Đây là nội dung trong Quyết định số 255 của Thủ tướng Chính phủ về mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Quyết định này có hiệu lực từ đầu tháng 3-2019.
Nghị định số 100 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều khoản về phát triển và quản lý nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở. Theo đó, các đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; hộ gia đình nghèo và cận nghèo ở nông thôn; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại đô thị; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định; học sinh, sinh viên được sử dụng nhà trong thời gian học tập; sĩ quan, quân nhân…
Những đối tượng này nếu chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập… thì sẽ được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Một dự án nhà ở xã hội ở quận 10, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Với trường hợp người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết với mức lãi ưu đãi 5%/năm, người vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở sẽ giảm bớt áp lực trả nợ, giảm gánh nặng về tài chính cho gia đình. Mức lãi suất này thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay mua nhà thông thường của các ngân hàng thương mại hiện nay.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 là khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP HCM khoảng 134.000 căn, Hà Nội 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn… Đến nay, cả nước chỉ mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch đã đề ra. Hiện TP HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, đến năm 2020 có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), đến nay, nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội hiện chưa cấp tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020. Các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cũng chưa thể tham gia thực hiện chính sách nhà ở xã hội do chưa được tái cấp vốn ngân sách nhà nước… Việc tiếp cận vốn vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đang bị vướng do căn hộ nhà ở xã hội thường đã bị chủ đầu tư dự án thế chấp ngân hàng thương mại. Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được phép cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay.
Do đó, HoREA kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ nguồn vốn ngân sách cho cả 4 tổ chức tín dụng được chỉ định, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank. Đây là những ngân hàng chủ lực đã tham gia thực hiện chính sách cho vay ưu đãi với các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội. Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, HoREA kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội giảm xuống còn 3%-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp tại đô thị.