Đó là góc nhìn của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng cá nhân MBS đưa ra trong buổi Talk với chủ đề "Vững vàng đi lên: Cơ hội thị trường khi kinh tế hồi phục".
Theo đánh giá của ông Sơn, những yếu tố vĩ mô tích cực vẫn đang ủng hộ đà tăng trưởng của chứng khoán trong năm 2022. Tuy vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi Fed có thể thực hiện tăng lãi suất trong thời gian tới, song chuyên gia vẫn giữ quan điểm thị trường sẽ không bị tác động quá nhiều bởi điều này. Theo đó, trong những lần tăng lãi suất đầu tiên, thị trường có thể sẽ có những nhịp rung lắc. Tuy nhiên, sang đến những đợt tăng lãi suất tiếp theo, thị trường chứng khoán sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại.
Động lực chính thúc đẩy thị trường đi lên trong trung và dài hạn đến từ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sau một thời gian chịu áp lực suy giảm bởi dịch Covid-19. Do đó, những nhịp rung lắc khiến thị trường sụt giảm từ 6-10% chính là cơ hội cho nhà đầu tư mua được cổ phiếu giá rẻ.
Bàn về diễn biến thị trường trong 2 năm qua, vị chuyên gia cho rằng chứng khoán đã có giai đoạn tăng trưởng cả về lượng lẫn chất với chỉ số và thanh khoản tăng cao kỷ lục. Theo quan sát trong năm 2022, khi thị trường xuất hiện những điều chỉnh dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng bán ròng, trong khi các tổ chức lại mua ròng và hướng về VN30. Do đó, để tránh "mua đỉnh bán đáy", nhà đầu tư cần tránh bán tháo trong những giai đoạn như vậy.
Theo ông Sơn, nếu chiến lược năm 2021 là mua theo "trend" thì chiến lược năm nay là gia tăng cổ phiếu ở những nhịp chỉnh sâu của thị trường. Đối với những nhà đầu tư chọn lọc cổ phiếu của doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mặt bằng chung sẽ là người chiến thắng.
"Thị trường chứng khoán đã từng trải qua ba "con sóng" lớn (1) Sóng WTO (2) Sóng thoái vốn (3) Sóng Covid-19 và nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường. Chúng ta đang ở con sóng thứ 3 và chuẩn bị đón một "con sóng" thứ 4 trong thời gian tới. Làn sóng này có thể sẽ tiếp tục bắt nguồn từ những câu chuyện thoái vốn "khủng" của các doanh nghiệp nhà nước và những kỳ vọng về nâng hạng thị trường trong thời gian tới", Giám đốc Nghiên cứu MBS đánh giá.
Hai kịch bản được đưa ra, đầu tiên nếu nền kinh tế hồi phục mạnh, tốc độ mở tài khoản có thể vẫn tăng nhưng giá trị dòng tiền vào chứng khoán sẽ đi ngang hoặc sụt giảm. Điều đã diễn ra ở thị trường Trung Quốc cách đây 10 năm nên nhà đầu tư cần làm quen với diễn biến mới. Đối với kịch bản thứ hai khi kinh tế vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì chắc chắn thị trường chứng khoán vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn dòng tiền.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, tuy nhà đầu tư cá nhân vẫn là một yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường năm 2022, song động lực chính vẫn sẽ đến từ câu chuyện thoái vốn và nâng hạng thị trường chứng khoán.
"Trước và sau Tết thị trường có thể lình xình đi ngang ở mức 1.400 và 1.475 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý giai đoạn tháng 3/2022, việc thực hiện tái cơ cấu ETF và FED tăng lãi suất có thể khiến thị trường chứng kiến những nhịp giảm mạnh. Đó chính là cơ hội chúng ta mua vào để đón "con sóng" tăng trưởng mới vào khoảng quý 2/2022", ông Trần Hoàng Sơn nhận định.
Dự báo về chỉ số VN-Index trong năm 2022, ông Sơn cho biết trong kịch bản cơ bản là thanh khoản trung bình năm 2022 ở mức 28.000 -30.000 tỷ đồng thì chỉ số có thể đạt mức 1.630 điểm. Còn đối với kịch bản lạc quan, thanh khoản ở mức 30.000 - 32.000 tỷ đồng thì VN-Index có thể đạt mốc 1.646-1.688 điểm.
Bàn về xu hướng dòng tiền trong thời gian tới, chuyên gia dự báo dòng tiền có thể chảy mạnh nhất vào 4 nhóm bao gồm: Ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, xây dựng và vật liệu xây dựng.