Tại sự kiện "Tìm nguồn vốn cho doanh nghiệp trong đại dịch" do Endeavor tổ chức, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc quỹ đầu tư Do Ventures nhận định năm 2021 mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát nhưng có thể là năm kỷ lục của Việt Nam khi tổng số tiền đầu tư vào các startup Việt Nam năm nay lần đầu tiên vượt cột mốc 1 tỷ USD.
Theo Giám đốc quỹ Do Ventures, khi Covid xảy ra nhiều nhà đầu tư không đến Việt Nam trực tiếp gặp startup khiến số tiền đầu tư khởi nghiệp vào Việt Nam năm 2020 giảm một nửa so với năm 2019, tuy nhiên tổng thương vụ đầu tư chỉ giảm khoảng 17%, trong đó rất nhiều thương vụ vòng seed đã được diễn ra vào quý 3,4/2020 thông qua online vì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào thị trường Việt Nam.
Theo dữ liệu thống kê của Do Ventures và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NSI), 9 tháng 2021 chứng kiến sự phục hồi rất nhanh trong mảng đầu tư vốn mạo hiểm (venture capital) tại Việt Nam với tổng giá trị đạt khoảng 600 triệu USD, tổng số thương vụ 9 tháng đầu năm 2021 gần về bằng mức 2020. Thông thường, quý 4 luôn là quý tốt nhất nên Do Ventures đưa ra kịch bản năm nay là năm kỉ lục của VN và tổng số tiền đầu tư vào startup Việt Nam lần đầu tiên vượt cột mốc 1 tỷ USD.
Thống kê dòng vốn vào Việt Nam các năm, năm 2021 bất ngờ có thể vượt 2019 về giá trị đầu tư vốn mạo hiểm (nguồn: Do Ventures)
Cũng theo dữ liệu của Do Ventures, các vòng gọi vốn nổi bật 9 tháng đầu năm như VNLife gọi vốn được 250 triệu USD, KiotViet 45 triệu USD, Seedcom, Tiki không đưa ra con số gọi vốn chi tiết, Elsa, Gene Solutions gọi vốn 15 triệu USD, Point Avenue, Loship huy động 12 triệu USD…
Năn 2021 chứng kiến một sự phục hồi rất lớn, vòng gọi vốn từ 500.000 USD -3 triệu USD đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay (vượt năm 2019 là năm đỉnh cao của dòng vốn mạo hiểm vào Việt Nam).
Các thương vụ gọi vốn nổi bật năm 2021 (Nguồn: Do Ventures)
Thống kê theo ngành nghề, trước đây Thanh toán (payment) và Ecommerce là 2 ngành được quan tâm nhất nhưng năm 2021 tiền không dồn vào các công ty lớn mà rải ra các ngành khác như edtech, y tế được rót vốn nhiều nhất từ trước đến nay..
Nếu thống kê theo series, số liệu của Do Ventures thống kê năm 2021 series A huy động được vốn kỷ lục từ xưa đến nay. Giá trị thương vụ trung bình trong mỗi series trong năm 2020 có sự giảm đặc biệt tại các size pre series A (còn khoảng 200.000 USD/thương vụ), series A giảm từ 3 triệu USD còn 1,4 triệu USD/thương vụ, thì sang năm 2021 tăng trưởng preA lên 500.000 USD/thương vụ, series A lên 2 triệu USD/thương vụ, series B đạt trung bình là 11 triệu USD/thương vụ.
Giá trị thương vụ theo size: Nguồn: Do Ventures
Startup huy động vốn như thế nào trong thời đại dịch?
Bà Lê Hoàng Uyên Vy chia sẻ về hình thức huy động vốn cho các startup dựa trên từng giai đoạn trưởng thành của công ty, đồ thị được tham khảo từ Innovation WorkS. Theo đó, đồ thị chia ra làm 7 giai đoạn, startup đang ở giai đoạn nào thì tiếp nhận nguồn vốn và nhà đầu tư ở giai đoạn đó.
Khi mới ở giai đoạn ý tưởng, startup đa phần huy động vốn từ nguồn tự có, gia đình, bạn bè.
Khi startup đã có sản phẩm, giới thiệu ra thị trường thì huy động vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, lúc này sẽ từ 10.000 USD - 1 triệu USD.
Đến giai đoạn triển khai, các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể đầu tư từ 500.000 USD - 20 triệu USD, một số ít các nhà đầu tư như Softbank có thể đầu tư size thấp nhất 100 triệu USD lên đến vài tỷ USD.
Khi công ty đến giai đoạn tăng trưởng, muốn huy động vốn lớn từ các quỹ PE thì lúc này phải chứng minh có lợi nhuận,...lúc này các quỹ PE có thể đầu tư từ 20-50 triệu USD nhưng sẽ yêu cầu khắt khe hơn, một công ty đủ mạnh thì có thể IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nguồn: Do Ventures
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, khi đại dịch xảy ra việc huy động vốn của các startup sẽ không dễ như trước bởi nếu trao đổi qua online startup khó có thể diễn đạt hết thế mạnh của mình.
Có nhiều hình thức bổ trợ cho việc gọi vốn của startup bao gồm vay ngân hàng hoặc quỹ đầu , crowdfunding (gọi vốn cộng đồng), tham gia các cuộc thi khởi nghiệp để giành giải thưởng (startup cometition) và một xu hướng mới là huy động vốn từ các quỹ blockchain (blockchain fundrasing).
Một số ngân hàng hiện nay có các chính sách cho vay với doanh nghiệp SMEs, startups có hàng tồn kho có thể làm tài sản thế chấp, bên cạnh đó cũng có một số quỹ đầu tư có hình thức ventures dept gọi vốn bằng nợ, các quỹ này có thể chấp nhận rủi ro cao hơn.
Với hình thức huy động vốn cộng đồng, điều này tuỳ thuộc vào sản phẩm của startup có thể được bán trước qua Indiego, Patreon, GoFundMe...để lấy tiền đầu tư vào sản phẩm, đây cũng là một hình thức marketing cho các nhà đầu tư sớm.
Hình thức thứ ba mà các startup nên tận dụng là các cuộc thi khởi nghiệp, có giải thưởng lên đến 1 triệu USD. Qua các cuộc thi startup có thể rèn luyện khả năng thuyết trình, gặp gỡ nhiều nhà đầu tư, và có nguồn tiền duy trì qua mùa dịch, nhất là các startup chưa có nhiều con số để thuyết phục nhà đầu tư,
Với hình thức blockchain fund rasing, một startup gọi vốn bằng VC phải có sản phẩm nhất định, nhưng gọi vốn qua blockchain đôi khi chỉ cần ý tưởng đã gọi được vốn, hình thức này đang bùng nổ vì không có nhiều rào cản về giấy tờ pháp lý, nhà đầu tư có thể chuyển khoản vào ví rất nhanh. Trong gọi vốn mạo hiểm thông thường, phần lớn vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi một quỹ đầu tư VC chính và 1-2 nhà đầu tư khác, trong khi gọi vốn qua blockchain fund rasing thì một dự án có thể có tới 20-100 đơn vị cùng vào.
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, các startup không nên chạy theo trend và bong bóng, nhưng với hình thức huy động vốn từ cộng đồng blockchain, nếu startup tận dụng tốt thì đây là cơ hội ngàn năm có một cho khởi ngiệp ở Việt Nam. Bà Vy nhắc tới startup Axie Infinities đã gọi vốn 152 triệu USD thời gian qua. "Lần đầu tiên trong lịch sử có một dự án ở Việt Nam được thế giới quan tâm, đầu tư và công nhận, lần đầu tiên tiên có một startup Việt không đi theo trend mà tạo trend mới trong blockchain game, nhiều quỹ đầu tư trên thế giới tìm đến chúng tôi chủ động nhắn nhủ: khi các bạn tìm thấy dự án blockchain nào tại Việt Nam thì gọi chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng đầu tư", bà Vy chia sẻ.
Nhắn nhủ đến cộng đồng startup, Giám đốc quỹ đầu tư Do Ventures đưa ra lời khuyên: "Công ty là của mình, nhà đầu tư có vào thì là nhà đầu tư thiểu số, do đó trước khi mình trông chờ ai đấy cứu công ty mình thì tự bản thân mình phải tái cấu trúc để tồn tại đã. Tôi ấn tượng với một số công ty trong ngành bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch như du lịch, bán lẻ, các startup đã chủ động cắt giảm chi phí cố gắng tìm nguồn doanh thu mới để vượt qua giai đoạn này. Dù ai đầu tư cho mình thì bản chất nền tảng công ty phải tốt và có hướng phát triển cho dài hạn. Thứ ba, trong thời gian khủng hoảng mới có công ty đột phá, như khủng hoảng Sars 2002-2003 đã giúp bùng nổ mua bán online tại TQ và khiến Alibaba ra đời, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2009-2010 đã tạo ra nền kinh tế chia sẻ (sharing Economy) hay hình thức cho vay ngang hàng P2P landing..tôi tin rằng Covid không phải ngoại lệ. Sẽ có nhiều enovation tạo ra giai đoạn này mà 5-10 năm sau chung ta sẽ nhìn lại, các doanh nghiệp nếu tìm ra cơ hội sẽ tăng trưởng đột biến nhất".