Dịch bệnh Covid-19 được ví như con “thiên nga đen” của năm 2020, tác động đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Và đương nhiên, các startup từ lớn đến nhỏ, cũng không thoát khỏi vòng tròn ảnh hưởng ấy. Bên cạnh đó, những “ông bầu” là các VC (venture capital - quỹ đầu tư mạo hiểm) vốn được biết đến với ngân sách dồi dào thì nay cũng gặp khó.
Trong webinar “Covid-19: Nhật thực không báo trước với startup” diễn ra mới đây, chị Lê Hàn Tuệ Lâm - Giám đốc đại diện quỹ Nextrans tại Việt Nam, cho rằng nếu như đây là thời điểm các startup phải cố kiếm tiền với mục tiêu sống sót thì VC cũng không khấm khá hơn.
“Đây không phải là thời điểm để kén cá chọn canh rằng ngành này hay ngành kia “hot” mà có hai nhiệm vụ cơ bản. Thứ nhất, làm thế nào để vực dậy danh mục hiện tại. Thứ hai, diễn biến tiếp theo của nền kinh tế sẽ đi đến đâu để nếu chúng ta buộc phải đặt cược thì sẽ đặt cược vào ngành nào”, chị chia sẻ.
Việc đốt tiền để đổi lấy tăng trưởng không còn là “hot case” mà VC quan tâm nữa. Bởi hiện tại mọi bên đều cần tiền nên sẽ hướng đến những doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận và ổn định về mặt dài hạn. Đó được coi là bước chuyển đáng kể nhất trong các hoạt động của VC.
Giám đốc Đại diện quỹ Nextrans - Lê Hàn Tuệ Lâm.
Đồng thời, Covid-19 đã vô hình chung tạo ra một cuộc chọn lọc tự nhiên dành cho giới startup và cả các quỹ đầu tư mạo hiểm.
“Sau mùa dịch này, không những startup mà cũng sẽ có rất nhiều VC phải rời cuộc chơi. Họ không còn đủ tiền, danh mục của họ cũng chịu ảnh hưởng và không thể vực dậy. Có những VC sẽ “chết” theo. Những VC còn lại cũng phải hành động rất mạnh mẽ, làm thế nào để vượt qua thời kỳ khó khăn này”, chị Tuệ Lâm cho biết.
Đồng thời, nữ giám đốc cũng chỉ ra thực trạng đang bị bóp méo của giới đầu tư mạo hiểm, mà bắt nguồn và có tác động lớn chính là quỹ Vision Fund của SoftBank, được tỷ phú người Nhật Maysayoshi dẫn dắt.
“SoftBank có rất nhiều tiền, tất cả những startup được hỗ trợ bởi quỹ này thì đều đốt tiền. Vì SoftBank đốt tiền nên các VC khác cũng phải đốt tiền theo, nếu không họ không thể tồn tại, danh mục của họ không thể đấu lại với danh mục của SoftBank”. Chính điều này đã khiến thị trường bị bóp méo và dẫn đến chủ nghĩa đốt tiền lấy tăng trưởng.
Tuy nhiên, hiện các startup của SoftBank hầu hết đang tăng trưởng ở mức 10 - 11%, trong khi thị trường chứng khoán đang tăng trưởng đến 30%. Vì thế, đến thời điểm thị trường có sự điều chỉnh, những cơn “hưng phấn” của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán không còn thì những doanh nghiệp không giữ được đà tăng trưởng sẽ gặp khó.
Nói tóm lại, nếu quỹ đầu tư hay startup gặp khó hay phải dừng cuộc chơi thì đều không có lợi cho ai. Do đó, trong thời điểm hiện tại, nữ giám đốc quỹ Nextrans vẫn giữ nguyên lời khuyên với các startup, đó là cần thực sự phải tập trung.
“Dịch bệnh đến với tất cả mọi người chứ không riêng ai và một ngày vẫn có 24 giờ, nếu chúng ta dành thời gian phát triển sản phẩm, phát triển đội ngũ để giải quyết “main point” (nỗi đau - PV) của thị trường thì sẽ đi được xa”, chị Tuệ Lâm nhắn nhủ.