Sau nghỉ Tết, "nghỉ việc" trở thành từ khoá nhạy cảm với nhiều người, cả hội làm công ăn lương lẫn phe làm chủ. Người dứt áo ra đi loay hoay tìm "bến đỗ" mới, người ở lại tập trung tìm kiếm nhân tài để thế chỗ. Chưa kể nếu nghỉ việc trong hoà bình thì không sao, chẳng may có vấn đề gì, hội hóng hớt công sở lại được "hít" drama mệt nghỉ. Nói chung là nháo nhào hết cả lên, khiến dân tình phải gọi quãng thời gian sau Tết là "mùa nhảy việc".
Trong không khí tất bật của "mùa nhảy việc" năm nay, chúng tôi đã liên hệ với anh Nguyễn Hoàng Hải - thành viên HĐQT và Giám đốc tài chính của Flyer (Hà Nội) và Genesi Creative (TP.HCM). Trước đó, anh Hải là co-founder kiêm CIO (Chief Investor-Relation Officer - Giám đốc điều hành chịu trách nhiệm quản lý mối quan hệ với các nhà đầu tư) của CTCP Truyền thông Canavi Việt Nam - đơn vị sở hữu nền tảng việc làm kết nối nhà tuyển dụng và ứng viên.
Anh Nguyễn Hoàng Hải
Nguyễn Hoàng Hải
Sinh năm 1990
Thành viên HĐQT và Giám đốc tài chính của Flyer (Hà Nội) và Genesi Creative (TP.HCM).
Từng là Co-founder kiêm CEO Canavi Việt Nam.
Tháng 4/2017, được Forbes vinh danh trong top 30 Under 30 châu Á.
Từng là Co-founder của VIVI Digital và cổ đông của AdsBNC.
Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại ĐH RMIT.
Sau nhiều năm kinh nghiệm làm lãnh đạo nói chung và lãnh đạo trong ngành tuyển dụng, anh Hoàng Hải sẽ có những chia sẻ súc tích nhưng thiết thực cho cả các leader lẫn nhân sự xoay quanh 2 từ "nghỉ việc".
Cùng trò chuyện với anh Nguyễn Hoàng Hải!
- Lãnh đạo khá nhiều công ty, anh đã từng biết hoặc "được" trải nghiệm một ca nghỉ việc có thể cho là vô tiền khoáng hậu nào chưa?
Rồi. Đó là khi mình thành lập công ty đầu tiên. Nhân sự này vào làm việc được một thời gian thì nghỉ việc với lý do là sắp đi du học thạc sĩ. Cả công ty vui vẻ chúc mừng và hỗ trợ bạn bàn giao công việc ổn thoả. Nhưng sau đó, mọi người thấy bạn vẫn ở Việt Nam và còn làm ở một công ty khác cùng mảng với công ty cũ.
Ai cũng thấy làm bất ngờ và cũng không hiểu tại sao chỉ vì muốn nghỉ việc mà bạn lại phải lấy lý do như vậy.
- Anh có gặp vấn đề với cách nghỉ việc của những nhân viên Gen Z trong công ty mình không?
Không chỉ Gen Z mà rất nhiều nhân sự tại các công ty, khi đã xin nghỉ việc thì quãng thời gian còn lại họ sẽ không còn tập trung làm việc, nhiệt huyết giảm. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến những người cộng sự xung quanh. Vậy nên công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ bàn giao lên 3 - 4 lần và cho họ rời công ty sớm (vẫn trả đủ lương sau 30 ngày thông báo) để hạn chế gây tác động tới các nhân sự khác.
- Theo anh, nhân sự khi muốn nghỉ việc nên trình bày nghỉ ngay hay cứ đòi tăng lương trước rồi không được thì mới nghỉ?
Việc đòi tăng lương còn tuỳ thuộc lý do muốn nghỉ việc là gì. Nếu thấy mình làm việc hiệu quả tốt mà đề xuất tăng lương không được thì có thể xin nghỉ, tìm nơi khác đãi ngộ tốt hơn. Còn nếu mục đích làm tại công ty là để học, để vượt qua các thử thách và hoàn thiện bản thân hay năng lực của bạn chưa đủ đáp ứng điều kiện của công ty để được tăng lương thì cần phải nỗ lực làm việc, trau dồi nhiều hơn.
- Một nhân viên/ leader giỏi nghỉ việc lôi kéo theo nhiều nhân sự khác cũng ra đi (đến công ty mới xây team) thì người đó đáng trách hay... đáng khen (vì có uy tín cá nhân)?
Thường nhân viên làm việc tại công ty sẽ phải ký thoả thuận ghi nhớ là: Sau khi nghỉ sẽ không làm cho đối thủ cạnh tranh (1 - 2 năm) và không được lôi kéo nhân sự công ty đi. Nếu đã thoả thuận và đồng ý rồi mà vẫn làm thì đáng trách.
- Nếu sau này những nhân sự đó quay trở lại thì anh có tiếp nhận không?
Nhân sự ra đi vì những lý do như muốn học hỏi thêm hay để bản thân đối mặt với thử thách lớn hơn, các công ty thường sẵn sàng chào đón khi họ quay trở lại. Tuy nhiên, lúc ra đi mà nhân sự tạo mâu thuẫn, làm tại công ty cạnh tranh với công ty cũ thì sẽ không được chào đón lại.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!
Ảnh: NVCC