Mức P/E chứng khoán Việt Nam không thấp hơn quá nhiều so với các thị trường lớn
Những biến động mạnh của thị trường chứng khoán thời gian qua có lẽ là một cú sốc khá nặng nề đối với nhà đầu tư. Những phiên sụt giảm mạnh khiến VN-Index mất đi hàng trăm điểm đồng thời "thổi bay" gần nửa giá trị tài khoản của nhiều nhà đầu tư. Tuy lực cầu vẫn le lói xuất hiện sau mỗi phiên giảm sâu, song tâm lý nhà đầu tư dường như vẫn chưa hoàn toàn "cởi trói" sau những cú rung lắc mạnh của thị trường. Việc xác định xu hướng thị trường để đưa ra hành động phù hợp vẫn là câu chuyện bỏ ngỏ trong thời điểm hiện tại.
Nhận định về những biến động thị trường thời gian qua, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Môi giới Chứng khoán HSC đánh giá từ những phiên đầu tháng 4 dòng tiền đã có dấu hiệu suy yếu, những cú "bứt phá giả" cũng đã xảy ra. Thị trường có thời điểm đã giảm 300 điểm - mức giảm lớn trong một tháng. Tuy nhiên con số này vẫn chưa thể hiện hết tính "sát thương" của đợt giảm này khi có rất nhiều cổ phiếu đã chia đôi, chia ba từ vùng đỉnh.
Theo chuyên gia, vùng hỗ trợ 1.200 – 1.250 điểm rõ ràng là vùng hỗ trợ rất mạnh đối với thị trường và ít nhiều chúng ta đã được nhìn thấy lực cầu rất tốt khi giá rơi về đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh các loại tài sản lớn hơn trên phạm vi toàn cầu đang ở những vùng nhạy cảm, rủi ro vẫn có thể xảy ra khi chỉ số rơi về vùng hỗ trợ. Như vấn đề đã được nhắc đến nhiều lần, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiệm cận vùng đỉnh năm 2018, thị trường hàng hóa đã về sát vùng đỉnh năm 2008 (CRB Index), Dollar Index đã vượt đỉnh và thị trường tiền số đã chứng kiến những cú sụp tiếp theo.
"Giá đã chiết khấu rất rất nhiều từ đỉnh và nhiều ý kiến cho rằng định giá thị trường đã quá rẻ để đầu tư. Tuy nhiên giá rẻ vẫn có thể rẻ hơn, do đó nhà đầu tư cần cẩn trọng và từ tốn hơn trong những quyết định bắt đáy. Ngay bản thân trong lập luận thị trường Việt Nam đang rẻ, với P/E forward ~ 12-13 lần cũng có nhiều điều cần phản biện nếu phân tích kỹ. Thực sự mức P/E forward đó là không thấp hơn nhiều thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều thị trường mới nổi", ông Bùi Văn Huy phân tích.
Theo đó, ở những thị trường này, mức lãi suất là thấp hơn Việt Nam rất nhiều. Nếu chúng ta nói về mức tăng trưởng lợi nhuận 20-30% năm 2022 thì cũng cần biết rằng các cổ phiếu theo chu kỳ chiếm tỷ trọng rất lớn trong VN30 hay VNIndex, xét riêng các cổ phiếu chu kỳ, mức tăng trưởng lợi nhuận 2022 của nhiều thị trường lớn ở mức 40-50%. Tỷ trọng lớn các cổ phiếu chu kỳ cũng giải thích tại sao nhiều nhóm ngành/cổ phiếu bị bán tháo đến vậy, đó là diễn biến rất bình thường khi thị trường rơi vào xu hướng giảm.
Nhà đầu tư cần cẩn trọng trong mỗi quyết định
Mặt khác, chuyên gia HSC cũng không phủ nhận những đặc điểm rất hấp dẫn riêng của Việt Nam với vĩ mô ổn định, triển vọng tăng trưởng cao, cơ cấu dân số vàng, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện và …câu chuyện nâng hạng vẫn còn nguyên phía trước.
Tuy nhiên, với những rủi ro phân tích trước đó thì nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng. Đặc biệt với dòng tiền eo hẹp như hiện tại, khi không có những chính sách vĩ mô mới đột phá nào thì thị trường rất khó tạo đáy chữ V để đi lên mạnh mẽ. Nếu trong trường hợp tạo đáy, quá trình đó cũng sẽ cần thời gian khá dài với diễn biến thanh khoản thấp và vùng biến động hẹp ở đáy.
"Do đó khi chúng ta nhận ra đáy, hãy yên tâm không ai bị bỏ lại quá xa, vì vậy nhà đầu tư không nên sợ chúng ta bỏ lỡ những cơ hội. Điều quan trọng nhất lúc này là cần xác định đầu tư là chặng đường dài và đừng để tâm lý "sớm gỡ lỗ" chi phối. Hãy luôn giữ mục tiêu còn lại số vốn nhiều nhất khi bắt đầu một chặng đường mới, khi xu hướng giảm kết thúc. Khi chắc chắn trời quang, mây tạnh, việc "giăng buồm ra khơi" đánh bắt mới có thể tự tin được", chuyên gia đưa ra khuyến nghị.
Sự thận trọng cần thiết trước tiên giúp chúng ta tồn tại qua giai đoạn khó khăn của thị trường. Do đó, điều quan trọng là nhà đầu tư cần vững tâm, khách quan và từ tốn trong các quyết định sắp tới. Cơ hội luôn ở phía trước và tất nhiên cũng có thể "tham lam khi mọi người sợ hãi" nhưng cần đúng thời điểm.