Giám đốc điều hành của nhóm tư vấn độc lập New View Economics, ông David Brown cho biết thị trường toàn cầu đã có những chuyển biến tích cực trong giai đoạn vừa qua. Ngay cả đồng USD yếu đi cũng là một dấu hiệu tích cực khi đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi có xu hướng tăng giá tốt hơn.
Dữ liệu mới nhất từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc đang chỉ ra những dấu hiệu tích cực của việc phục hồi nền kinh tế. Trong báo cáo dữ liệu việc làm Phi nông nghiệp do Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố gần đây, gần 1,8 triệu người đã quay trở lại làm việc trong tháng 7. Trước đó, 2,5 triệu người đã quay lại làm việc trong tháng 5 và 4,8 triệu người trong tháng 6.
Tương tự, theo dữ liệu thương mại tháng 7 của Trung Quốc, xuất khẩu tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy dòng chảy thương mại thế giới đang bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Nhiều chỉ số kinh tế toàn cầu cũng đã phản ánh tăng trưởng tích cực của nền kinh tế sau giai đoạn suy thoái trong 4 tháng đầu năm. Chỉ số quản lý thu mua PMI toàn cầu trong tháng 7 của IHS Markit đã tăng lên mức 50,8 điểm, một lần nữa khẳng định niềm tin kinh doanh đang hồi phục.
Mặc dù cần một thời gian dài để doanh nghiệp và người tiêu dùng quay trở lại trạng thái bình thường trong chi tiêu, nhưng những chỉ số kinh tế thời gian vừa qua phần nào khẳng định rằng nền kinh tế toàn cầu đang đi đúng hướng.
Theo ông David Brown, điều quan trọng nhất hiện nay là các quốc gia cần duy trì sự bền vững cũng như lên kế hoạch phục hồi trong dài hạn.
Giám đốc điều hành New View Economics cũng khẳng định các nước cần rút kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ. Theo đó, ông nhấn mạnh việc chấm dứt đại dịch, đánh bại suy thoái và giảm căng thẳng chính trị toàn cầu, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ Trung cần được ưu tiên hiện nay.
Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia phải chấp nhập lãi suất âm, thâm hụt ngân sách, sử dụng các gói nới lỏng định lượng cần thiết trong những năm tới.
Giám đốc David Brown cũng cảnh báo rằng thế giới đang đối mặt với nguy cơ tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, khi người lao động trên toàn cầu gặp phải những khó khăn ngày càng gia tăng như lương thấp, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao.
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội toàn cầu. Một trong số đó là xu hướng tiêu cực "sa thải và tuyển lại" tại một số doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Nhiều tập đoàn đã lợi dụng suy thoái kinh tế để trả lương thấp và hạ thấp điều kiện làm việc của công nhân nhằm tăng năng suất và lợi nhuận.
Trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách cần duy trì thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, đồng thời đảm bảo căng thẳng xã hội ở mức tối thiểu.
Đại diện New View Economics nhận định rằng đây không chỉ là những biện pháp đối phó với đại dịch tạm thời mà chính phủ các nước cần xem xét thay đổi chính sách trong dài hạn, ít nhất là trong nhiều thập kỷ tới. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia phải chấp nhận thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ lớn hơn rất nhiều trong tương lai.
Đây là giai đoạn kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều những thách thức cùng lúc: chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Brexit, đại dịch Covid-19. Nếu các nhà lãnh đạo toàn cầu đặt ra những chính sách bền vững và lâu dài, nền kinh tế sẽ có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, nếu các nhà hoạch định chính sách đi sai hướng, nền kinh tế sẽ phải chịu những hậu quả tồi tệ chưa từng có, đồng thời sẽ mất đi cơ hội phục hồi kinh tế hoàn toàn.