Năm 2018 vừa qua đi, bà đánh giá thế nào về thị trường bất động sản Việt Nam?
2018 nói chung là một năm khá tích cực với nền kinh tế của Việt Nam nói chung. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao nhất trong 10 năm. Lạm phát bình quân duy trì ở mức 3,6%, lượng vốn đầu tư FDI tiếp tục tăng cao, đặc biệt có xu hướng tăng vào lĩnh vực bất động sản. Những yếu tố này góp phần là động lực dẫn dắt tăng trưởng thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam năm 2018 trong tất cả các ngành BĐS, bao gồm, nhà ở, thương mại và khu công nghiệp.
Bất động sản khu công nghiệp đang ngày càng thu hút được nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt từ nước ngoài, góp phần làm tăng nhu cầu tìm kiếm mặt bằng.
Nguồn vốn FDI vào BĐS tăng đáng kể cũng là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường BĐS trong năm 2018.
Cụ thể, về lĩnh vực nhà ở, các chủ đầu tư vẫn tiếp tục tung ra thị trường các sản phẩm nhà ở đa dạng và quy mô lớn. Đặc biệt, tại TP.HCM, nhiều dự án BĐS nhà ở cao cấp mở bán đã chứng kiến tốc độ bán hàng hết sức khả quan.
Đáng chú ý, tốc độ bán hàng cho người mua nước ngoài cho thấy sự quan tâm của người nước ngoài tới thị trường nhà ở tại Việt Nam đã và đang gia tăng nhanh chóng. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ bán được các dự án chung cư mới ước đạt 65 – 80% trong 9 tháng đầu năm 2018.
Về hạng mục thương mại, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy vẫn đạt mức khá tốt trong 9 tháng 2018, đặc biệt là khu vực trung tâm với mức giá thuê cao trong khi tỷ lệ trống lại rất thấp.
Riêng hạng mục văn phòng tại TP.HCM là điểm nhấn của thị trường văn phòng trong khu vực, khi giá chào thuê ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 10% theo năm cho văn phòng hạng A, tiếp tục thúc đẩy như cầu đầu tư vào thị trường văn phòng vào thanh phố này.
Có một điều đáng chú ý đối với thị trường BĐS trong năm qua là những năm trước đây, lĩnh vực bất động sản luôn chỉ đứng thứ ba, thứ tư về thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2018, bất động sản luôn chiếm vị trị thứ hai trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Vì sao bất động sản lại có được sức hút này?
Tháng 3 năm 2018, 11 nước thành viên đã ký kết hiệp định CPTPP mới, gây ảnh hưởng tới 13,5% GDP toàn cầu. Đối với Việt Nam nói riêng, việc này gây ảnh hưởng tích cực lên các ngành sản xuất như thủy hải sản, may mặc, lắp ráp điện tử, logistic.
Với cơ hội mở rộng thị trường, vốn FDI liên tục tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực BĐS do nhu cầu xây mới hoặc thuê khu công nghiệp phục vụ xuất khẩu và sản xuất nhằm đón đầu thị trường khi CPTPP bắt đầu có hiệu lực cuối tháng 12 năm 2018.
Với cơ chế mở cửa thị trường, Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là từ các nước thành viên CPTPP. Đi kèm với nhu cầu tăng trưởng sản xuất, nhu cầu về các dịch vụ đi kèm, nhà ở, văn phòng và nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ đi lên.
Tính đến hết 11 tháng 2018, tổng vốn FDI đăng ký vào ngành kinh doanh BĐS đạt 6,59 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư, chỉ đứng sau công nghiệp chế biến chế tạo (46,3%). Trong đó, các nước trong khu vực, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong đầu tư FDI.
Các dự án tiêu biểu đầu tư FDI có thể kể đến, như: Thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội (4,14 tỷ USD) do Sumitomo Corporation (Nhật) đầu tư; Dự án Laguna tại Huế điều chỉnh tăng vốn 1,12 tỷ USD từ nhà đầu tư Singapore; Nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng tại Vũng Tàu (1,2 tỷ USD) do Hyosung Corporation (Hàn Quốc) đầu tư.
Đặc biệt, cùng với sự phát triển đầu tư cho cơ sở hạ tầng, góp phần đáng kể tăng kết nối giữa các khu vực/thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án BĐS.
Hiện nhiều nước đang bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước, cộng với các cuộc chiến tranh thương mại. Việc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng trong năm 2019?
Trước đây, khi Trung Quốc được coi là “nhà xưởng” của thế giới, với chi phí nhân công thấp và nguồn nhân lực dồi dào. Nay, khi Trung Quốc đang chuyển mình, cạnh tranh trực tiếp với các cường quốc phát triển như Mỹ, các chi phí này ngày càng tăng.
Với việc CPTPP đã có hiệu lực, chính sách mở cửa và việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như một lời mời của Việt Nam tới các “ông lớn” trong các ngành công nghệ và sản xuất trên thế giới, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong năm 2019, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đà sôi động của năm 2018, với vốn FDI tiếp tục đầu tư vào các ngành bán lẻ, văn phòng và dịch vụ.
Việc các bất ổn thương mại đang diễn ra giữa các cường quốc có thể sẽ khiến các doanh nghiệp cân nhắc việc di chuyển các cơ sở sản xuất tới các địa điểm ít bất ổn và rủi ro hơn, trong đó có Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam cũng đã và đang sẵn có nhiều lợi thế cạnh tranh, bao gồm: chi phí thấp, hạ tầng đang được hoàn thiện, thị trường có quy mô phù hợp, nhân công giá rẻ và sẵn có v.v., để trở thành một điểm đến hấp dẫn mới trong tương lai gần.
Vậy từ những diễn biến trên, bà dự báo thế nào về sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2019?
Triển vọng kinh tế 2019 nói chung được dự báo tiếp tục khả quan nhưng sẽ chịu tác động nhiều yếu tố bên ngoài như chiến tranh thương mại, áp lực tăng lãi suất…, thị trường BĐS nói chung sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ các yếu tố này.
Về BĐS nhà ở, các dự án BĐS có quy mô đặc biệt là nhà ở gắn liền với đất sẽ tiếp tục mở rộng ra ngoài khu trung tâm với cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện và quỹ đất còn nhiều.
Như vậy, các dự án thuộc phân khúc cao cấp có vị trí tốt, từ chủ đầu tư uy tín và có thiết kế hợp lý, đầy đủ tiện nghi tiện ích chắc chắn vẫn sẽ hấp dẫn người mua và đầu tư.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!