Đưa ra lời khuyên cho tình trạng thiếu điện có thể xảy ra trong tương lai khi đà tăng trưởng tiếp tục duy trì tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick cho biết: Việt Nam trong tương lai sẽ có thêm nhiều nguồn điện khác nhau, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo. Ngành điện có nhiều phân ngành: ngành phát điện, truyền tải điện và phân phối điện. Việt Nam có thể để tư nhân tham gia phát điện nối lưới, vốn tư nhân cần được huy động nhiều hơn nhiều hơn vào ngành điện.
Rõ ràng, truyền tải và phân phối điện thì sẽ là vai trò của nhà nước. Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào truyền tải và phân phối từ nguồn vốn chính phủ, cho dù vốn đó là từ nguồn nào: ODA, phát hành trái phiếu,...
Ông Eric cũng cho rằng đó cũng là điểm nhấn để Việt Nam phải nhận thức được: Vai trò ODA ở Việt Nam phải như thế nào khi chi phí vốn ngày càng cao vì Việt Nam đã không còn ở trong diện ưu đãi của các tổ chức cho vay vốn lớn trên thế giới.
"ODA sẽ không nhiều như trước, nhưng phải làm vốn mồi để thu hút vốn ở khu vực tư nhân" - ông Eric cho biết.
Trả lời câu hỏi tác động của việc tăng giá điện và giá xăng liên tiếp đến nền kinh tế, Giám đốc ADB Việt Nam cho biết: giá điện và giá xăng dầu cần được điều chỉnh thường xuyên để làm giảm tác động tiêu cực đến ngân sách chính phủ. Tất nhiên sẽ có tác động đến giá cả của các loại hàng khác, nhưng tác động này là không lớn. Tác động ở vòng hai, tức là tác động đến các ngành công nghiệp khác mới là cái cần phải theo dõi kỹ lưỡng hơn vì điện và xăng dầu là đầu vào quan trọng của ngành sản xuất.
Lạm phát 2019 được dự báo là ổn định nhưng sẽ tăng trong 2020 nếu như tác động đến các ngành công nghiệp sản xuất sử dụng đầu vào xăng dầu và điện bị ảnh hưởng nhiều. Đây không phải là mức tăng quá mạnh và sự tăng giá ở đây là cần thiết.
"Nếu không tăng giá thì chính phủ sẽ phải trợ giá điện, kiểu gì cũng có chi phí, chỉ là chính phủ là người chịu hay người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ chịu giá đó mà thôi" - ông Eric khẳng định.