Các xe chờ đến lượt đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm 29-08D (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Để giải quyết tình trạng này, lực lượng cảnh sát giao thông đã tham gia hỗ trợ trực tiếp tại các trung tâm, cùng với đó là một loạt giải pháp đang được cơ quan chức năng khẩn trương triển khai để chấm dứt việc xe xếp hàng chờ đăng kiểm. Nhờ một loạt các giải pháp đưa ra từ cơ quan chức năng và sự hỗ trợ tích cực từ lực lượng cảnh sát giao thông, tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội đã giảm nhiệt.
Sáng 14/3, phóng viên TTXVN có mặt tại Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-03V (Địa chỉ số 2 đường Cầu Giấy, Hà Nội) ghi nhận tình trạng xe xếp hàng chờ đăng kiểm đã giảm hẳn số với tuần trước. Không còn cảnh xe xếp hàng hai hàng ba như những ngày trước đó.
Trong khi đó, lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm 29-04V (Km8, đường Bắc Thăng Long, Nội Bài, Hà Nội) thông tin, đơn vị vừa được bổ sung thêm 3 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông tham gia hỗ trợ đăng kiểm, giúp cho mọi công đoạn được thuận lợi và nhanh hơn. Trong sáng 14/3, nhờ giải pháp phát số cho các xe nên không còn tình trạng xe chờ đăng kiểm kéo dài như những ngày trước. Trong sáng 14/3, đơn vị đã tiếp nhận 50 xe để thực hiện kiểm định theo số phiếu phát ra.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, đây mới là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài muốn giải quyết căn cơ vấn đề trên, cơ quan chức năng cần bắt tay ngay vào việc nghiên cứu các giải pháp từ chính sách đến đào tạo nguồn lực bổ sung cho lĩnh vực này.
Lực lượng CSGT tham gia vào công tác đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm 2903S trên đường Lê Quang Đạo (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, ngay khi có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an, trong tối 10/3 vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông đã phối hợp lên nội dung kế hoạch chi tiết, bố trí lực lượng về các trạm đăng kiểm.
Cục cũng đang phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông xử lý vấn đề kỹ thuật, kết nối phần mềm, cơ sở dữ liệu đăng kiểm của hai bên, đánh giá các đơn vị đăng kiểm của ngành công an để đưa các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện đăng kiểm tham gia hỗ trợ Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Đây là giải pháp trước mắt mà Cục Đăng kiểm Việt Nam đang triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải để thực hiện mục tiêu trong tháng 3/2023 cơ bản chấm dứt ùn tắc đăng kiểm xe.
Song song đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã vận động các trung tâm đăng kiểm địa phương chi viện đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ cho các trung tâm ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Đồng thời, động viên các đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại quay trở lại làm việc.
Ngoài các giải pháp trên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đơn vị đang khẩn trương sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; bổ sung quy định cho phép miễn kiểm tra kỹ thuật khi đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu chưa qua sử dụng; nghiên cứu phương án kéo dài chu kỳ đăng kiểm với các phương tiện mới sử dụng, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 3/2023.
Lực lượng CSGT hỗ trợ các Trung tâm đăng kiểm sẽ thực hiện các công đoạn theo sự phân công của cơ sở. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Để đề xuất thay đổi chu kỳ kiểm định, lãnh đạo Đăng kiểm Việt Nam cho hay, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nghiên cứu trong nhiều tháng qua và đang trong quá trình lấy ý kiến. Quá trình nghiên cứu đã tham khảo mô hình của các nước trên thế giới và trong khu vực, phù hợp nhất với thực tế hiện nay. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ, Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới cũng sẽ sớm được sửa đổi theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Về khó khăn từ việc thiếu hụt nhân sự đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang khẩn trương triển khai các kỳ thi sát hạch đăng kiểm viên để sớm có nhân lực phân công về các đơn vị đăng kiểm nhận nhiệm vụ. Tuy nhiên khó khăn hiện nay đăng kiểm viên được tuyển dụng vào các trung tâm đăng kiểm thuộc Sở Giao thông Vận tải hoặc Cục Đăng kiểm Việt Nam đều phải là viên chức nhưng tại các trung tâm xã hội hóa chỉ là người lao động bình thường.
Ngay cả việc tuyển dụng đăng kiểm viên, điều động chuyển từ khối tư nhân vào làm việc tại các trạm thuộc Cục Đăng kiểm hay Sở Giao thông Vận atir cũng phải thực hiện theo quy định của Luật Viên chức, trong khi đó, trạm tư nhân có thể tuyển thẳng.
Ngay trong giai đoạn ùn tắc đăng kiểm nghiêm trọng hiện nay, để bố trí nhân sự chi viện, Cục vẫn phải vận động, nhờ hỗ trợ chứ không thể điều động như với nhân sự thuộc trạm của Cục.
Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang kiến nghị sửa đổi văn bản pháp luật theo hướng: Cơ sở vật chất của các trạm đăng kiểm sẽ thuộc quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải hoặc doanh nghiệp tư nhân nhưng người lao động thực hiện công tác đăng kiểm xe phải do tổ chức đăng kiểm quản lý.
Cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ hỗ trợ đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm 50-02S (đường Tống Văn Trân, Quận 11, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Linh Sơn/TTXVN
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, đang xem xét ký hợp đồng chuyên gia với những cán bộ đăng kiểm đã nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm để tham gia nghiên cứu sửa đổi văn bản, hỗ trợ Cục tập huấn nghiệp vụ.
Cùng với đó, gấp rút tổ chức các lớp đánh giá, đào tạo, sát hạch đăng kiểm viên và đăng tải thông báo tuyển dụng 142 nhân sự theo kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2023 của Cục. Tuy nhiên, số lượng này cũng chỉ bù đắp được một phần trong tổng số hơn 400 đăng kiểm viên đang bị khởi tố.
Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2018/NĐ-CP, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định xe ô tô hiện nay. Trong đó, bỏ quy định mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra nhằm tận dụng được năng lực của các đơn vị đăng kiểm mà vẫn đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật.
Cùng với đó, giảm thời gian thực tập đối với các học viên đã có kinh nghiệm làm việc thực tế và đáp ứng được đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị bãi bỏ quy định số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm, không giới hạn công suất mà theo thực tế tình trạng phương tiện vào kiểm định và thời gian làm việc có thể kéo dài để phát huy hết năng lực của trung tâm đăng kiểm.
Ngoài ra, đề xuất cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị đình chỉ hoạt động (thời hạn 1 tháng hoặc 3 tháng) được hoạt động trở lại nếu đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực theo quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP.
Cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ hỗ trợ đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm 50-02S (đường Tống Văn Trân, Quận 11, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Linh Sơn/TTXVN
Để không gây khó khăn cho người dân, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định. Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.
Đánh giá về các giải pháp trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng các kiến nghị, đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải là những giải pháp cần thiết, hiệu quả và khả thi trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên cần phải gấp rút nghiên cứu triển khai nếu không tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm có nguy cơ quay trở lại.
Trong một diễn biến liên quan, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay, từ ngày 15/3, dự kiến sẽ có thêm 100 cán bộ, chiến sĩ tiếp tục được đưa về hỗ trợ đăng kiểm tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Trong đợt đầu ngày 11/3 vừa qua đã có 30 cảnh sát giao thông được tăng cường cho các cơ sở đăng kiểm tại Hà Nội; trong khi đó con số tương tự tại Tp. Hồ Chí Minh là 26 người.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nhấn mạnh, các cán bộ được tăng cường là những người đã từng làm công tác đăng kiểm nên sẽ không có nhiều bỡ ngỡ. Với tinh thần phối hợp chặt chẽ, bảo đảm mục tiêu cao nhất là tạo thuận lợi cho người dân khi đi đăng kiểm, hai lực lượng không ngại tăng giờ, tăng ngày làm việc để phấn đầu thời gian 1-2 tuần tới hoạt động đăng kiểm có thể trở lại bình thường.