"Ví dụ, chúng tôi đã rất rất lạc quan đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống trong khoảng 15 năm qua. Nhưng hơn 5 năm trở lại đây, dù nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng vẫn rất, rất mạnh, nhưng nguồn cung cạnh tranh cho các thương hiệu quốc tế đã tăng lên đáng kể, khiến các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khó cạnh tranh hơn", ông Andy lý giải.
Khi nhìn vào các danh mục đầu tư, có thể thấy thời gian qua VinaCapital tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: bất động sản, nguyên vật liệu và tài chính. Ông có thể giải thích nguyên nhân vì sao, và tiềm năng của những ngành này trong năm tới?
Tôi muốn nói rõ một chút về vấn đề này, trước khi chúng ta nói đến triển vọng tương lai. Đúng là danh mục đầu tư của chúng tôi tập trung nhiều vào lĩnh vực tài chính, bất động sản và nguyên vật liệu. Thực chất, đây là các khoản đầu tư mà chúng tôi đã thực hiện cách đây 5, 10, 15 năm, và những khoản đầu từ này đều đã tăng giá trị đáng kể.
Chúng tôi đầu tư vào Hoà Phát năm 2009, khi công ty có giá trị vốn hóa khoảng 500 triệu USD. Đến hiện tại, vốn hoá của Hoà Phát đã lên tới hơn 10 tỷ USD.
Như vậy, giá trị khoản đầu tư này đã tăng đáng kể trong danh mục đầu tư của chúng tôi. Chúng tôi cũng đầu tư vào Novaland, Khang Điền và Vinhomes. Những doanh nghiệp bất động sản này đều ghi nhận giá trị vốn hoá tăng đáng kể trong giai đoạn vừa qua.
Nói như vậy không phải ý là chúng tôi không tập trung vào bất động sản hay nguyên vật liệu nữa. Bởi vì đây là những khoản chúng tôi đã đầu tư từ nhiều năm trước, và giờ đây giá trị của những tài sản này đã tăng đáng kể trong danh mục đầu tư.
Vì vậy, khi bạn nhìn vào danh mục đầu tư của chúng tôi, bạn sẽ nghĩ: "Ồ, quỹ đang nhắm đến lĩnh vực nguyên vật liệu, bất động sản và tài chính". Đừng hiểu sai ý tôi, chúng tôi vẫn thích các nhóm ngành này. Nhưng các doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục, một phần vì chúng tôi đã may mắn chứng kiến giá trị nhóm này tăng mạnh theo thời gian.
Còn hiện tại, khi đưa ra các quyết định đầu tư, lĩnh vực thu hút chúng tôi là chăm sóc sức khỏe. Khi dân số trở nên già đi, mọi người ngày càng giàu có, thu nhập khả dụng cao hơn, thì một trong những lĩnh vực đầu tiên họ sẽ chi ngày càng nhiều tiền hơn là chăm sóc sức khỏe.
Một lĩnh vực khác phải kể đến là giáo dục, mọi người giờ đây muốn chi nhiều tiền hơn cho chất lượng giáo dục. Đương nhiên, chúng tôi vẫn thích tài chính, bất động sản, cũng như nguyên vật liệu.
Ngoài ra thì còn có logistics. Chúng tôi muốn nhìn thấy nhiều doanh nghiệp logistics xuất hiện hơn. Bởi khi có nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đến Việt Nam, họ muốn xây dựng nhà máy. Khi họ xây dựng nhà máy, họ cần vận chuyển hàng hóa ra cảng, vào thành phố để phân phối hàng hoá. Họ cần phải có nhà kho. Họ cần phải có xe tải.
Vì vậy logistics trở thành một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Có thể thấy, đây là một vài lĩnh vực thực sự sôi động trong vòng 2 đến 5 năm tới.
Đằng sau việc VinaCapital tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: bất động sản, nguyên vật liệu và tài chính.
Còn những danh mục đầu tư thuộc các lĩnh vực như khách sạn, du lịch hay dịch vụ thì sao? Họ đã bị ảnh hưởng như thế nào?
Tôi phải thừa nhận đây là những nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, các hãng hàng không, khách sạn. Không biết lần cuối cùng bạn đi du lịch là khi nào?
Cõ lẽ là 2 năm trước.
Chính xác. Bạn không đi đâu cả, bạn không tiêu tiền, thì các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng lấy doanh thu ở đâu?
Tôi cho rằng, hoạt động kinh doanh của những ngành như khách sạn, hàng không sẽ phục hồi rất chậm trong vòng 12, 18 hoặc 24 tháng tới. Và hãng nhớ rằng, quan niệm của khách du lịch cũng sẽ thay đổi. Ví dụ, những người trước kia hay phải đi công tác xa, giờ họ có thể ít đi hơn vì đã có Zoom. Do vậy, sự phục hồi của nhóm này sẽ chậm lại khi mọi người quen với cách sống chung với COVID-19.
Vậy ngoài những lĩnh vực bị tác động nặng nề, thì đâu là lĩnh vực mà ông ngạc nhiên nhất về tốc độ tăng trưởng trong năm vừa qua? Vì sao?
Tôi nghĩ rằng lĩnh vực thay đổi rõ ràng nhất, khiến tất cả chúng ta đều ngạc nhiên chính là sự phát triển của công nghệ. Hãy nhìn cách công nghệ được áp dụng trong giao thực phẩm và hàng hóa đến tận cửa như hiện nay.
Bên cạnh đó, mọi người cũng đều sử dụng các phương pháp thanh toán điện tử, ngân hàng di động (mobile banking) hoặc một số loại hình giao dịch tài chính trực tuyến khác khi thanh toán hàng hóa và dịch vụ.
Có thể thấy, công nghệ đã phát triển mạnh mẽ trong vòng 12-18 tháng qua. Điều đó buộc chúng tôi phải suy nghĩ về cách một số doanh nghiệp mà chúng tôi đầu tư sẽ tận dụng công nghệ như thế nào trong vòng 12 đến 24 tháng tới.
Những doanh nghiệp này phải đầu tư vào công nghệ, khi người dân giờ đây rất rành về công nghệ. Họ sử dụng công nghệ để giao tiếp, giao dịch, quảng cáo, giải trí và tập thể dục.
Vì vậy, đối với các ngân hàng, trường học và thậm chí cả các doanh nghiệp logistic, họ sẽ phải tiến thêm một bước nữa trong việc đầu tư vào công nghệ, để đảm bảo rằng, doanh nghiệp có thể kết nối với khách hàng của mình trên tất cả các phương tiện.
Trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp, ông sẽ phải thực hiện quá trình thẩm định rất kỹ càng. Một trong số đó là đánh giá chiến lược ESG. Ông có thể giải thích rõ hơn tại sao đây lại là yếu tố quan trọng, đặc biệt là trong những năm gần đây?
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến công ty với tên gọi VEDAN. Họ từng là nhà sản xuất bột ngọt lớn nhất Việt Nam, bây giờ thì không như vậy nữa. Lý do là từ vụ việc họ làm ô nhiễm môi trường. Đó là yếu tố "E" trong ESG – môi trường. Điều này để thấy rằng, ESG rất quan trọng, bởi vì tôi vừa đưa cho bạn một ví dụ về một công ty đã không quan tâm đến chữ E trong ESG.
Bên cạnh đó, quản trị cũng rất quan trọng. Quản trị cho phép mọi người đưa ra quyết định độc lập và nếu bạn không có phương pháp quản lý phù hợp, bạn sẽ gặp rắc rối. Bạn đã nghe đến công ty Huy Việt Nam chưa?
Huy Việt Nam từng là một trong những doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng lớn nhất Việt Nam. Họ từng rất lớn. Nhưng hiện tại công ty này ra sao? Đã biến mất.
Tại sao? Vì quản trị tệ. Họ đã không minh bạch. Họ sử dụng tiền không thích hợp. Và họ đã biến mất. Vì vậy công tác quản trị là rất quan trọng. Và điều gì đã xảy ra với các cổ đông của Huy Việt Nam? Họ đã mất hết tiền và đang kiện chủ sở hữu của Huy Việt Nam. Thậm chí, họ đã yêu cầu Interpol truy tìm chủ sở hữu của công ty đó.
Tôi đã đưa ra 2 ví dụ về các doanh nghiệp lớn không tuân thủ tiêu chí ESG và bây giờ họ đã biến mất. Và bây giờ bạn có thể hình dung tại sao chúng tôi sợ rằng nếu một doanh nghiệp không suy nghĩ nghiêm túc về ESG, họ có thể gặp rắc rối trong 5 đến 10 năm tới và chúng tôi sẽ đánh mất giá trị của mình, giá trị cổ đông của chúng tôi.
Nhưng không sao cả, chúng tôi làm việc cùng rất nhiều chuyên gia tư vấn để giúp các doanh nghiệp này cải thiện điểm yếu ESG của họ. Chúng tôi không né tránh những doanh nghiệp gặp vấn đề về ESG.
Điều này khác với đầu tư đại chúng. Nếu một công ty có mặt trên thị trường chứng khoán, rất khó để khiến doanh nghiệp thay đổi vì họ có hàng nghìn cổ đông. Và bạn đầu tư vào doanh nghiệp này bằng cách mua một cổ phiếu, 10, 1000 cổ phiếu, hay 1 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, những cổ phiếu đó không cho phép bạn thay đổi bộ máy quản lý, thay đổi hội đồng quản trị. Bởi vì bạn không có bất kỳ điều khoản thỏa thuận nào. Bạn có thể viết thư gửi doanh nghiệp. Bạn có thể nói với họ vui lòng chấp thuận các điều khoản trong thư và hy vọng.
Nhưng tất cả đều dựa trên hy vọng.
Còn đối với vốn cổ phần tư nhân, vì các điều khoản đầu tư của chúng tôi, chúng tôi có thể thực hiện các thay đổi nhiều hơn và thiết thực hơn.
Đó có thể coi là những lợi thế của đầu tư vốn cổ phần tư nhân so với đầu tư đại chúng. Vậy còn rủi ro trong đầu tư PE thì sao?
Sự khác biệt trong rủi ro giữa PE và cổ phiếu đại chúng chính là những gì chúng tôi đầu tư vào có tính thanh khoản khá thấp. Chúng tôi không thể bán những cổ phiếu này ngay lập tức.
Ví dụ, vào tuần trước, khi mọi thứ trở nên xấu đi với thông tin về biến thể Covid-19 mới, rất nhiều người trên khắp thế giới đã bán cổ phiếu. Còn với một nhà đầu tư PE, bạn không thể bán. Đây được gọi là tài sản kém thanh khoản.
Chúng tôi buộc giữ các khoản đầu tư kém thanh khoản.
Vậy nên chúng tôi cần các điều khoản đầu tư. Chúng tôi cần có đảm nhiệm vị trí trong ban lãnh đạo điều hành. Chúng tôi cần theo dõi việc doanh nghiệp phát triển như thế nào.
Còn những rủi ro chung đối với các nhà đầu tư PE?
Nhìn chung, chúng tôi có những rủi ro khác khá giống với đầu tư đại chúng, cho dù đó là rủi ro vĩ mô từ nền kinh tế, rủi ro pháp lý, cạnh tranh, rủi ro quản lý.
Điều mà chúng tôi quan tâm ở đây là lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro. Thường rủi ro thấp, thì lợi nhuận thấp. Và các doanh nghiệp nhỏ thì rủi ro có xu hướng cao hơn, từ đó chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận cao hơn.
Với các doanh nghiệp lớn như Novaland hay Vinhomes hay Khang Điền, bạn sẽ mong đợi rủi ro thấp hơn khi đầu tư vào những doanh nghiệp này. Vì đây là những doanh nghiệp lớn, họ có kinh nghiệm, có thương hiệu, thì rủi ro và lợi nhuận sẽ thấp hơn.
Điều này để thấy rằng, quy mô của doanh nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến cách bạn đánh giá mức lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro.
Còn ở khía cạnh ngành nghề, rủi ro cũng thay đổi rất nhiều, nhất là những ngành có tác động lớn đến nền kinh tế. Một ví dụ, chúng tôi đã rất rất lạc quan đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống trong 5, 10, 15 năm qua. Có rất nhiều thương hiệu Việt tốt như Vinamilk, Phúc Long Coffee, Chinsu….
Vì vậy, trong những năm qua, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Nhưng hơn 5 năm trở lại đây, điều tôi nhận thấy là các thương hiệu quốc tế đến Việt Nam rất nhiều.
Ngay cả bạn chắc hẳn cũng sử dụng những sản phẩm từ thương hiệu quốc tế, phải không? Có thể thấy rằng, nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng vẫn rất, rất mạnh.
Nhưng về nguồn cung, nguồn cung cạnh tranh cho các thương hiệu quốc tế đã tăng lên đáng kể, khiến các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khó cạnh tranh hơn.
Bạn biết thương hiệu cà phê Starbucks chứ?
Tôi có biết.
Vậy 5 năm trước hay 10 năm trước, bạn đã uống cà phê Starbucks chưa?
Khi ấy thì tôi chưa từng nghe đến.
Và có lẽ bạn đã uống cà phê Highlands Coffee hoặc cà phê Trung Nguyên. Và rồi Starbucks xuất hiện. Vậy có phải nhu cầu về cà phê giảm? Không! Nhu cầu về cà phê thậm chí còn dần tăng. Nhưng hiện nay, nguồn cung cà phê có thương hiệu tốt đã tăng lên đáng kể, khiến cho thương hiệu Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn.
Như vậy, có những lĩnh vực tăng trưởng, nhưng sự cạnh tranh hiện đang rất, rất cao.