Bên lề Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, phiên thảo luận "Khơi thông dòng vốn trung dài hạn cho phát triển kinh tế -xã hội", ông Andy Ho -Trưởng bộ phận Đầu tư, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital - VietNam Opportunity Fund đã chỉ ra các điểm vướng mắc trong quá trình triển khai Quỹ hưu trí đồng thời đưa ra các giải pháp để khơi thông dòng vốn vào quỹ này trong thời gian tới.
Ông có thể cho biết tại sao việc triển khai quỹ hưu trí hiện nay gặp rất nhiều rào cản?
Ông Andy Ho: Quỹ hưu trí đóng vai trò rất quan trọng cho sự ổn định của thị trường vốn tại các thị trường đang phát triển và phát triển. Cụ thể, các doanh nghiệp ngoài chương trình ESOP có thể bổ sung thêm chương trình quỹ hưu trí tự nguyện để khuyến khích nhân viên gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc đóng đủ bảo hiểm xã hội trước khi doanh nghiệp tham gia vào quỹ hưu trí tự nguyện để "giữ chân" những người lao động có thành tích tốt.
Có 3 yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của quỹ hưu trí. Thứ nhất là công ty quản lý quỹ lập quỹ hưu trí tự nguyện, thứ hai là nhà nước bảo vệ và tạo ra chế độ hấp dẫn thông qua việc ban hành các chính sách thuế phù hợp, thứ ba là thị trường có các sản phẩm đầu tư hấp dẫn để quỹ lựa chọn đầu tư. Điều này giống như kiềng ba chân, người lao động cảm thấy doanh nghiệp có chế độ phúc lợi tốt sẽ đóng góp nhiều hơn cho công ty, nhà nước tạo điều kiện cho các công ty quản lý quỹ thành lập các quỹ hưu trí tự nguyện an toàn, từ đó doanh nghiệp sẽ có cơ sở để sẵn sàng tham gia vào các quỹ hưu trí tự nguyện này.
Doanh nghiệp có thể hợp tác với một ngân hàng giám sát và chọn công ty quản lý quỹ (như VinaCapital là một ví dụ) để quản lý số tiền đó. VinaCapital sẽ quyết định đầu tư vào những tài sản phù hợp như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, hoặc cổ phiếu.
Tuy nhiên việc triển khai mô hình này tại Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản, theo tôi do quy định pháp luật hiện hành còn một số hạn chế, cần có sự thúc đẩy từ việc cải cách chính sách thuế phù hợp để tạo sự hấp dẫn.
Ông có thể nói rõ hơn về các giải pháp phát triển vào quỹ hưu trí?
Hiện nay theo Nghị định 146/2017, nếu doanh nghiệp chi dưới 3 triệu đồng/người/tháng để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động thì khoản chi này sẽ được tính vào chi phí được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, còn phần chi vượt sẽ không được tính.
Tương tự, nếu người lao động đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện dưới 1 triệu đồng/tháng thì mức đóng góp này không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Tôi đề xuất có thể nâng mức đóng góp được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp lên mức 4 triệu đồng/ người/ tháng, đồng thời nâng mức đóng góp của người lao động không chịu thuế thu nhập cá nhân lên mức 4 triệu đồng/người/ tháng. Như vậy, người lao động có thể tiết kiệm nhiều nhất 8 triệu đồng/tháng trong quỹ hưu trí, không tính thuế, để bảo đảm tương lai cho bản thân và gia đình. Điều này sẽ tạo ra sự hấp dẫn cho bản thân doanh nghiệp và người lao động tham gia vào quỹ hưu trí tự nguyện.
Theo quy định hiện tại, người lao động khó có thể rút được khoản tiền đã tích lũy nhiều năm tại quỹ hưu trí trước khi đến tuổi về hưu. Trong khi đó, tại một số quốc gia khác, người lao động được tạo điều kiện để có thể rút tiền ra hoặc dùng quỹ hưu trí làm tài sản thế chấp để vay trên tài sản đó trong một số trường hợp cần thiết như vay mua căn nhà đầu tiên để ở hoặc tài trợ cho dịch vụ y tế khi bệnh tật. Tuy mục đích của quỹ hưu trí là muốn người lao động tích lũy một nguồn thặng dư khi về hưu nhưng việc cho phép họ được rút ra một phần hoặc sử dụng quỹ hưu trí làm tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay ngân hàng sẽ nâng cao tính linh hoạt của quỹ.
Đối với các loại tài sản mà quỹ được phép đầu tư, phần lớn quỹ hưu trí đầu tư trên 50% danh mục vào trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, để đạt được mức lợi nhuận mong muốn cao hơn, có thể cho phép quỹ nâng tỷ lệ đầu tư vào các tài sản có mức độ rủi ro cao hơn nhưng đem lại lợi nhuận cao hơn như cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.
Liên quan đến nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân khi rút tiền một lần từ quỹ hưu trí khi về hưu, tôi thấy rằng khi đóng góp vào quỹ hưu trí, mức đóng góp được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thấp, tuy nhiên vào thời điểm về hưu, nếu người tham gia quỹ hưu trí rút tiền một lần thì phải chịu mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân là 10%, điều này sẽ tạo sự e ngại cho người tham gia. Tôi đề xuất việc xem xét cho người tham gia quỹ được miễn thuế đối với khoản rút ra có giá trị bằng hoặc thấp hơn 50% toàn bộ khoản tiền sẽ được nhận và phần còn lại sẽ áp dụng mức thuế suất 10% hoặc thấp hơn.
Ngoài ra, các công ty quản lý quỹ cần tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, giúp người dân hiểu được sự an toàn, mục tiêu của quỹ hưu trí tự nguyện, tạo ra kênh phân phối rõ ràng...
Các chuyên gia hiện nay cho rằng có sự mất cân bằng giữa ngân hàng và thị trường chứng khoán, cần có giải pháp để chuyển dịch tiền tiết kiệm của người dân sang trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu. Tuy nhiên hiện nay người dân không có nhiều thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, còn TTCK lại giống như một sòng bạc, ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cho rằng việc người dân vẫn ưa chuộng kênh tiết kiệm ngân hàng là đúng, với tiêu chí an toàn. Vấn đề là chúng ta không yêu cầu người dân có 100 USD tiền tiết kiệm thì đầu tư cả 100 USD vào chứng khoán, mà họ vẫn tiếp tục gửi tiết kiệm tại ngân hàng nhưng có thể trích ra một phần (ví dụ 2-3 USD) để mua chứng chỉ quỹ, mua cổ phiếu, trái phiếu để đa dạng hóa tài sản.
Về mức độ lời lãi, hiện nay gửi tiết kiệm tại ngân hàng đang có mức lãi suất khoảng 6-8%/năm, nếu lựa chọn các kênh đầu tư khác có tốt hơn không? Theo dõi trong 5 năm vừa qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng bình quân 13-14%/năm cao hơn mức lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng. Nếu mua chứng chỉ quỹ đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể hưởng mức lợi nhuận 9-11%, cao hơn gửi tiết kiệm và quan trọng là nếu người dân muốn rút trước hạn sẽ không bị mất tiền lãi. Ví dụ nếu mua trái phiếu có thời hạn 5 năm, hàng năm nhà đầu tư vẫn nhận được tiền coupon, đến năm thứ ba tích lũy trong giá, nếu lãi suất đi xuống giá trái phiếu sẽ càng cao và bán ra có lời hơn.
Người dân có thể ủy thác cho các quỹ đầu tư chuyên nghiệp để đầu tư hoặc tự mình mua các chứng chỉ quỹ. Chúng tôi không khuyến khích người dân rút hết tiền gửi ngân hàng mà nên chuyển từ từ một phần qua các kênh đầu tư khác, qua nhiều năm họ sẽ có niềm tin hơn vào các kênh đầu tư này.
Tuy nhiên một khảo sát cho thấy trong năm qua hầu hết các quỹ đầu tư đều thua Vn-Index, mà họ đều là các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào và kỳ vọng của ông vào TTCK Việt Nam thời gian tới như thế nào?
Trong 12 tháng vừa qua, nhiều quỹ đầu tư đã tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng của VN-Index, lý do là bởi vì các quỹ này lựa chọn không đầu tư vào các cổ phiếu được cho là đang được giao dịch cao hơn so với giá trị thực và tiềm năng tăng trưởng của các cổ phiếu này. Các cổ phiếu như vậy chiếm tỷ trọng khá lớn trong VN-Index.
Khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ ETF hoặc quỹ thụ động, sẽ gián tiếp đầu tư vào những cổ phiếu trên, kết quả là làm gia tăng giá trị của VN-Index. Ngoài ra, do hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ ETF hoặc quỹ thụ động nước ngoài ít có cơ hội để mua được cổ phiếu của các công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt với giá thấp. Do đó, các quỹ này thường tập trung đầu tư vào các cổ phiếu có giá giao dịch cao nhưng còn room cho nhà đầu tư nước ngoài, trong khi các quỹ đầu tư chủ động thì lại tránh đầu tư vào các cổ phiếu có giá giao dịch cao hơn giá trị thực của cổ phiếu.
Nhìn chung, các quỹ đầu tư lựa chọn không đầu tư vào các cổ phiếu có giá giao dịch cao hơn giá trị thực sẽ tăng trưởng kém hơn mức tăng của VN-Index do dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường thông qua các quỹ ETF và quỹ thụ động hiện đang đầu tư vào các cổ phiếu này. Quỹ đầu tư lớn nhất của VinaCapital là VOF tập trung đầu tư vào các công ty tư nhân và chưa niêm yết do đó ít bị ảnh hưởng bởi việc tăng trưởng dưới mức tăng của VN-Index. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, bên cạnh một số quỹ đầu tư tăng trưởng thấp hơn VN-Index, VinaCapital vẫn có các quỹ đầu tư tăng trưởng cao hơn VN-Index do có chiến lược đầu tư phù hợp với tình hình thị trường.
Xin cảm ơn ông.