Tại đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) đã có những đánh giá về các biến động thị trường trong thời gian qua. Cụ thể, chuyên gia BSC chỉ ra hai yếu tố hỗ trợ cho thị trường:
Thứ nhất về chỉ tiêu vĩ mô của Việt Nam: Quý 1 tăng trưởng GDP trên 5%; CPI 2,6%; tăng trưởng xuất nhập khẩu trên 12%; thặng dư thương mại 2,5 tỷ USD. Đồng thời tăng trưởng tín dụng ở mức 5%.
Thứ hai về góc độ thị trường, VN-Index có đợt điều chỉnh khiến mức định giá P/E rơi vào khoảng 14,9 lần. Đây là mốc tiêu chuẩn để có thể định giá là thị trường đang ở giai đoạn rẻ hơn hay là hơi đắt hơn. Và chuyên gia BSC đánh giá thị trường đang ở một giai đoạn hơi rẻ.
Theo thống kê của BSC, đến hết tháng 4 đã có khoảng 900 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh, tổng quy mô lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này tăng trưởng mức 33% so với quý I/2021 và tăng trưởng hơn 12% so với quý IV/2021 vừa rồi.
Điểm tích cực này cho thấy rằng các doanh nghiệp cũng đang phục hồi. Ông Long lạc quan rằng mức độ biến động thời gian qua là cần thiết cho thị trường, đảm bảo đà tăng trưởng dài hạn.
NĐT nước ngoài mua vào khi thị trường giảm điểm, tự tin vào tương lai của nền kinh tế Việt Nam, cũng như là thị trường chứng khoán Việt Nam
Ông Trần Hoàng Long chia sẻ đã từng dành nhiều thời gian để trao đổi với những nhà đầu tư nước ngoài, đa số họ đều đánh giá Việt Nam vẫn là một trong những cơ hội đầu tư rất lớn, không phải chỉ trong vòng một, hai năm mà có thể kéo dài trong khoảng thập kỷ tới.
Đối với FDI, hai năm vừa rồi là hai năm rất khó khăn bởi dịch bệnh Covid 19, nhưng xuất nhập khẩu FDI vẫn tăng trưởng rất mạnh. Hiện tại hoạt động đầu tư của khối FDI, riêng với phần giải ngân của 4 tháng vừa rồi là khoảng 5,9 tỷ USD, tăng khoảng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài trong 2 năm vừa rồi bán ròng rất mạnh. Đến tháng 4 này, thị trường bắt đầu giảm điểm, họ lại mua vào với quy mô trên 180 triệu USD. Ông đánh giá điểm này rất quan trọng vì nó thể hiện mức độ dài hạn của các nhà đầu tư nước ngoài. Họ mua vào khi thị trường giảm điểm hơn là khi thị trường tăng điểm, ngược lại với những nhà đầu tư cá nhân. Điều này thể hiện mức độ tin tưởng vào tương lai của nền kinh tế Việt Nam, cũng như là thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo quan điểm của ông Long, Việt Nam có một độ trễ nhất định trong quá trình phát triển các làn sóng Covid so với các quốc gia ở phương Tây, nhất là ở Châu Âu hay ở Mỹ; tương tự với chu kỳ hồi phục kinh tế cũng có độ trễ. "Góc nhìn của tôi về chính sách tiền tệ đang có hiện nay không hẳn là nới lỏng, nhưng không hẳn là thắt chặt. Việt Nam đang ở một trạng thái tốt hơn so với rất nhiều các quốc gia khác và sẽ hỗ trợ khá tốt cho thị trường", chuyên gia BSC chia sẻ thêm.
Đầu tư cũng giống như chăm một cái cây, muốn có quả phải dành nhiều thời gian chăm sóc
Chuyên gia BSC cho rằng đa số các NĐT vừa có hai năm cực kỳ hạnh phúc, bởi tỷ lệ thành công khá cao do xu thế chung của thị trường hai năm qua là đi lên.
Nhưng năm nay sẽ là thử thách thực sự với các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường mà chưa trải qua những đợt thị trường có những biến động, tăng giảm mạnh.
Để thành công, NĐT sẽ phải bỏ nhiều công sức hơn để lựa chọn ra những doanh nghiệp đem lại tăng trưởng về mặt kết quả kinh doanh vượt trội hơn so với ngành, so với thị trường chung.
Trên góc độ dài hạn, Giám đốc phân tích BSC đánh giá thị trường Việt Nam vẫn là một thị trường cực kỳ tiềm năng. Ông nhắn nhủ các NĐT thay vì đầu tư thời gian ngắn hạn trong tuần, trong tháng, hãy nghĩ đến năm 2023, 2024 khi Việt Nam có cơ hội để trở thành thị trường mới nổi Emerging market.
"Tôi nghĩ rằng cụm từ đầu tư thì mặc nhiên nó đã mang đến ý nghĩa dài hạn rồi. Thời gian mà ngắn hơn 1 năm thì thường người ta cũng không gọi đấy là đầu tư. Như đối với một cây mà muốn có quả thì chúng ta phải chăm sóc rất nhiều thời gian và cũng không thể nào chăm sóc để ngày mai có quả ngay được", ông cho biết.
Ngoài ra, ông Trần Hoàng Long nhấn mạnh rằng nhà đầu tư không nên quá quan tâm đến mệnh giá là lớn hay nhỏ. Cái quan trọng nên chú ý doanh nghiệp có thực sự đang thể hiện sự tăng trưởng tốt hơn so với thị trường: về doanh thu, lợi nhuận, hay những sản phẩm mới có dẫn đầu thị trường ở những phân khúc nhất định hay không. Từ đó, đưa ra quyết định đúng đắn nhất khi lựa chọn doanh nghiệp.