Tại phiên thảo luận về nguồn nhân lực công nghệ trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019, bà Nguyễn Phương Mai - giám đốc điều hành Navigos Search chia sẻ: "Tôi cho rằng, bên cạnh tất cả những mỹ từ miêu tả về nhân lực ICT Việt Nam, thì trong nhiều năm làm việc tại Navigos làm việc với Vietnamwork, và trong 17 năm làm việc tại Việt Nam, chúng tôi cũng nhận thấy một số yếu điểm của nhân lực Việt Nam mà có thể cải thiện được như kỹ năng mềm, tư duy kinh doanh.
Một trong những điểm quan trọng mà khách hàng phản hồi là nhân lực ICT Việt Nam rất thiếu sáng tạo. Khi các em nhỏ học trong hệ thống giáo dục Việt Nam không thể lên tiếng, mình suy nghĩ khác biệt đã là không ổn rồi. Các em không được phát triển mà không giống với số đông.
Khi các em đi học đại học, các em thi vào khó nhưng tốt nghiệp rất dễ. Các em không quan tâm đến việc làm luận án và sao chép rất nhiều. Khi các em gia nhập thị trường lao động, lên cấp cao hơn thì lại thiếu kỹ năng và đặc biệt là sức sáng tạo. Tôi thấy rất thương vì nhiều vị trí các startup cần để nâng tầm hoạt động thì rất khó tìm ứng viên ở Việt Nam, trong khi cam kết của ứng viên Việt Nam lại không dài hạn, đó là điểm yếu".
Ông Nguyễn Văn Quang Huy - đồng sáng lập Holistics Software đồng tình rằng nhân lực công nghệ ở Việt Nam còn nhiều điểm yếu. Từ góc độ nhà đầu tư, ông Huy cho rằng nếu tìm hiểu về nhân lực công nghệ thì phải biết về lịch sử công nghệ Việt Nam, không giống như Silicon Valley, Việt Nam chủ yếu là outsourcing (thuê ngoài). Nhân lực khi tốt nghiệp đại học thì đến các công ty outsourcing và sau đó ra làm phát triển phần mềm, như vậy chỉ là gia công sản phẩm chứ không nhìn được bức tranh tổng thể.
Hiện nay sự khác biệt giữa giáo dục và nội dung đào tạo khi tham gia vào lực lượng lao động. Khi ngồi trên ghế nhà trường học về công nghệ nhưng khi làm outsourcing thì chỉ gia công một phần, vì thế các startup rất thất vọng về nhân lực. Ông Huy cho rằng những nhân tố có cái nhìn toàn cảnh mới là cái mà startup cần.
Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, ông Tạ Hải Tùng lại có cái nhìn lạc quan hơn: "Tôi đến từ viện công nghệ thông tin và truyền thông Đại học Bách khoa, hằng ngày chúng tôi làm việc với rất nhiều các bạn trẻ tài năng. Nếu để miêu tả chân dung, các bạn có tham vọng thành công và khao khát chứng tỏ bản thân. Giới trẻ ngày nay thực sự mong muốn đứng lên chứng tỏ bản thân mình. Ví dụ như CEO Zalo Vương Quang Khải, Nguyễn Hà Đông Flappy Bird hay anh Nguyễn Tử Quảng Bphone cũng từ trường Bách khoa mà ra.
Tôi cũng phải nói rằng các bạn sinh viên lơ là việc học, vì từ năm 3 là các startup đã "cướp người" rồi. Nhưng gần đây để các em tập trung hơn thì chúng tôi thậm chí còn trao giải thưởng luận văn tốt nhất, và chúng tôi cũng có phần mềm kiểm tra xem các em có copy không".
Ông Phạm Minh Tuấn - CEO Topica Edtech Group nói: "Tôi cũng đồng ý rằng ta có nhiều vấn đề trong nguồn nhân lực nhưng không phải không có giải pháp. Ta có nhiều nhân tài và các bạn cần phải đào tạo lại. Ở Silicon Valley khi tuyển người chúng tôi xem họ có cùng đam mê không, ham học hỏi không, tham vọng không,... sau đó chúng tôi cũng đầu tư đào tạo lại. Các anh chị không cần quá bi quan đâu. So với 4,5 năm về trước giờ chúng tôi khá hài lòng với chất lượng nguồn nhân lực".
Nhiều khi đào tạo xong thì các bạn bỏ doanh nghiệp, về vấn đề này, ông Tuấn dẫn chứng, tuổi đời của Google và Amazon là 24 tháng. Kể cả công ty lớn như thế nhân lực cũng chẳng ở lại lâu, nên quan trọng là ta cho họ gì và họ cho ta gì. Ông nhấn mạnh "Nếu anh ta rời đi mà thành công thì ngược lại là anh ta sẽ là một ví dụ tốt để thu hút nhân lực cho ta đấy chứ".
Bà Mai cho biết trước khi làm Navigos bà cũng làm cho công ty công nghệ cao, và nếu không tìm được người có kỹ năng thì mình phải đào tạo lại thôi. CTO và CFO luôn tranh cãi xem có đầu tư cho nhân lực không. Rõ ràng sau đó, bà rút ra góc nhìn cá nhân rằng, nếu như cá nhân cam kết với doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng phải có cam kết nâng cao chất lượng lao động, nhưng cam kết đó có lâu bền hay không thì không, và chưa có cơ chế bảo vệ doanh nghiệp.