Chia sẻ trong buổi hội thảo mới đây do Chứng khoán HSC tổ chức, bà Bùi Hoàng Minh - Chuyên gia phân tích cao cấp khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán HSC cho biết, Việt Nam vẫn là một trong các thị trường có tốc độ tăng trưởng EPS cao và định giá P/E đã trở về mức hấp dẫn so với các thị trường khu vực trong dài hạn. Thêm vào đó, các phiên gần đây khối ngoại tích cực mua ròng trở lại, điều này cho thấy thị đang được định giá hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư ngoại.
Tuy dòng vốn nước ngoài quay lại khá chậm rãi do mất đi yếu tố tiền rẻ, song chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp đã công bố kế hoạch và báo cáo quý 1/2022 có đủ số liệu cho các quỹ tính toán. Bên cạnh đó, với định giá hấp dẫn của thị trường Việt Nam, các quỹ có thể đi huy động vốn dựa trên các ước tính về sự tăng trưởng tích cực được duy trì. Do đó, kỳ vọng về sự quay trở lại của ETF có thể là điểm tựa cho nhà đầu tư cá nhân có cái nhìn dài hạn hơn về thị trường chứng khoán.
Nhìn nhận về yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán, bà Vũ Thị Thu Thủy, Giám đốc tư vấn và nhận định thị trường, Khối khách hàng cá nhân HSC cho rằng, những động thái tăng lãi suất của Fed dấy lên những lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Đặc biệt, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đang phản ánh các tác động của việc Fed tăng lãi suất và giảm bảng cân đối kế toán từ tháng 5 tới nhằm đối phó với rủi ro lạm phát tăng cao kéo dài. Tuy nhiên, nhìn lại 12 đợt tăng lãi suất của Fed trong quá khứ, chỉ có 1 lần thị trường cổ phiếu giảm giá, còn lại 11 lần đều tăng điểm, có giai đoạn tăng đến 20%/năm.
Trước những cơ hội và rủi ro trên, lựa chọn cổ phiếu như thế nào là điều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Dưới góc nhìn ngắn hạn, Giám đốc Tư vấn HSC cho rằng hai nhóm cổ phiếu có khả năng phục hồi mạnh nhất trong ngắn hạn đó là nhóm phục hồi mạnh nhất và nhóm giảm điểm ít nhất trong thời gian qua. Cụ thể, nhóm giảm điểm mạnh nhất như cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu chứng khoán và các cổ phiếu midcap hay small cap khác có thể sẽ hồi kỹ thuật mạnh trong ngắn hạn.
Đối với góc nhìn dài hạn, các nhóm cổ phiếu phòng thủ, kháng lạm phát, có mức trả cổ tức tiền mặt cao luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Đơn cử là nhóm cổ phiếu công nghệ, năng lượng, bất động sản, điện nước, dược phẩm và bảo hiểm.
Với nhóm cổ phiếu điện, nước, chuyên gia HSC dự báo có tiềm năng tăng trưởng tốt vào nửa cuối năm. Bởi theo thống kê cho thấy GDP tăng trưởng 1%, lượng điện cần cần có thể là 12-15%. Do đó, trong xu hướng năng lượng sạch hiện nay thì những cổ phiếu ngành điện có khả năng hưởng lợi khá lớn. Những cổ phiếu được dự báo có khả năng tăng tốt là POW, REE, BWE, GEG, PC1.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bảo hiểm có thể hưởng lợi nhờ việc Fed tăng lãi suất. Mặt khác, lợi suất trái phiếu Chính Phủ cũng tăng khá mạnh thời gian qua, cụ thể tuần vừa rồi tăng mạnh đến 5%, hiện hạ nhiệt còn khoảng 3%. Trong khi đó, khoảng 80% danh mục của các công ty bảo hiểm giải ngân vào trái phiếu và tiền gửi. Do đó, lãi suất huy động và lợi suất trái phiếu Chính Phủ tăng thì các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được hưởng lợi lớn. Các công ty tiềm năng được kể đến là PVI, BVH.
Vị chuyên gia cũng đánh giá cao nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp là nhóm ngành có dòng tiền ổn định, chia cổ tức cao, đồng thời lại có tiềm năng tăng trưởng tốt trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam đang khởi sắc. Những cổ phiếu như KBC, PHR, DPR dự báo có cơ hội lớn.
Ngoài ra, lãnh đạo HSC cũng đưa ra một danh mục cổ phiếu cho tầm nhìn quý 2 và xa hơn là 2023 như công nghệ viễn thông (FPT, CTR), năng lượng (GAS, PVS, PVD), bất động sản dân dụng (DXG, NLG) và dược phẩm (DHG).
Những nhịp chỉnh không liên quan đến cốt lõi vẫn còn tích cực và được hưởng lợi trong dài hạn. Nhóm phân bón hóa chất vẫn được hưởng lơi, nhịp điều chỉnh tạo cơ hội cho nhà đầu tư mới tham gia.