao của BCG) giới thiệu một số mô hình phù hợp của các dự án tương thích với ĐBSCL đã thành công trên thế giới như: Hệ thống du lịch kênh đào ở Hà Lan; hệ thống du lịch đồng bằng sông Mississippi của Mỹ với điểm đến nổi bật là TP New Orleans; tuyến du lịch đồng bằng sông Nile ở Ai Cập; chợ nổi Thái Lan và nhiều ví dụ khác… có thể áp dụng hiệu quả cho ĐBSCL.