Theo mô hình tổ chức bộ máy cũ thì giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm đại tá, trừ Hà Nội và Tp.HCM, nhưng tới đây số tướng ở tỉnh có thể sẽ nhiều hơn.
Chiều 6/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Khi thảo luận tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, tranh luận nhiều chiều nhất vẫn là quy định về cấp tướng trong lực lượng công an.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cho biết, về vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng ở các đơn vị thuộc Bộ, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể vị trí cấp tướng như Luật Công an nhân dân hiện hành đã được Bộ Chính trị chỉ đạo khi xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2014. Đồng thời, thống nhất và tương đương với quy định về sĩ quan cấp tướng trong Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, thuận tiện kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể tiêu chí chức vụ cục trưởng và tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, số lượng vị trí có cấp bậc cấp hàm tướng.
Theo báo cáo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thứ 26 theo hướng quy định cụ thể các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí đã được xác định. Quá trình tiếp thu ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội về nội dung này còn có ý kiến khác nhau về việc quy định cụ thể hay chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí và số lượng vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh tổ chức, bộ máy của công an nhân dân cần có thời gian kiểm nghiệm, đánh giá và có thể tiếp tục điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Về nguyên tắc, luật này càng cụ thể thì càng dễ thực hiện, tuy nhiên, đối với vấn đề này cần cân nhắc để phù hợp với thực tế.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng đối với các đơn vị thuộc Bộ; cấp bậc hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh; quy định số lượng vị trí của từng cấp bậc hàm cấp tướng và giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm trung tướng, thiếu tướng.
Về cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc công an tỉnh, thành phố, thảo luận tại kỳ họp trước, một số ý kiến đề nghị tất cả giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng để phù hợp với vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quy mô tổ chức của công an cấp tỉnh, công tác quy hoạch trong công an nhân dân.
Tuy nhiên, một số vị đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với giám đốc công an cấp tỉnh, thành phố là đại tá, bảo đảm tương đương với quân hàm của chỉ huy quân sự địa phương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định giám đốc công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức công an nhân dân theo hướng "bộ tinh, tỉnh mạnh".
Trước đây, theo mô hình tổ chức bộ máy cũ thì giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm đại tá (trừ giám đốc Công an Hà Nội và Tp.HCM), tương đương với cơ quan quân sự cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay bộ máy của Công an tỉnh được tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng thẩm quyền và thực hiện phân cấp mạnh xuống công an cấp tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quy định số lượng và tiêu chí xác định vị trí giám đốc công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng để bảo đảm chặt chẽ và giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào tiêu chí để quy định cụ thể.
Điều 25. Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân
1. Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan được quy định như sau:
a) Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an;
b) Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an. Số lượng không quá 06;
c) Trung tướng:
Cục trưởng và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an có chức năng, nhiệm vụ, tổ chức không thay đổi hoặc thay đổi theo hướng quy mô lớn hơn kể từ ngày 06 tháng 8 năm 2018; có chức năng tham mưu chiến lược, đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; có hệ lực lượng theo ngành dọc, quy mô hoạt động toàn quốc, trực tiếp chiến đấu, chủ trì phối hợp hoặc tham gia phối hợp thực hiện chức năng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; có chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ toàn lực lượng. Số lượng không quá 32;
Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương;
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh;
d) Thiếu tướng:
Cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương, trừ quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; Phó Cục trưởng và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Số lượng không quá 139;
Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, trừ quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Số lượng không quá 11;
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương. Số lượng không quá 03;
Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị không quá 03;
đ) Đại tá:
Giám đốc Công an tỉnh, trừ quy định tại điểm c và điểm d khoản này; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ; Hiệu trưởng các trường trung cấp;
e) Thượng tá: Trưởng phòng và tương đương; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Trung đoàn trưởng;
g) Trung tá: Đội trưởng và tương đương; Trưởng Công an xã, phường, thị trấn; Tiểu đoàn trưởng;
h) Thiếu tá: Đại đội trưởng;
i) Đại úy: Trung đội trưởng;
k) Thượng úy: Tiểu đội trưởng.
2. Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái là Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; sĩ quan Công an nhân dân biệt phái là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng; sĩ quan Công an nhân dân biệt phái có chức vụ cao hơn được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
3. Căn cứ quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng.
4. Trưởng phòng và tương đương ở các đơn vị thuộc cơ quan Bộ có chức năng tham mưu, nghiên cứu, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ toàn lực lượng; Trưởng phòng tham mưu, nghiệp vụ, trưởng Công an quận thuộc Công an thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất cao hơn một bậc quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.
5. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cấp bậc hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy của sĩ quan giữ chức vụ, chức danh còn lại trong Công an nhân dân.
(Nguồn: dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu)