Trong Dự án Luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-2023, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.
Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động có nhiều bài viết phân tích đa chiều và nhận được sự đồng tình của nhiều bạn đọc. Nhiều bạn đọc nhận xét cách đặt vấn đề của bài viết là khách quan, xác đáng, đồng thời phản ảnh được những bất cập của Luật BHXH hiện hành.
Một bạn đọc tên Thế Vân hài hước: "Đến 45 tuổi, vấn đề xương khớp đã xuất hiện rồi, đầu gối đã kêu cọt kẹt rồi, ảnh hưởng đến cuộc sống và việc làm rồi. Nam giới 55 tuổi là nghỉ hưu hợp lý rồi, ai đủ sức khỏe thì làm tiếp, hơn 60 tuổi thì căng lắm". Tương tự, bạn đọc Nguyễn Thọ Triều cho biết: "Tôi đã đóng 19 năm rồi mà mới 48 tuổi trên giấy còn tuổi thật 50 mà sức khỏe đã yếu rồi chứ đừng nói đến 62 tuổi".
Theo bạn đọc Phạm Tuấn Anh, cái cần giảm là giảm tuổi về hưu. Giảm thời gian chỉ là 1 phần nhỏ thôi. Cứ quy định đủ thời gian đóng là dc hưởng lương hưu. Đóng ít hưởng ít, nhiều hưởng nhiều. Một bạn đọc giấu tên cho rằng phải để cho người lao động quyết định mình sẽ nghỉ hưu vào thời điểm nào, điều kiện gia đình, sức khoẻ.....mà nghỉ hưu hay làm tiếp. Còn nếu quy định tuổi nghỉ hưu thì phải có quy định bảo đảm được việc làm cho tất cả người lao động tham gia đóng BHXH. Chứ bây giờ quy định tuổi lĩnh lương hưu nhưng lại không có pháp lý nào bảo vệ, bảo đảm cho người lao động trên 45 tuổi không bị mất việc. "Khi người lao động mất việc thì việc kiếm tiền để sống là cả một vấn đề thì tiền đâu đóng BHXH để duy trì, trong khi đó 1 năm nghỉ trước tuổi lại bị 2% tiền đưa vào quỹ không tăng thêm mà lại tự mất đi là như thế nào. Nếu rút một lần gửi ngân hàng thì hàng tháng vẫn có lãi tăng thêm cơ mà" – bạn đọc này viết.
Ở một góc nhìn khác, bạn đọc tên Huy Mạnh góp ý: "Tôi cho rằng việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm là đúng, ngoài ra còn phải giảm tuổi hưởng nữa, nam 55 nữ 52 và xem lại cách tính lương hưu cho người lao động ngoài Nhà nước. Như hiện tại thì tính trung bình tổng các năm đóng, còn khu vực nhà nước thì 5 năm cuối, trong khi đó người lao động lương thấp hơn nhiều.
Bạn đọc báo cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để Luật BHXH được hoàn chỉnh hơn, góp phần là bệ đỡ an sinh bền vững cho người lao động. Bạn đọc Chương Hà góp ý: "Tuổi nghỉ hưu nên dựa vào năm đóng bảo hiểm! Nếu đóng đủ 35 năm với nam và 30 năm với nữ thì được nghỉ hưu lĩnh lương đủ 75% . Còn nếu chưa đủ năm đóng bảo hiểm thì nam 60 nữ 57 là hợp lý!". Theo bạn đọc Nguyễn Đức Phương Tuấn đề xuất: "Lao động nam tuổi đời 57 và nữ 55 tuổi đóng BHXH bắt buộc 20 năm trở lên nếu có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi?". Còn bạn đọc Đoàn Phú Cường góp ý: "Có rất nhiều ý kiến nhưng theo tôi nên chia ra làm 2 loại: lao động gián tiếp và lao động trực tiếp. Đối với lao động gián tiếp thì tuổi nghỉ hưu càng dài họ càng thích vì công việc họ nhàn hạ. Đối với lao động trực tiếp thì 55 tuổi là làm nặng nhọc hết nổi rồi, tâm lý chỉ muốn nghỉ hưu sớm, sự cực nhọc đã bào mòn sức khỏe của họ rất nhiều rồi".
Bạn đọc Pham Đạt bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc Hội lần này có những ý kiến thực tế nhất và luôn lắng nghe những ý kiến của người trực tiếp lao động. Một bạn đọc tên Nam góp ý: "Cần chia nhóm, đối tượng để xác định tuổi hưu thù hợp lý hơn hiện nay là cào bằng. Ví dụ: nhóm chính trị, chính khách, nhóm sự nghiệp, nhóm lao động tại doanh nghiệp... Chứ cứ nhằm vào giảm năm đóng thì chưa phù hợp, điều người lao động cần là khi nào nhận được lương hưu và mức được nhận là bao nhiêu".
Lắng nghe nguyện vọng người lao động
Bạn đọc Công Thành bày tỏ: "Tôi nghĩ rằng Quốc Hội cần thảo luận nghiêm túc "nguyện vọng của người lao động" theo nguyên tắc: Đóng BHXH 30 năm đối với Nam và 25 năm đối với Nữ thì NLĐ được quyền nhận sổ ít nhất 75% bình quân 3 hay 5 năm cuối. Hoặc là đóng đủ 15 năm trở lên và đã đủ tuổi nghỉ hưu là được nhận sổ, ưu tiên điều kiện đủ tuổi và đủ năm đóng. Ai muốn đóng tiếp thì nhận tỷ lệ cao hơn, cách này NLĐ sẽ hạn chế rút 1 lần và đảm bào nhân văn, nhân đạo, khoa học.