Chưa bao giờ thị trường ôtô Việt Nam lại rơi vào tình cảnh "nháo nhào" với câu chuyện giảm giá bán lẻ như năm 2017. Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến cuộc đua giảm giá và cũng có nhiều kết quả đôi khi là trái ngược được tạo nên.
"Xô" nhau giảm giá
Nếu câu hỏi đặt ra là ai đã mở đầu cho cuộc đua giảm giá ở thị trường ôtô Việt Nam thì câu trả lời thuyết phục nhất chính là Trường Hải (Thaco), hãng xe trong nước đang quản lý 2 thương hiệu xe du lịch Mazda và Kia.
Ngay sau cái bắt tay hợp tác sản xuất và phân phối với tập đoàn ôtô Nhật Bản, Thaco đã đặt mục tiêu phát triển Mazda trở thành một trong những thương hiệu lớn tại thị trường ôtô Việt Nam.
Gia nhập muộn hơn nhưng lại có nhiều "sân sau" là thành công của thương hiệu Kia, là điểm tựa từ mảng xe bus và xe tải, thậm chí là cả nguồn vốn xoay vòng từ lĩnh vực bất động sản, Thaco đã lao vào cuộc chơi giảm giá với Mazda từ cách đây 2 năm chứ không phải đợi đến tận 2017.
Mục tiêu mà Thaco khẳng định là phải thúc đẩy sản lượng bán hàng của Mazda lên mốc 50.000 xe/năm. Đạt được điều này, Thaco sẽ chính thức nhận chuyển giao công nghệ và thiết bị từ Mazda Nhật Bản để sản xuất, chiếm lĩnh thị trường trong nước và lớn hơn nữa là xuất khẩu ngược ra Đông Nam Á, một thị trường hơn 600 triệu dân có thuế suất 0% kể từ ngày 1/1/2018.
Sau những đợt giảm giá mạnh mẽ được thực hiện năm 2016, sản lượng bán hàng của Mazda liên tục tăng trưởng với những mẫu xe đình đám là Mazda3, CX-5 và cả BT-50. Kết thúc năm 2016, Thaco bán ra thị trường tổng cộng 32.000 chiếc Mazda, qua đó đưa thương hiệu này vào nhóm 5 thương hiệu lớn nhất thị trường.
Tuy nhiên, khoảng cách đến mốc sản lượng 50.000 chiếc/năm vẫn còn rất xa. Tình thế này đẩy Thaco vào một cuộc chạy giảm giá tiếp sức. Do đó, dù vào đầu năm nay, người đứng đầu mảng xe du lịch của Thaco từng khẳng định giá xe Mazda đã đến "đáy" song như đã biết, giá xe Mazda vẫn tiếp tục giảm cho đến thời điểm hiện tại.
Chính những đợt giảm giá có cảm giác liên tục bất tận, giống như những con sóng biển nối đuôi nhau không bao giờ kết thúc, đã đẩy nhiều hãng xe khác vào cuộc chơi giảm giá nhằm giành giật thị phần. Lần lượt những Honda, Mitsubishi, GM… hay thậm chí là hãng xe lười giảm giá nhất là Toyota cũng đã buộc phải nhập cuộc.
Đó là cuộc giảm giá để cạnh tranh và mỗi quyết định giảm giá với từng tỷ lệ giảm cụ thể đều được các hãng xe đưa ra sau khi đã "nhìn nhau".
Đến nửa cuối năm 2017, những đợt giảm giá càng diễn ra mạnh mẽ hơn và theo đó tăng cấp độ lên thành "bão giá". Cơn "bão giá" lớn chưa từng có tại thị trường ôtô Việt Nam nổi lên từ chính sức ép của người tiêu dùng. Tâm lý chờ đợi giá ôtô giảm vào năm 2018 đã khiến cho sức mua ôtô trên toàn thị trường không thể hồi phục dù giá xe đã liên tiếp giảm xuống.
Ngay trong tháng 9 và tháng 10, giá bán lẻ nhiều loại ôtô thậm chí còn giảm mạnh. Chưa bao giờ giá bán lẻ của một mẫu xe ôtô phổ thông tại Việt Nam lại có thể giảm đến hơn 200 triệu đồng mỗi chiếc. Và ngay ở thời điểm này, khi thị trường còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2017, giá ôtô vẫn chưa cho thấy dấu hiệu ngừng giảm.
Chính sự sốt sắng của các hãng xe trong mục tiêu kích cầu đã khiến những đợt giảm giá liên tu bất tận diễn ra, từ đó kéo theo tâm lý chờ đợi cũng không có hồi kết của người tiêu dùng.
Không chỉ là trái ngọt
Quy luật kinh tế thị trường chỉ ra rằng, những mặt hàng cùng loại và chất lượng tương đương nhau sẽ thắng thế khi có giá bán cạnh tranh hơn. Bởi vậy, mỗi quyết định giảm giá thường có tác dụng kích cầu rất tốt đối với từng nhà cung cấp.
Nhưng với những đợt giảm giá liên tục, cứ đợt sau lại giảm sâu hơn đợt trước, thì đôi khi kết quả lại không như mong đợi.
Mazda đã rất thành công với "chiêu thức" giảm giá trong năm 2016. Không chỉ tiến như vũ bão vào nhóm thương hiệu lớn nhất thị trường bằng tổng sản lượng bán hàng hơn 32.000 chiếc, Mazda còn tạo nên những "trào lưu" với Mazda3 và CX-5.
Song cũng chính những đợt giảm giá nối đuôi nhau đã và đang tạo nên "tác dụng phụ". Người tiêu dùng sẽ chần chừ cho mỗi quyết định mua xe khi không thể biết rằng, sau khi mua về thì giá xe có giảm tiếp hay không. Đã không ít người tiêu dùng ca thán ở các diễn đàn ôtô rằng, họ như bị mất của khi quyết định mua xe sớm. Bởi một sáng thức dậy, họ đọc tin giảm giá xe và họ biết rằng họ vừa đánh rơi cả trăm triệu đồng chỉ sau một ngày.
Đó có lẽ cũng chính là câu trả lời thuyết phục cho tình trạng thị trường vẫn ảm đạm dù mặt bằng giá xe đã xuống rất thấp. Cùng với tâm lý chờ đợi giá xe nhập khẩu ASEAN vào năm 2018, bản thân người tiêu dùng vẫn muốn chờ tiếp xem giá xe sẽ còn giảm đến đâu.
Bản thân Mazda, sau quãng thời gian tăng trưởng mạnh mẽ cũng đã bắt đầu chậm lại. Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 10/2017, tổng sản lượng bán hàng các loại xe Mazda mới chỉ đạt hơn 20.000 chiếc, thấp hơn đến 5.000 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là mức sản lượng này đã bị đẩy ra rất xa so với mục tiêu 50.000 xe/năm mà Thaco cố gắng đạt được.
"Trách" lộ trình cắt giảm thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) một phần thì cũng phải trách bản thân các hãng xe một phần. Chính sự sốt sắng của các hãng xe trong mục tiêu kích cầu đã khiến những đợt giảm giá liên tu bất tận diễn ra, từ đó kéo theo tâm lý chờ đợi cũng không có hồi kết của người tiêu dùng.
Từ một góc nhìn khác, cuộc đua marathon giảm giá có lợi cho nhóm khách hàng mới nhưng đôi khi bị xem như sự phản bội người tiêu dùng trước đó. Chẳng hạn, đầu tháng 9/2017, Honda Việt Nam tiến hành giảm giá cả trăm triệu đồng và theo đó, kéo giá bán lẻ của mẫu xe CR-V xuống thấp nhất 730 triệu đồng. Đành rằng quyết định giảm giá là để giải quyết hàng tồn kho song với những khách hàng mới mua xe trước đó không lâu, đó hẳn là cái tát vào lòng chung thủy.
Trở lại với ví dụ điển hình hơn là Mazda. Hãng xe này không chỉ giảm giá bởi "phát sốt" với tâm lý chờ đợi năm 2018 của người tiêu dùng mà đã liên tiếp giảm giá trong suốt 2 năm trở lại đây. Thành quả Mazda có được là thị phần mở rộng, là doanh số lớn. Nhưng phía sau những thành quả đó có khi là những hệ lụy mà Mazda sẽ phải mất nhiều thời gian giải quyết sau này.
Việc giảm giá liên tục chẳng khác nào một động tác cắt đứt con đường trở lại của người tiêu dùng bởi cảm giác bị "phản bội". Nhìn rộng hơn, mỗi thị trường ôtô mới đều cần được nuôi nấng bởi thị trường xe đã qua sử dụng.
Nhưng với kiểu giảm giá của Mazda, khách hàng cũ sẽ gặp khó khăn để đổi thế hệ mới hơn. Lý do là họ không thể bán đi chiếc xe đang sử dụng khi mà giá của xe mới đã giảm xuống rất thấp. Điều này càng trở nên quan trọng với một thị trường ôtô mà yếu tố giữ giá luôn được người tiêu dùng quan tâm.
Chưa kể, khi tốc độ tăng trưởng quá nhanh, mỗi hãng xe còn phải đối mặt với một thách thức là chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Mazda và trước đây là Hyundai cũng đã từng phải đối mặt với những phản ứng tiêu cực từ thị trường bởi chất lượng dịch vụ và sản phẩm.
Một thực tế phải thừa nhận là mỗi động thái giảm giá đều giúp các hãng xe đạt mục tiêu kích cầu cho riêng mình. Nhưng để phát triển bền vững, giảm giá nên được coi như món "quà tặng" cho người tiêu dùng chứ không phải là động lực để cạnh tranh.