Năm 2007, Tập đoàn Tài chính Mirae Asset đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua thương vụ liên doanh thành lập công ty chứng khoán với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Tại thời điểm lúc bấy giờ, chứng khoán Mirae Asset không nhận được nhiều sự chú ý của thị trường.
Chúng tôi lần đầu gặp ông Kang Moon Kyung giai đoạn khoảng năm 2009. Lúc đó, chứng khoán Mirae Asset vẫn chỉ là công ty chứng khoán vừa và nhỏ ở thị trường Việt Nam. Văn phòng công ty cũng không có gì đặc biệt. Ông Kang nói đại ý rằng cơ hội chưa tới và công ty cũng chỉ mới thành lập ở Việt Nam nên các hoạt động chủ yếu là để hoàn thiện bộ máy, năng lực nội bộ và thăm dò cẩn trọng thị trường cũng như tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam.
Gần 10 năm âm thầm hoạt động trên chứng trường lặng lẽ trôi qua. Đến năm 2015, chứng khoán Mirae Asset được UBCKNN chấp thuận việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của Công ty thành Công ty TNHH một thành viên và chính thức trở thành công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. 2 năm sau, Công ty nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng (2017), đồng thời thay đổi trụ sở mới khang trang, đẹp đẽ hơn. Đây là hai cột mốc đáng nhớ, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của công ty và chính thức thể hiện tham vọng vươn lên vị trí dẫn đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hoạt động kinh doanh của chứng khoán Mirae Asset tăng trưởng mạnh mẽ từ thời điểm 2017. Đến năm 2018, công ty tiếp tục nhận thêm vốn từ công ty mẹ, nâng vốn điều lệ lên 4.300 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty nhanh chóng mở rộng nhiều chi nhánh khắp cả nước, đưa vào hệ thống giao dịch phái sinh. Đến tháng 11 năm 2019, sự bứt tốc của công ty chính thức được xác nhận với vị trí số 1 trên thị trường chứng khoán Việt Nam về vốn điều lệ với 5.455 tỷ. Con số dư nợ cho vay margin-con số thể hiện rõ nét nguồn tiền nhà đầu tư sử dụng để trading và cũng là con số cho thấy sức mạnh khách hàng của Mirae Asset tính đến hết quý 3/2019 lên tới 6.566 tỷ đồng, vượt qua 2 CTCK hàng đầu Việt Nam là SSI và HSC.
Mirae Asset đã và đang chiếm giữ vị trí số 1 trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến thời điểm 11/2019
Làm thế nào để họ đạt được số 1 trong khi những công ty chứng khoán Việt có đầy đủ vị thế của người bản địa, tiềm lực vốn lớn? Nguồn tiền lớn mà chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận được từ công ty mẹ có phải là tất cả?
Câu trả lời chúng tôi đã có được sau chuyến đi thăm Tập đoàn tài chính Mirae Asset tại Hàn Quốc. Chốt chính cho thành công của chứng khoán Mirae Asset không hẳn là vốn lớn mà chính là công nghệ, cụ thể là công nghệ AI (Artificial Intelligence-Trí tuệ nhân tạo).
Công nghệ AI đang cho phép thực hiện các dịch vụ cải tiến mà trước đó không thể làm được dựa trên cơ sở dữ liệu lớn được tích lũy
IT Center của Tập đoàn Mirae Asset tại Hàn Quốc có quy mô hàng nghìn m2 với hệ thống máy chủ và hạ tầng tân tiến nhất. Tại đó, tất cả các dữ liệu thị trường đều được lưu trữ.
Dữ liệu thị trường, theo chia sẻ của những "sếp" IT của Tập đoàn Mirae Asset thì nhiều vô số kể. Từ dữ liệu tài chính, chứng khoán, người tiêu dùng, hành vi người tiêu dùng, du lịch, văn hoá, xã hội…đều có. Những thông tin nói chung thu thập được từ cơ số các nguồn khác nhau, từ báo chí, internet, mạng xã hội, diễn đàn…sẽ được "đổ nhào" về trung tâm dữ liệu. Công việc sau đó là…của AI.
Những bộ óc nhân tạo sẽ bắt đầu đi phân loại đủ các thứ dữ liệu đó. Phải đến 60% dữ liệu thu thập về là để…bỏ đi, là rác, là thứ không dùng được. Những thứ còn lại vàng thau lẫn lộn. AI sẽ làm nhiệm vụ phân loại tin tức, chấm điểm tin tức, chấm điểm tích cực hay tiêu cực đối với từng dữ liệu.
Những điểm số đó quay trở lại phục vụ cho công tác chăm sóc khách hàng của Mirae Asset thông qua các sản phẩm dịch vụ tài chính mà Tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc này cung ứng.
"Chúng tôi đang cung cấp cho khách hàng trải nghiệm mới bằng các dịch vụ cạnh tranh trên mobile. Robo-pick (danh mục khuyến nghị AI), sinh trắc học xác thực, v.v…" - ông Yoon, Sung Bum - Giám đốc IT của Tập đoàn Mirae Asset cho biết.
Ông Yoon, Sung Bum - Giám đốc IT của Tập đoàn Mirae Asset
Theo ông Yoon, công nghệ AI đang cho phép thực hiện các dịch vụ cải tiến mà trước đó không thể làm được dựa trên cơ sở dữ liệu lớn được tích lũy. Một ví dụ điển hình có thể kể đến là khuyến nghị danh mục của Robo-Advisor thông qua phân tích khách quan loại trừ cảm xúc. Tập đoàn Mirae Asset cũng cung cấp các dịch vụ liên quan dưới tên Robotic / Robo Auto,…dự đoán cổ phiếu do m.Club nắm giữ và dự báo cổ phiếu tăng / giảm.
Ông Yoon giới thiệu thêm, Dịch vụ Robo Advisor của Mirae Asset Daewoo bao gồm RoboPort, dịch vụ tư vấn RoboIDIA, RoboPop dựa trên khuyến nghị chứng khoán, RoboAuto, dịch vụ toàn thời gian và Giải pháp danh mục đầu tư toàn cầu (GPS) hướng dẫn đầu tư phân bổ tài sản toàn cầu. Các thuật toán đã được chứng minh cung cấp nhiều giải pháp đầu tư dựa trên trí tuệ nhân tạo, có thể theo dõi một cách tự nhiên và mong đợi kết quả đầu tư hợp lý. Sự quan tâm của các nhà đầu tư trong phân bổ tài sản ổn định đang tăng lên khi sự không chắc chắn trên thị trường chứng khoán tăng…
Không phát triển AI để giảm nhân sự, Robo Advisor mang tới cho khách hàng dịch vụ quản lý tài sản mang tính chuyên nghiệp với giá thành rẻ
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc AI giúp công ty cắt giảm được bao nhiêu nhân sự, góp phần vào tiết giảm chi phí của Tập đoàn như thế nào, ông Yoon, Sung Bum - Giám đốc bộ phận IT không trả lời trực tiếp mà chỉ khẳng định một câu: Chúng tôi đầu tư phát triển AI không phải để cắt giảm nhân sự. Có 2 cách mà AI có thể ảnh hưởng đối với một doanh nghiệp: Một là cuộc cách mạng về dịch vụ khách hàng, còn lại là tăng năng suất nội bộ.
Theo ông Yoon, điều Tập đoàn mong muốn là không làm giảm số lượng nhân viên mà là việc tăng năng suất và kiểm soát nội bộ tốt hơn thông qua quy trình tự động hóa công việc (RPA).
RPA có tác dụng tăng cường kiểm soát nội bộ ở chỗ nó có thể ngăn chặn quyền truy cập của con người vào dữ liệu nhạy cảm bằng tính chính xác/hiệu quả/nhanh chóng hơn về các nghiệp vụ đơn giản lặp đi lặp lại đồng thời ngăn chặn việc rò rỉ thông tin ra bên ngoài. Gần đây Tập đoàn cũng đã hoàn thành việc giới thiệu RPA trong một số lĩnh vực kinh doanh và có kế hoạch tiếp tục mở rộng phạm vi áp dụng.
Ngoài ra, Tập đoàn đang thực hiện nhiều nỗ lực để tự động hóa hoạt động kinh doanh của mình như mở ACS (Hệ thống gọi tự động), tự động gọi cho khách hàng để thông báo về các vấn đề bắt buộc phải biết như tình trạng thiếu hụt tài sản thế chấp.
Ông Yoon bổ sung thêm, hiện tại ở Hàn Quốc, tất cả dịch vụ liên qua đến cá nhân đều đang thực hiện theo hình thức online. Khách hàng không cần phải tới trực tiếp công ty chứng khoán hay các phòng giao dịch, mà có thể thực hiện mở tài khoản trực tuyến. Khách hàng không cần yêu cầu, hệ thống sẽ tự động gửi cho khách khách Danh mục khuyến nghị… thông qua Robo Advisor.
"Robo Advisor chính là cách để chúng tôi có thể mang tới cho khách hàng những dịch vụ quản lý tài sản mang tính chuyên nghiệp với giá thành rẻ. Khách hàng có thể dễ dàng thông qua ứng dụng trên điện thoại để giao dịch mà không cần phải tới công ty chứng khoán. Đó chính là ưu điểm mà đang thu hút sự quan tâm của khách hàng"- Ông Jeon, Kyung-Nam -giám đốc bộ phận Đổi mới – Sáng Tạo bổ sung thêm.
Ông Kim Nam Young -giám đốc bộ phận Digital Trading tại buổi phỏng vấn
Ông Jeon nói: "Theo báo cáo của Ngân hàng Hana, dự tính quy mô của thị trường Robo Advisor năm 2012 sẽ là 10 nghìn tỷ, và năm 2025 sẽ tăng lên 30 nghìn tỷ. Nền tảng Big data của Robo Advisor và AI góp phần rất nhiều vào dịch vụ tư vấn, dự đoán có thể cho phép dần dần thay thế chức năng này của bộ phận môi giới. Tuy nhiên, bộ phận môi giới ngoài nghiệp vụ tư vấn, còn có thể thực hiện nhiều nghiệp vụ như thực hiện quyền, tư vấn quản lý tài sản.. Do đó chúng tôi vẫn cho rằng, có rất nhiều những nghiệp vụ mang tính đặc thù mà máy móc không thể nào thay thế được con người.
Các nhà môi giới chứng khoán có thể tập trung vào các khách hàng có lợi nhuận cao, những người có xu hướng muốn được tư vấn trực tiếp và công nghệ AI có thể xem xét phân loại target cho các khách hàng vốn đã quen tiếp xúc với môi trường đầu tư công nghệ, hoặc khách hàng nhạy cảm với mức phí giao dịch.
Tuy nhiên, khi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào hoạt động kinh doanh, các công ty chứng khoán cũng cần phải xem xét, đánh giá các tư vấn cho khách hàng một cách nhất quán, tiêu chuẩn hóa dựa theo những quy chuẩn của công ty".
Thị trường chứng khoán Việt Nam trông chờ gì từ sự trợ giúp từ "ông lớn" Hàn Quốc?
Khi được hỏi về khả năng Việt Nam được hưởng lợi từ các quốc gia đi trước về công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính và khả năng thích ứng của các sản phẩm tài chính tiên tiến ở thị trường Việt, ông Yoon nhận định: "Tôi nghĩ rằng, so sánh với các quốc gia Đông Nam Á khác thì khả năng ứng dụng nền tảng kỹ thuật số của Việt Nam là rất cao. Và theo tôi được biết, tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh của Việt Nam đang là 70% tổng dân số, và những ứng dụng gọi xe công nghệ, hay chat trên app như zalo đã từ lâu trở thành một phần đời sống của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển hơn bao giờ hết nhưng ngược lại tỉ lệ sở hữu tài khoản ngân hàng còn rất thấp, tương đương với khả năng phát triển các dịch vụ tín dụng trên nền tảng kỹ thuật số vẫn còn rất cao".
Theo ông Yoon, dựa trên đánh giá số liệu thực thế đưa ra từ Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam thì mới chỉ khoảng 30% khách hàng của chúng tôi đang sử dụng ứng dụng trên điện thoại để mua bán, đặt lệnh, và tỉ lệ này 2 năm trước chỉ trên dưới 5%.
Ông Yoon nhận định, sự chuẩn bị về phía người tiêu dùng cho giao dịch nền tảng kỹ thuật số là đủ. Tuy nhiên, để thúc đẩy môi trường tài chính kỹ thuật số luôn phải đi cùng sự phát triển của hạ tầng CNTT và các chính sách hợp lý ứng dụng kỹ thuật số của Việt Nam cho từng bộ phận trong ngành tài chính. Nếu các chính sách liên quan đến cơ sở hạ tầng CNTT được chú ý phát triển kèm theo thì tôi tin việc ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số vào quản lý tài sản là hoàn toàn có thể.
Khi được hỏi về việc Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) sắp sửa áp dụng hệ thống giao dịch mới với sự trợ giúp từ Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, ông Yoon cho biết, Sàn Hồ Chí Minh sau khi được sự hỗ trợ của Sàn giao dịch Hàn Quốc sẽ tiến hành update hệ thống mới, và từ đó triển khai thành 2 giai đoạn Day Trading. Ở giai đoạn 1 Day Trading sẽ cho phép nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua bằng tiền chứng khoán bán chưa về. Giai đoạn 2 sẽ phát triển đầy đủ bằng việc cho phép bán chứng khoán mua chờ về.
Sự phát triển công nghệ của Sở giao dịch Hồ Chí Minh sẽ cho phép Mirae Asset kết nối trực tiếp với sàn với các nghiệp vụ khác nhau trong thời gian thực và dựa vào đó sẽ có thêm rất nhiều dịch vụ mới dành cho khách hàng sẽ ra đời liên quan tới đặt lệnh, khớp lênh, thanh toán, thanh lý, cho vay, định giá cầm cố, mua bán lại.
Ngoài ra, do sự phát triển về thanh khoản và quy mô của thị trường chứng khoán, có thể giúp cho hồi sinh thị trường phái sinh, có thêm nhiều sản phẩm chứng chỉ quỹ mới, quỹ ETF chỉ số và sector.