-Khi quan sát các chỉ số vĩ mô gần đây, ông nhận thấy điều gì?
Tôi muốn nói về tín hiệu có vẻ lạc quan thể hiện ở 2 số liệu. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước gần đây có báo cáo tăng trưởng tín dụng của tháng 3 đâu đó trên dưới 2%, trong khi ở tháng 1, tháng 2 doanh nghiệp không vay vốn. Điều này có nghĩa sức sống của doanh nghiệp trong thời dịch bệnh vẫn còn.
Thứ hai, doanh số xuất khẩu của Việt Nam sang các nước mặc dù tụt giảm hơn cùng kỳ nhưng vẫn có tăng trưởng. Nó hàm nghĩa mặc dù tình hình chung là khó khăn nhưng vẫn có những doanh nghiệp duy trì được sự phát triển, vẫn có thị trường để hoạt động.
Bên cạnh những con số bi quan mà chúng ta đã gặp phải thì cũng có những con số khác lạc quan hơn trong bức tranh nền kinh tế.
-Cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp trực tuyến với bộ, ngành, địa phương để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông có cảm nhận vì về tình hình doanh nghiệp thông qua cuộc làm việc này?
Trong cuộc họp có hai vấn đề được bàn luận kỹ lưỡng đó là tình hình doanh nghiệp và an sinh xã hội. Chính phủ quan tâm rất nhiều thứ đến doanh nghiệp. Suy cho cùng, tăng trưởng kinh tế hay an sinh xã hội đều phụ thuộc vào năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có hồi phục, làm ăn tốt thì mới sản sinh công ăn, việc làm…
Do vậy, tại cuộc làm việc này, Chính phủ đã đưa ra những biện pháp chưa từng có trong tiền lệ để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Các giải pháp trước mắt tập trung vào tháo gỡ dòng tiền.
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là dòng tiền vì sự dừng lại của sản xuất, kinh doanh. Do vậy, những giải pháp dãn, hoãn thuế, phí, hay tiếp cận tín dụng sẽ góp phần giải nguy cho doanh nghiệp.
Vì vậy, mặc dù gói hỗ trợ của Việt Nam nhỏ về quy mô so với các nước nhưng cũng tương đối với quy mô GDP Việt Nam. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ cũng kịp thời, nhanh chóng, nắm bắt được các vấn đề của doanh nghiệp.
-Ông có bình luận gì về gói chính sách giải cứu doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 và những chi tiết có thể thay đổi, bổ sung nhằm tăng hiệu quả tác động? Đặc biệt làm thế nào để những hỗ trợ đó đến với bộ phận yếm thế hơn?
Gói giải cứu của Chính phủ không nên giới hạn vào một loại hình khu vực và một điều kiện nào. Khó khăn đang diễn ra ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh. Khó khăn của doanh nghiệp này sẽ dẫn tới khó khăn của doanh nghiệp khác. Do vậy nếu bất cứ doanh nghiệp nào có nhu cầu tiếp cận thì nên được tiếp cận với gói hỗ trợ này.
Bây giờ nếu giới hạn việc hỗ trợ là phải chứng minh thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra thì rất khó khăn cho doanh nghiệp. Làm thế nào để họ chứng minh được thiệt hại bằng chứng từ, rồi thuyết phục cơ quan quản lý.
Có khi chứng minh được điều này xong, doanh nghiệp đã không tồn tại rồi hoặc cơ hội sản xuất kinh doanh đã qua đi.
Do vậy quan điểm của tôi là Chính phủ nên mở rộng gói hỗ trợ này cho tất cả các doanh nghiệp, tất cả các loại hình, kể cả doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, doanh nghiệp tư nhân,... và ở tất cả các ngành.
Bên cạnh đó, để doanh nghiệp tiếp cận được gói cứu trợ, đặc biệt là gói tín dụng thì chính sách và quy định cho vay của ngân hàng cần có thay đổi. Chúng ta cũng có thể cân nhắc đến việc dùng dữ liệu lớn trong quyết định cho vay. Đây cũng là một hướng rất nhiều ngân hàng trên thế giới áp dụng.
-Theo ông, khoản vay ưu đãi về lãi suất cho các doanh nghiệp trong thời khủng hoảng sẽ thực sự có hiệu quả khi đi kèm với những điều kiện thực tế hoặc thực thi như thế nào?
Cho vay ưu đãi của đợt này khác hẳn với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009. Thời đó khi cho vay ưu đãi thì ngân sách sẽ bù đắp vào chênh lệch lãi suất, gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng. Một số vấn đề đến nay vẫn chưa giải quyết hết được.
Còn lần này, trừ ngân hàng Chính sách xã hội, thì đây là ưu đãi của các NHTM, sử dụng nguồn thu nhập của mình để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Do vậy khi ngân hàng xem xét khoản cho vay này, họ sẽ tuân thủ theo quy định, quy chế của họ trong thực hiện các khoản vay này.
Ngân hàng cũng có tính toán của họ, có trách nhiệm với việc hoàn vốn, tính đến rủi ro trong khoản cho vay. Do vậy, cần tiếp cận từ 2 phía, ngân hàng cần tìm mọi cách để đơn giản hoá thủ tục. Doanh nghiệp thì có kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi, chuẩn bị điều kiện để khi nền kinh tế phục hồi thì sản xuất và có dòng tiền để trả ngân hàng. Cũng thừa nhận là tiếp cận chính sách ưu đãi là không dễ dàng, gặp nhiều khó khăn.
-Giả sử Việt Nam có khả năng khống chế được dịch sớm, nhưng bên ngoài lãnh thổ dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào khi bản thân có độ mở rất lớn?
Việt Nam có thị trường 100 triệu dân, sức mua lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp trên thế giới, các doanh nghiệp trong nước có thể tập trung vào thị trường nội địa để làm nền tảng. Trong kịch bản hồi phục kinh tế trình Chính phủ, Bộ KHĐT đặc biệt nhấn mạnh vào tiềm năng thị trường nội địa.
Mặc khác, Việt Nam có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô tốt. Lạm phát, bội chi ngân sách đang đi theo chiều hướng tốt. Trong 1 – 2 tháng tới có thể sẽ tăng lên đôi chút nhưng chúng ta chấp nhận vì dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư rất quan tâm đến Việt Nam; Chính phủ cũng đang đề xuất tăng quy mô gói hỗ trợ. Do vậy, nhìn trên các giác độ về tài khoá sẽ tạo đà cho Việt Nam tăng trưởng.
Cảm ơn ông!