Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói sẽ cắt giảm 66% trong số 570 điều kiện kinh doanh, nhưng chỉ cần giảm được 50% là tốt lắm rồi.
Đó là thông tin từ phát biểu của ông Nguyễn văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về danh mục rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Hội thảo do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 26/3.
Phát biểu khai mạc, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định, hiện có nhiều điều kiện kinh doanh đang can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Song, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải cũng đã cầu thị, lắng nghe ý kiến của VCCI, các hiệp hội và doanh nghiệp trong lĩnh vực này, có những động thái không ồn ào nhưng rất tích cực.
Khẳng định sự cầu thị của cơ quan quản lý nhà nước, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ cho biết, vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan và ngay trong Bộ này về điều kiện kinh doanh. Theo bà Nga thì có nhiều điều kiện kinh doanh không thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải, mà thuộc các bộ khác. "Chẳng hạn đồng hồ taxi thì thuộc Bộ Khoa học và công nghệ, tần số thì thuộc Bộ Thông tin và truyền thông. Bộ Giao thông vận tải sẽ lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, chuyên gia và có ý kiến với các bộ liên quan", bà Nga phát biểu.
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Phan Đức Hiếu khuyến nghị Bộ giao thông vận tải nên mạnh dạn bỏ hẳn các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Bởi nếu căn cứ vào một số phương án của Bộ thì nhiều điều kiện kinh doanh chỉ là "chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác".
Vị Viện phó CIEM cũng nhấn mạnh không chỉ riêng Bộ Giao thông vận tải, mà các bộ đều cắt giảm điều kiện kinh doanh theo kiểu cơ học, thiếu chủ thuyết.
Vẫn theo ông Thanh, Bộ trưởng nói Bộ đặt mục tiêu cắt giảm 66% trong số 570 điều kiện kinh doanh, nhưng ông cho rằng chỉ cần cắt giảm được 50% là tốt lắm rồi. Vì, có những điều kiện đưa ra không thực thi được, đưa ra chỉ để đưa ra, chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan kiểm tra khi xử lý các doanh nghiệp.
Quan điểm chung là làm sao các nghị định tới đây phải kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển, xóa bỏ triệt để cơ chế xin - cho, tất cả điều kiện nào có thể hậu kiểm được thì chuyển hậu kiểm, nếu tất cả hậu kiểm càng tốt, tránh tiền kiểm, ông Thanh góp ý.
Vị Chủ tịch Hiệp hội phản ánh, có những doanh nghiệp bỏ ra 130 tỷ mua ôtô nhưng rồi đắp chiếu để chờ các thủ tục chấp thuận cho vào tuyến của cơ quan nhà nước. Rồi với xe hợp đồng thì có những quy định yêu cầu trước khi thực hiện phải tích hợp số liệu, gửi về cho các sở giao thông vận tải.
"Xin thưa với các anh, các doanh nghiệp không thực hiện được hoặc thực hiện hết sức đối phó. Cơ quan nhà nước địa phương có tiếp nhận cũng để đó thôi,", ông Thanh nhận xét.
Bên cạnh vấn đề nêu trên, cũng như một số hội thảo cùng chủ đề trước đây, quản lý Uber, Grab cũng là nội dung được đề cập khá nhiều.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng phải có cái nhìn cởi mở, tiếp nhận các tiến bộ của khoa học công nghệ trong kinh doanh, mà cụ thể ở đây là Uber, Grab.
Ông Long nhìn nhận, đến nay vẫn có những tranh cãi về Uber, Grab là loại hình gì và có những định nghĩa không chuẩn.
Thế giới coi dịch vụ của Uber là một loại dịch vụ trong lĩnh vực vận tải, chứ không phải là một "phương thức kinh doanh vận tải" như vận tải bằng taxi, vận tải hợp đồng ở Việt Nam. Trên thực tế, xét về vai trò của dịch vụ Grab/Uber trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải ở Việt Nam thì gọi tên dịch vụ này là "dịch vụ kết nối vận tải" là phù hợp nhất. Dịch vụ này có thể kết nối cho cả xe hợp đồng, cả xe taxi cũng như vận tải hàng hóa, ông Long nêu quan điểm.
Trước ý kiến nhiều đại diện hiệp hội taxi đề cập đến việc Uber, Grab tăng giá không theo quy định, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng không thể lấy cái quy định của taxi truyền thống để áp đặt. Bởi cơ chế điều hành giá của Uber, Grab là định giá động theo cung, cầu. Nếu cung lớn thì giá giảm, nếu cầu lớn thì giá tăng.