Tại hội nghị về ''Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại'', do Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) cùng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp với Tổng cục Hải quan đồng tổ chức mới đây, các đại biểu đều đồng thuận rằng: cần phải có một “cuộc lột xác” để thuận lợi thương mại, cạnh tranh trở thành động lực phát triển.
Tạo thuận lợi thương mại: Phải lột xác!
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng sau khi điểm lại những thành tích đáng kể về kinh tế vĩ mô, ông đã đề cập ngay đến tác dụng tích cực của tạo thuận lợi thương mại, dù chỉ là những động thái nhỏ nhất.
Bộ trưởng Dũng trích báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2017 và cho hay: thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.
“Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD, tương đương hơn 4.000 tỷ; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu)”, Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói năm 2017, đã có 4.000 tỷ được tiết kiệm cho doanh nghiệp. Ảnh: CHÂN LUẬN
Dĩ nhiên, nếu từ giờ tới cuối năm 2018, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính được tiến hành như Nghị quyết 01 của Chính phủ, thì thuận lợi thương mại còn mang lại kết quả lớn hơn nữa.
Đơn giản là bởi vì, vẫn theo Bộ trưởng Dũng, sẽ có tới 2.800 điều kiện kinh doanh được cắt bỏ hoặc đơn giản hóa. Đương nhiên, hệ quả kéo theo là chi phí chính thức, phi chính thức sẽ giảm đi khi tinh thần của Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp được nâng cao và cụ thể hóa.
Thông qua quá trình triển khai và xây dựng Chính phủ điện tử, thì sự liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước sẽ trở thành nền tảng để cấp độ 3, cấp độ 4 trong thực hiện dịch vụ công không còn là định hướng. Một nền kinh tế số, một xã hội số và một hệ thống công quyền “phi giấy tờ” chắc chắn không phải chỉ là viễn ảnh.
Bảo lãnh thông quan là động lực?
Trong công cuộc tạo thuận lợi thương mại này, Hải quan đang được nhắc đến như một “điển hình” ở nhiều cấp. Ngay như ông Nguyễn Tương - Cố vấn cấp cao Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cũng thừa nhận: “Trong vòng 5 năm trở lại, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đã có những cải tiến lớn, gần như “lột xác”.
Bối cảnh mở cửa của nền kinh tế, cùng sự ra đời của các ủy ban điều phối mở cửa đã thúc đẩy thuận lợi thương mại và nhiều cải tiến về thủ tục hành chính trong hải quan.
Bởi những số liệu được công nhận đã chứng minh điều đó. Chẳng hạn đến tháng 6-2018, hơn 99, 6% doanh nghiệp tham gia thực hiện hải quan điện tử, tỷ lệ hàng hóa qua luồng xanh lên tới 65%, luồng vàng khoảng 30% và luồng đỏ là khoảng 5%.
“Thời gian tiếp nhận và thông quan với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây, với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc”, ông Tường cho biết.
Hội nghị tạo thuận lợi thương mại mới đây khẳng định rằng: bảo lãnh thông quan là một biện pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, cho hay, ngay từ những năm 1988-1989, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, Hải quan đã bắt đầu cải tiến thủ tục hải quan. Đến năm 2010, khi áp dụng CNTT vào Hải quan điện tử, các doanh nghiệp có thể khai báo nhận kết quả thực hiện thông quan ngay tại trụ sở của doanh nghiệp.
“Với quy định hiện nay hải quan kiểm tra thực tế chỉ chiếm 4-5%, còn lại là kiểm tra hồ sơ và theo tờ khai của doanh nghiệp”, ông Hải nói và đề cập thêm: “Tôi biết ở Mỹ lượng kiểm tra thực tế dưới 1% vì họ áp dụng công nghệ mới cho phép theo dõi được hàng hóa”.
Nguyên đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak vẫn nhớ về những ấn tượng tốt đẹp và nói rằng: “Tôi tin hải quan Việt Nam tiếp thu công nghệ nhanh nhất Đông Nam Á. Nhưng nếu thực hiện tốt việc tạo thuận lợi thương mại thì lợi ích cho Việt Nam có khi còn lớn CPTPP, các FTA khác. Vì những hiệp định này chưa chắc mang lợi lợi thế lớn như tạo thuận lợi thương mại, nhất là hệ thống thông quan”.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đồng tình với ông Michael Michalak và nói rằng: Với Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu gấp hơn 2 lần GDP thì tác động của thuận lợi thương mại rất… ghê gớm.
“Làm thế nào gắn kết thủ tục hải quan với các thủ tục chuyên ngành là mấu chốt vấn đề. Vì hiện nay, thủ tục hải quan không quá nhiều, nhưng các thủ tục liên quan khác thì quá nhiều”, ông Tuyển nhận xét.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc tới Hội nghị “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại” do Thủ tướng chủ trì mới đây và cho rằng: “Cần phải tạo điều kiện tốt hơn cho thương mại thông qua cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, ngay cả ở lĩnh vực hải quan”.
Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) đã hỗ trợ cho hải quan Việt Nam cùng các Bộ chuyên ngành nghiên cứu giải pháp Bảo lãnh thông quan như là một trong các giải pháp mang lại đột phá cho quá trình nêu trên, nhằm giúp Việt Nam tạo thuận lợi thương mại và thực hiện các cam kết WTO.
Dự án có sự vào cuộc nghiên cứu của cả khu vực công và tư để đánh giá tính khả thi tại Việt Nam và dự kiến trong tháng 10 này, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ hoàn tất báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thí điểm tại Việt Nam.
Đương nhiên, dù là áp dụng cơ chế mới nào, hay xây dựng chính phủ điện tử, hoặc thúc đẩy cơ chế một cửa, cải cách thể chế, thì cần phải có chỉ số đánh giá, công cụ giám sát, hệ thống theo dõi và đẩy mạnh trách nhiệm giải trình theo hướng công khai, minh bạch.
Bảo lãnh thông quan: Lợi cả đôi đàng
Trước đây tôi làm tư vấn cho một công ty nhập khẩu ô tô lớn. Do thủ tục nên việc nhập khẩu bị chậm trễ. Thật ra tình trạng còn tồi tệ đến mức chúng tôi không có thời gian hoàn thành hồ sơ kê khai. Khi dỡ từng lô hàng thì còn có thể kiểm tra, nhưng khi một container có hàng nghìn phụ kiện thì tình hình rất khó khăn.
Điều này rất khác với khi chúng tôi nhập hàng về Hoa Kỳ. Chúng tôi sử dụng hình thức bảo lãnh cho quá trình thông quan. Vì không có nhiều rủi ro, nên hồ sơ được chấp nhận giải trình thêm sau đó và được gia hạn thời gian phải trình đủ hồ sơ chứng từ liên quan trong vòng 60 ngày. Còn lô hàng thì được giải phóng ngay. Điều này vừa đảm bảo được thuế, phí cho nhà nước mà doanh nghiệp cũng không bị phạt vì chậm nộp các thủ tục.
Ông Nestor Scherbey, cố vấn chính sách cấp cao Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu tại Việt Nam (GATF)
Thuận lợi hóa thương mại: cần cả hai phía
Về phía Chính phủ, cần đẩy mạnh sự kết hợp giữa các bộ, ngành hải quan. Lấy ví dụ như cổng một cửa quốc gia hiện mới có 11 ngành đã tham gia, còn một số ngành chưa tham gia hay chưa tham gia hết các thủ tục (tỉ lệ các thủ tục được kết nối trên cổn một cửa mới đạt tầm 21% số thủ tục cần kết nối). Các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh kết nối để đảm bảo sự đồng bộ trong quá trình thực hiện.
Về phía doanh nghiệp cũng cần minh bạch hóa hoạt động, đồng thời kiểm tra liên ngành thái độ của nhân viên, cán bộ hải quan , xử lý nghiêm các tình trạng gây nhũng nhiễu.
Ông Nguyễn Tương, Hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam